Những ám ảnh khó lành
Một bạn chia sẻ: “Tuổi nhỏ tôi ham chơi như bao đứa trẻ khác, thêm nữa xưa gia đình khó khăn nên mẹ bị áp lực kinh tế và hay căng thẳng. Ngày nhỏ, tôi bị đánh rất nhiều, hay bị mẹ túm tóc rồi tát vào mặt, dùng dây thắng xe đạp hay bất cứ thứ gì có thể để đánh. Về tinh thần, mẹ thường xuyên đay nghiến và so sánh tôi với người khác, dùng những từ rất cay nghiệt.
Trong thâm tâm tôi biết mẹ thương mình, luôn dành tình cảm cho mình, nhưng những tổn thương đó làm tôi chẳng thể xua đi. Tôi 25 tuổi, đối với mọi người xung quanh luôn vui vẻ, tự tin, vô lo, vô nghĩ. Thật ra trong tôi luôn tràn đầy sự tự ti và mặc cảm, lúc nào trong đầu cũng là lời mẹ so sánh tôi với người khác, thấy bản thân thua kém. Trước tôi làm nhân viên văn phòng cho một công ty nước ngoài, còn nhớ hồi COVID, gần cuối năm thành phố bùng dịch, mọi người trong gia đình gọi tôi về nhà. Sau khi về, tôi phụ giúp việc gia đình (nhà tôi có cửa hàng đồ gia dụng tầm trung). Sau Tết tôi quay lại thành phố tìm việc. Một phần vì nghỉ lâu, một phần tôi chưa thích ứng lại với cuộc sống công sở nên vẫn chưa có việc. Vậy là mỗi lần về nhà, khi mẹ vui thì mọi thứ đều bình thường, lúc mẹ khó chịu lại nói những lời khó nghe.
Tôi luôn thèm cảm giác ở bên gia đình nên lúc rảnh lại muốn về nhà, nhưng từ lâu rồi có lẽ nhà không còn dành cho tôi nữa. Tôi sợ những lời cay đắng của mẹ, sợ sự so sánh thiệt hơn, chỉ biết thu mình trong phòng trọ nhỏ. Dù biết mẹ luôn thương tôi và tôi cũng thế nhưng những chuyện ngày bé như cái gai trong lòng, muốn nhổ bỏ mà chẳng thể. Dù có thế nào, ngày mai cũng phải thức dậy, mọi thứ vẫn tiếp diễn, mai tôi lại khoác lên mình sự tự tin, yêu đời mà mọi người nghĩ nó thuộc về tôi”.
Sống tại Hà Nội, chị Trang (40 tuổi), bắt con gái - bé Cún (11 tuổi) phải học đàn từ nhỏ dù bé không muốn. Người mẹ tự nhận bản thân là người dễ tính nhưng trong mắt những đứa trẻ, chúng nghĩ không người nào khó tính lại nhận mình là khó tính cả. Thậm chí con gái lớn của chị đã từ chối chia sẻ cùng mẹ bất cứ câu chuyện nào trong cuộc sống của nó.
Một câu chuyện khác, chị Nguyễn Thị Liên ở Hưng Yên cũng là người mẹ đã mắc sai lầm trong cách nuôi dạy con. Muốn con có tính tự lập, chị chỉ biết ép con mình phải làm việc giúp đỡ bố mẹ. Người con lại cảm thấy như mình chỉ là người bị sai khiến. Cậu bé cũng không được bố mẹ nói những lời yêu thương, những lời cảm ơn. Từ lúc sinh ra đến giờ em chưa nhận được một món quà hay món đồ chơi nào mà em thích. Khi người con cảm thấy buồn tủi, tức giận nhất, người mẹ chỉ biết bỏ đi. Không một ai trong gia đình an ủi cậu bé, để cậu bé trong góc tối và tự đánh mình. Cậu bé không biết chống đỡ làm sao với những cảm xúc uất ức ở bên trong của mình.
