Khi người trẻ kẹt trong 'hố đen'

Người trẻ trầm cảm rất cần sự cảm thông, giúp đỡ để vượt qua những “vùng xám”. (Ảnh internet)
Người trẻ trầm cảm rất cần sự cảm thông, giúp đỡ để vượt qua những “vùng xám”. (Ảnh internet)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tuyệt vọng, tự làm tổn thương cơ thể mình, tự cách ly bản thân với người thân, bạn bè, bị dằn vặt bởi suy nghĩ tự tử,… đó chỉ là một số trong những dấu hiệu của nhiều người trẻ đã và đang bị căn bệnh trầm cảm hành hạ.

Điều quan trọng là những trường hợp này cần được nhận biết sớm để có sự can thiệp kịp thời. Như vậy, gia đình, nhà trường và xã hội có thể giúp họ vượt qua “vùng xám”, ngăn ngừa những hậu quả tồi tệ hơn xảy ra.

Những vết tích ám ảnh

Trước vô vàn áp lực của cuộc sống, nhiều người trẻ lại lựa chọn cách tự ngược đãi bản thân để giảm bớt căng thẳng. Một nữ ca sĩ trẻ tự bóc da tay đến mức rỉ máu nhưng khó thể ngừng lại. Một nữ sinh viên tại Hà Nội tự rạch hơn chục vết cắt trên cánh tay vì không thể đạt ước mơ du học. Hay một thiếu nữ ở Nghệ An vừa dùng dao lam rạch tay mình vừa livestream trên mạng xã hội vì chuyện tình cảm với bạn trai. Hoặc một nam sinh ở Thanh Hóa thường xuyên đập đầu vào tường để giảm bớt áp lực và cơn đau đầu dai dẳng sau khi người thân qua đời,…

Những câu chuyện trên đều đã từng được chia sẻ trên Internet, mạng xã hội. Tuy nhiên, thay vì bày tỏ sự chia sẻ, đồng cảm, nhiều người vẫn cho rằng những hiện tượng này chỉ đơn giản là vấn đề của một phần nhỏ trong giới trẻ, đặc biệt những người còn thiếu kinh nghiệm và chưa làm chủ được cảm xúc. Dù rằng bản chất không hề đơn giản như vậy.

Sau mùa dịch, hàng loạt vụ việc học sinh, sinh viên tự tử liên tiếp xảy ra khiến dư luận cả nước chấn động. Ám ảnh nhất có lẽ là trường hợp một nam sinh ở Hà Nội nhảy lầu cao chung cư trong sự bất lực của người cha chứng kiến. Em để lại một bức thư bày tỏ những khó khăn, áp lực mình đang gặp phải, khiến em không thể chịu được mà tự tước đi mạng sống của chính mình. Nhiều ý kiến chia sẻ, giá mà ai đó có thể nhận thấy những dấu hiệu bất thường của em học sinh này sớm hơn, có lẽ sự việc đã không kết thúc tồi tệ đến vậy.

Từ trước đến nay, phần lớn người Việt Nam đều đang coi nhẹ việc chăm sóc sức khoẻ tinh thần. Nhiều người thậm chí còn vô tâm cho rằng việc những người trẻ bị căng thẳng trong cuộc sống là do họ thiếu kỹ năng sống hoặc muốn gây sự chú ý. Trong khi đó, sự căng thẳng hay rối loạn trầm cảm không phải vấn đề của riêng thế hệ nào. Nhiều nhà tâm lý giải thích, một trong những nguyên nhân mà xã hội ghi nhận tỉ lệ người mắc bệnh trầm cảm tăng lên có thể do lĩnh vực sức khỏe tinh thần ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Bên cạnh đó, việc tiếp cận thông tin dễ dàng giúp nhiều bạn trẻ và các bậc phụ huynh sớm nhận ra những khó khăn tâm lý của mình hoặc những người xung quanh, từ đó tìm kiếm sự giúp đỡ và cảnh báo tới cộng đồng.

Một minh chứng rõ thấy là kể từ sau đại dịch, mối quan tâm với trầm cảm và các vấn đề liên quan ngày càng gia tăng. Khi tìm kiếm từ khóa “trầm cảm muốn tự tử” hay “trầm cảm muốn chết” trên Google, ngay lập tức nền tảng tìm kiếm này sẽ cho ra khoảng hơn 20 triệu kết quả xuất hiện.

