Từ cậu bé thợ may tới nhà thiết kế áo dài của năm 2017
Dường như, Đỗ Trịnh Hoài Nam yêu thời trang như một “định mệnh”. Sinh năm 1975 tại Hà Nội, ngay khi còn học sinh, anh đã thích ăn mặc tươm tất. Anh muốn sau nay sẽ thiết kế những bộ trang phục dành tặng bố mẹ, người thân trong gia đình.
Lúc nhỏ, nguyên liệu không có, cậu bé Hoài Nam thường lấy giấy xi măng, vẽ trang phục trên đó rồi tập cắt. Thấy con ham sáng tạo, bố mẹ anh dành dụm mua cho anh chiếc máy may và một số mét vải để thiết kế, may vá.
Ngoài giờ học, cậu bé xin may thuê quần áo gia công và kiếm được một khoản tiền kha khá phụ giúp bố mẹ. Đến với nghề may khi mới 13 tuổi, Đỗ Trịnh Hoài Nam đã sớm gom góp, tích lũy cho mình những cảm hứng bất tận và tư duy tinh tế về thời trang.
Trong khi các bạn nam thường chọn ngành điện tử, điện máy, khoa học thì anh lại thi vào khoa Công nghệ may & thiết kế thời trang tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp để biến giấc mơ trở thành nhà thiết kế thời trang thành hiện thực.
Ra trường, anh đi làm cho một công ty may khá có tiếng. Ngoài giờ làm chính, anh còn tập hợp những thợ may tay nghề khá để may hàng hiệu kiếm thêm. Với những thiết kế, đường kim mũi chỉ khéo léo, anh nhận được nhiều hợp đồng, những người thợ làm không hết việc.
Muốn tự do tung hoành sáng tạo, anh xin nghỉ làm công ty may để mở cửa hàng riêng cho mình. Nghe danh Đỗ Trịnh Hoài Nam, một hãng rượu đã đặt may đồng phục cho hàng ngàn nhân viên. Hợp đồng đó thành công hơn cả mong đợi mang về cho anh nguồn kinh tế lớn và đẩy nhanh tên tuổi của mình trong làng thời trang Việt.
Với sức sáng tạo và niềm đam mê của mình, anh từng giành nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế như: giải Ba cuộc thi Mẫu Thời trang Việt Nam lần thứ 5; giải chất liệu trong Cuộc thi Grandprix 2004; tham dự chung kết giải Mercedes Benz thời trang châu Á...
Đỗ Trịnh Hoài Nam là nhà thiết kế đầu tiên của Việt Nam vượt qua hơn 30 nhà thiết kế nổi tiếng trên thế giới để được lựa chọn là NTK trình diễn khai mạc tuần lễ thời trang cao cấp New York Couture Fashion Week 2017 vào tháng 9/2017. Anh cũng vinh dự được lựa chọn là NTK Việt trình diễn mở màn Paris Fashion Week - Haute Couture 2018. BST Áo dài quốc kỳ 46 nước tại thảm đỏ LHP Cannes, “Vẻ Đẹp Việt Nam” đã đóng góp những giá trị to lớn cho việc quảng bá văn hóa Việt Nam qua nét đẹp tà áo dài.
Mới đây, trong khuôn khổ Lễ hội áo dài TP.HCM lần thứ 5 năm 2018, lần đầu tiên BTC lễ hội đã bình chọn, tôn vinh nhà thiết kế áo dài của năm. NTK áo dài Đỗ Trịnh Hoài Nam đã nhận được bình chọn là nhà thiết kế áo dài của năm 2017.
Nghệ thuật phục vụ cuộc sống
Không phải ngẫu nhiên, anh được nhiều giải thưởng lớn về áo dài. Với Đỗ Trịnh Hoài Nam: “Thời trang nói chung và áo dài nói riêng là ngôn ngữ, là công cụ giao tiếp không lời nhưng truyền tải những giá trị văn hóa sâu sắc”.
Những bộ sưu tập áo dài của anh thường chuyển tải giấc mơ của mình, mang văn hóa Việt Nam đến gần hơn với thế giới, đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến đông đảo bạn bè quốc tế. Sản phẩm thời trang của anh không chỉ đẹp mà còn như một tác phẩm nghệ thuật bởi anh thổi hồn mình vào trong đó.
Mang trong mình khát khao và niềm tự hào dân tộc, Đỗ Trịnh Hoài Nam bắt đầu cho ra đời những bộ áo dài đầu tiên kết hợp nét văn hóa Việt và kĩ thuật thủ công đến từ các làng nghề. Để cho bộ trang phục trở nên xứng đáng, anh luôn nghiên cứu, gia tăng giá trị cho sản phẩm bằng công sức. Không chỉ họ mặc đẹp ngay lúc mới mà còn mặc đẹp sau nhiều năm mà không bị mất phom, đó là chất lượng thực sự. Đặc biệt hơn, người ta nói anh “chơi ngông” khi đem vàng bạc, kim cương dát lên áo dài.
Nhưng có lẽ, với anh, đó đơn giản chi là cách nâng tầm giá trị ̉ cho áo dài, xuất phát từ tấm lòng của một nhà thiết kế luôn muốn cống hiến hết mình cho văn hóa truyền thống.
Có chiếc áo dài đẹp rồi, nhưng người mặc cũng phải có dáng đi uyển chuyển, duyên dáng để tôn vinh vẻ đẹp áo dài đó. Nghĩ là làm! Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam có bước đi đầy sáng tạo là mở khóa tập huấn ngắn ngày về cách đi, dáng dứng, tạo hình uyển chuyển, thướt tha cho những người phụ nữ nói chung vào nữ doanh nhân nói riêng với tên gọi “Vẻ đẹp Việt Nam”.
Chỉ trong thời gian tập huấn ngắn là 1-2 ngày, qua hai mùa “Vẻ đẹp Việt Nam” hàng trăm phụ nữ nói chung, nữ doanh nhân nói riêng đã tự mình là người mẫu, sải bước đi catwalk “xuất thần” trên sàn diễn. Qua từng bước di chuyển với những tà áo duyên dáng, kín đáo nhưng lại rất gợi cảm, họ đã tỏa sáng theo cách riêng của mình.
““Làm nghệ thuật, ai mà chẳng thích thiết kế những cô mẫu chân dài, trẻ đẹp, Tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng tôi quan niệm, nghệ thuật là để phục vụ cuộc sống. Và đối tượng mà tôi hướng tới là các bà, các mẹ, các nữ chính khách. Bởi vì họ chính là những người đã có nhiều đóng góp, thậm chí đã hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho gia đình, cho xã hội. Mặc dù họ có thể không có số đo tiêu chuẩn như người mẫu, hoa hậu nhưng họ có lợi thế là tham gia rất nhiều hoạt động xã hội. Và họ mới chính là đối tượng có điều kiện quảng bá văn hóa áo dài nhiều hơn cả trong và ngoài nước. Đó cũng là mục đích của “Vẻ đẹp Việt Nam” - quảng bá văn hóa thông qua áo dài của chúng tôi.”- nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam phấn khởi chia sẻ.