Đối với gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hà, sự nghiêm khắc của người mẹ đã biến một cô bé học tiểu học trở nên lỳ lợm, không nghe lời và đã từng bỏ nhà ra đi. Thậm chí, Hà Anh từng tự quay một đoạn clip ngắn nói về cuộc sống bí bách của em trong ngôi nhà của chính mình. Cô bé cho rằng mẹ không phải là mẹ ruột của mình, mẹ quá nghiêm khắc và thích kiểm soát người khác…
Đó là những câu chuyện Cha mẹ thay đổi, một chương trình truyền hình thực tế. Có thể nói, những nhân vật tham gia chương trình chính là những người bố, người mẹ can đảm và dũng cảm nhất. Bởi sau tất cả, họ chấp nhận công khai tất cả những câu chuyện, những tình huống chân thật diễn ra hàng ngày trong đời sống gia đình mình, kể cả những khúc mắc giữa cha mẹ và con cái. Tất cả là vì mong muốn có được một con đường mới, con đường với những định hướng và phương pháp đúng đắn trong việc nuôi dạy và mang đến niềm vui sống thực sự cho đứa con của mình và chính bản thân.
Theo GS Peck Cho (Hàn Quốc), có một nghiên cứu rất lớn mới công bố gần đây có tên là “Những trải nghiệm tổn thương thời thơ ấu”, cho biết khi những đứa trẻ có trải nghiệm tổn thương thời thơ ấu, không phải 1, 2 lần mà nhiều lần, thì nó khiến cho bộ não của trẻ không hoạt động một cách bình thường nữa và tăng tỷ lệ tự tử trong tương lai. Có những nỗi đau không bao giờ lành, khi đó là những nỗi đau gây ra bởi chính người thân mình. Bởi thế, có những ẩn ức, với không ít người, phải mất rất nhiều năm tháng, thậm chí cả đời người mới có thể xoa dịu khi cả hai cùng trân trọng, thay đổi. Có cả những tiếc nuối sẽ chẳng bao giờ kịp nữa…
Điều gì đang xảy ra trong gia đình trẻ?
Sau hôn nhân, nhiều người trẻ đã sống như hai người độc thân chung nhà... (Ảnh minh họa: H.A) |
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn chia sẻ: “Trước kia, đời người chỉ có 3 điều quan trọng: tậu trâu, cưới vợ, làm nhà. Thế nhưng, trong xã hội hiện nay, chúng ta có nhiều vấn đề cần quan tâm hơn như công việc, phát triển bản thân, chăm chút các mối quan hệ bên ngoài... Một phần vì đó mà nhiều bạn trẻ có được thành công sớm, nhưng lại ít quan tâm tới vấn đề hạnh phúc lứa đôi. Cộng thêm các yếu tố khác, điển hình là việc một số người trẻ sở hữu trình độ, kỹ năng, lại thêm “cái tôi” lớn... khiến sự gắn kết trong tình cảm đôi lứa có phần ngày càng lỏng lẻo”.
Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, năm 2022 đã có trên 500.000 vụ ly hôn được thụ lý. Trong số đó, 70% số vụ thuộc về các gia đình trẻ trong độ tuổi từ 18 - 30 xuất phát từ những mâu thuẫn do lối sống khác nhau, môi trường khác nhau, những xung đột và bất đồng quan điểm...
Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình Bộ VH - TT&DL Khuất Văn Quý cho hay, hầu hết các gia đình cơ bản đều có sự chuyển biến, thay đổi. Tuy nhiên, gia đình trẻ lại có biểu hiện rõ nét hơn, nhất là về quan niệm hôn nhân và gia đình theo hướng đề cao tính tự do, tính cá nhân, chấp nhận các hiện tượng hôn nhân và gia đình mới cũng như các vấn đề bình đẳng giới. Hiện nay, bên cạnh những người có quan niệm tích cực về hạnh phúc hay hạnh phúc gia đình, thì một số bạn trẻ lại có cái nhìn phiến diện, lệch lạc. Cụ thể hơn, sự phát triển của xã hội đã khiến không ít người trẻ rơi vào nhịp sống của sự ăn chơi, hưởng thụ, coi những thú tiêu khiển là niềm hạnh phúc thực thụ mà quên rằng, niềm vui chỉ có thể tạo nên từ sự nỗ lực, cố gắng trong đời sống thực tế. Đồng thời một số bạn coi hạnh phúc là thứ mua được bằng tiền cùng quan điểm “mọi người phải vì mình”.