Mặt khác, nếu tìm kiếm những từ khoá này trên Facebook, mạng xã hội sẽ hiển thị ngay những hội nhóm với hàng nghìn, hàng chục nghìn thành viên với những cái tên như “Hội những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu, muốn tự tử” (26 nghìn thành viên), “Cộng đồng những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu, muốn tự tử” (34 nghìn thành viên), “Hội người trầm cảm – Mất ngủ” (hơn 8 nghìn thành viên),…

Từ những bài đăng, bình luận trong những nhóm này, có thể thấy một điểm chung là người trẻ hiện nay đang đối mặt với rất nhiều áp lực. Bên cạnh những áp lực về sự kỳ vọng, còn có thể kể đến áp lực từ những biến cố trong cuộc sống, như sự kỳ thị, gia đình không hạnh phúc, bạo lực, bị bắt nạt, cô lập tại trường học...

Nhiều người trẻ chọn cách tự rạch tay, làm tổn thương bản thân để giảm căng thẳng. (Ảnh internet)

Nhiều người trẻ chọn cách tự rạch tay, làm tổn thương bản thân để giảm căng thẳng. (Ảnh internet)

Trẻ em đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực trong học tập và cuộc sống. (Ảnh internet)

Trẻ em đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực trong học tập và cuộc sống. (Ảnh internet)

Giúp người trẻ vượt qua “vùng xám”

Trong những năm qua, đã có nhiều nghiên cứu, khảo sát đã chỉ ra các vấn đề sức khoẻ tâm thần ở trẻ em, thanh, thiếu niên Việt Nam như lo lắng, trầm cảm, cô đơn, rối loạn cảm xúc,… đang có xu hướng tăng lên và diễn biến phức tạp hơn. Tháng 10/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả Báo cáo khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam, được nghiên cứu trên quy mô gần 8.000 học sinh từ 13-18 tuổi của 81 trường ở 20 tỉnh, thành. Báo cáo cho thấy 12,59% học sinh thường xuyên, luôn luôn cảm thấy cô đơn và 16,81% thường xuyên khó tập trung vào làm bài tập về nhà, trong khi hơn 15% học sinh thực sự nghĩ đến ý định tự tử.

Bên cạnh đó, báo cáo về chăm sóc sức khỏe tâm thần ở trường học do Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam công bố vào cuối năm 2022 cho biết, gần 50% trẻ tham gia khảo sát này (trên khoảng 1.000 trẻ em) cho rằng cha mẹ khắt khe và áp lực thất bại trong học tập là hai tác nhân chính ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của các em.

Còn theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc, khoảng 8 – 29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khoẻ tâm thần. Ước tính có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khoẻ tâm lý, tâm thần. Tuy nhiên, số người được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết chiếm số lượng rất nhỏ.

Kết quả các nghiên cứu cũng cho thấy, khi mắc bệnh, phần lớn người trẻ đều lựa chọn tự đối phó với bệnh trầm cảm bởi suy nghĩ rằng họ sẽ khỏi bệnh mà không cần ai giúp. Một bộ phận bạn trẻ dùng cách làm tổn thương bản thân, trong khi nhiều bạn trẻ khác tìm đến sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, thậm chí là ma tuý để “tự chữa”, xoa dịu các dấu hiệu của rối loạn tâm thần. Lo ngại bị đánh giá, kỳ thị, phân biệt đối xử bởi vấn đề rối loạn tâm thần. Cuộc sống của những người trẻ có triệu chứng của căn bệnh trầm cảm thường trở nên khép kín hơn, bởi vậy khiến họ ngày càng bế tắc hơn.

Nhiều quan điểm cho rằng, thế hệ trẻ thuộc Gen Z (sinh từ năm 1996 đến 2010) đang đối diện với nhiều áp lực hơn so với hầu hết các thế hệ khác, từ công việc, học tập cho đến những vấn đề khác trong cuộc sống. Từ đó, những căn bệnh liên quan đến tinh thần, như trầm cảm, căng thẳng..., xuất hiện ngày càng nhiều và đang có xu hướng “trẻ hóa”, cùng với những hành vi tự “hành xác” cực đoan hơn.

Những áp lực bên ngoài đến từ việc họ phải tập thích nghi với bối cảnh dịch bệnh, kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi. Còn những áp lực bên trong là tâm lý muốn chứng tỏ bản thân, mong muốn được công nhận, không muốn thua kém người khác, chạy theo “deadline” (tạm hiểu là thời hạn cho một mục tiêu, nhiệm vụ nào đấy), bị “ngợp” bởi thành tích,… khiến họ không thể dừng lại và dần chìm vào “hố đen” của sự căng thẳng và sau đó là trầm cảm. Gen Z cũng là thế hệ được tiếp xúc nhiều với công nghệ nên hiện tại nhiều bạn trẻ dành đa phần thời gian của mình trên thế giới ảo. Những mạng xã hội phổ biến nhất như Facebook, TikTok, Instagram,… đã và đang dấy lên mối lo ngại từ các bậc phụ huynh, nhà chức trách về những tác động tiêu cực mà những nền tảng này ảnh hưởng đến giới trẻ.