“Với người trẻ hạnh phúc và hạnh phúc gia đình chính là tình yêu thương chân chính giữa người với người. Hạnh phúc là được sống với những ước mơ, hoài bão lớn lao của tuổi trẻ căng tràn nhựa sống, là được sống hết mình, được cống hiến và đón nhận tình cảm chân thành…”, ông Quý nói.
Theo ông Đinh Đoàn, yêu nhau, trao nhau chiếc nhẫn cầu hôn, cùng nhau tự nguyện ký vào giấy chứng nhận kết hôn liệu đã đủ để gắn kết hạnh phúc bền chặt? Vợ chồng cần xây dựng “phụ lục” cho “hợp đồng hôn nhân” để vun đắp hạnh phúc lâu dài. Vừa qua, mạng xã hội xôn xao với con số thống kê tại một tỉnh miền Trung: có đến 1.600 cặp nộp đơn ly hôn trong 8 tháng đầu năm 2023, trong đó phổ biến là các cặp vợ chồng trẻ. Chuyên gia nhìn nhận, đáng lẽ việc kết hôn là hai phải thành một, nhưng không ít cặp vợ chồng kết hôn lại như hai người độc thân thuê chung nhà. Thậm chí đến bữa ăn cũng không ăn chung. Vợ chồng đi cà phê nhưng mỗi người nghịch điện thoại mà không có “chạm”, không có tương tác, không có chia sẻ với nhau về công việc, tiền bạc, mối quan tâm chung… Đó là một trong những nguyên nhân khiến gia đình trẻ lỏng lẻo và rời ra. Chuyên gia cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân xảy ra đổ vỡ của gia đình trẻ, nhất là ở vùng nông thôn, là do cuộc sống ly tán, vợ chồng xa nhau vì đi làm ăn xa, đi xuất khẩu lao động… sống xa nhau nên đối phương không giữ được mình.
Cùng nhận định khoảng cách địa lý, xa cách nhau trong thời gian dài là rào cản rất lớn trong duy trì mối quan hệ của gia đình trẻ, bà Trần Vân Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững chia sẻ, việc cần làm là hai vợ chồng phải đồng thuận, bàn bạc về những khó khăn sẽ nảy sinh khi sống xa nhau, từ đó cùng nhau đưa ra quyết định để khắc phục. Khi xa cách nhau, vợ chồng phải lường trước đổ vỡ, trao đổi với nhau về những kỹ năng để vượt qua cám dỗ.
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn đưa ra lời khuyên vợ chồng sống với nhau để xây dựng hạnh phúc bền lâu nên cần “lui cái tôi cá nhân, tăng nhiều cái chung”, tăng cường “chạm nhau”. Điều này tránh tình trạng không có thỏa thuận, cứ đụng đến việc gì cũng tranh luận, cãi nhau và nhiều lần cãi nhau thì chán không muốn nói nữa - ông Đoàn nói. Và khi đã không còn muốn nói với nhau nữa thì cuộc hôn nhân ấy đã tới hồi mong manh.
TS Đinh Đoàn chỉ ra ba cách thức để vợ chồng trẻ chung sống với nhau. Đó là cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, chia sẻ về tài chính và chia sẻ về cảm xúc. Ông đặc biệt lưu tâm đến chia sẻ cảm xúc, vợ chồng có cảm xúc gì phải nói ra để người kia hiểu, chứ không bắt đối phương “là cái máy dò cảm xúc của mình”. Theo chuyên gia Vân Anh, để vợ chồng giao tiếp được với nhau cách tốt nhất cần dựa trên ba nguyên tắc: thấu hiểu - chia sẻ - tôn trọng đối phương.
MC Đức Bảo bày tỏ, khi chúng ta bước vào cuộc sống hôn nhân chúng ta cần những kỹ năng, bởi giờ đây là trách nhiệm có nhau khi tình yêu đủ lớn. Đó là sự đồng cảm, vợ chồng cần trò chuyện, chia sẻ mọi vấn đề của cuộc sống. Khi im lặng là người kia có người khác rồi. Với Bảo, vợ chồng cùng nghề nên có vợ mình có thêm cộng sự lớn quan trọng của mình trong cuộc sống và trong công việc. Do đó, khi bước vào hôn nhân, hai người sẽ trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình và cùng có trách nhiệm làm cho nhau hạnh phúc...