Các chuyên gia, bác sĩ khuyến cáo, trầm cảm nên được xem xét như là một bệnh lý, do đó trong quá trình chăm sóc và hỗ trợ các em, tuyệt đối không được lơ là các dấu hiệu của hành vi tự tử và tự tử không thành công ở trẻ em. Việc phát hiện sớm các biểu hiện bệnh lý tâm thần nói chung và trầm cảm nói riêng ở lứa tuổi thanh, thiếu niên hiện là một thách thức lớn bởi phần lớn các triệu chứng không được thể hiện rõ ràng, không dễ nhận biết đối với người bình thường.

Bởi vậy, sự phối hợp, tham gia của các bên như xã hội, y tế và giáo dục trong các chương trình về sức khỏe tâm thần cho người trẻ, đặc biệt là đối tượng thanh, thiếu niên, trẻ em là vô cùng cần thiết. Đây là những hoạt động thiết thực giúp gia đình, nhà trường và xã hội thấu hiểu những trở ngại tâm lý mà người trẻ đang phải đối mặt. Đồng thời nâng cao nhận thức của người trẻ cách tự chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho bản thân, cũng như cách hỗ trợ bạn bè, người thân xung quanh vượt qua những “vùng xám” bởi căn bệnh trầm cảm.

Đọc thêm

Nữ chiến sĩ trên mặt trận không gian mạng và sứ mệnh thời 4.0

Chương trình “Nâng bước chân em tới trường” hỗ trợ xe đạp cho học sinh khó khăn. (Ảnh trong bài: Trung tâm 586)
(PLVN) - Trong dòng chảy lịch sử hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam, phụ nữ không chỉ là những người “giữ lửa” hạnh phúc gia đình mà còn là chiến sĩ quả cảm trên các mặt trận đầy cam go, bao gồm cả tác chiến không gian mạng. Với bản lĩnh kiên cường, trí tuệ sắc bén và tinh thần nhân ái, họ luôn khẳng định vai trò tiên phong, đóng góp vào nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng hình ảnh đẹp đẽ của “Bộ đội Cụ Hồ” thời đại mới.

Lan tỏa niềm tin, dựng 'thế trận lòng dân' trong kỷ nguyên số

Thượng tá Trần Quang Huy, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung tâm 586 trao quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn vùng biên giới tỉnh Sơn La. (Ảnh: Trung tâm 586)
(PLVN) - Cùng với công tác dân vận mang tính truyền thống, công tác dân vận trên Internet và mạng xã hội đang trở thành vấn đề cấp thiết, đòi hỏi sự nhạy bén và sáng tạo. Đây không chỉ là nhiệm vụ chính trị của những chiến sĩ tác chiến không gian mạng mà còn là sứ mệnh xây dựng cầu nối niềm tin giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Những thầy giáo quân hàm xanh miền biên viễn

Một buổi lên lớp của Đại úy Lò Văn Thoại. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - Nơi cuối trời Tây Bắc, có những người lính đi cả ngày, cả buổi đến “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” và dạy chữ cho bà con. Khi biết đọc, biết viết, đồng bào biết tránh xa các cạm bẫy xấu, các tệ nạn và nạn tảo hôn, biết làm ăn để đời sống ngày một no ấm…

Vực dậy sau khủng hoảng sự nghiệp

Thất bại trong quá khứ có thể trở thành một “cú hích” cho sự đột phá trong sự nghiệp, nếu biết chấp nhận và đổi thay. (Ảnh: AT)
(PLVN) - Khủng hoảng trong công việc, sự nghiệp là điều mà rất nhiều người có thể gặp phải trong giai đoạn kinh tế khó khăn vừa qua. Đây không chỉ là cú sốc về mặt tài chính mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, giá trị bản thân và cảm hứng sống. Nhưng chính những giai đoạn gian nan ấy là cơ hội để mỗi người tìm lại chính mình và tái sinh mạnh mẽ hơn.

Áp thấp nhiệt đới trên biển Đông

Dự báo vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: nchmf.gov.vn
(PLVN) - Theo Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, trên biển Đông xuất hiện áp thấp nhiệt đới, trong khi đó khu vực Trung và Nam Trung Bộ sắp đón đợt mưa vừa, mưa to.

Bàn giao nhà tình nghĩa cho cựu quân nhân ở Bình Định

Đại tá Nguyễn Văn Thành trao bảng biểu trưng hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho vợ chồng ông Bản.
(PLVN) - Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định vừa phối hợp với Sư đoàn 3 Sao Vàng tổ chức bàn giao nhà tình nghĩa cho cựu quân nhân có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.

Quảng Ninh hội thảo thúc đẩy động lực tăng trưởng phát triển kinh tế di sản

Quang cảnh buổi hội thảo
(PLVN) - Ngày 21/12, tại huyện Vân Đồn, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ninh đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh”.