Có thể nói, cho đến thời điểm này hệ thống pháp luật Việt Nam tương đối hoàn chỉnh, đầy đủ để có thể điều chỉnh được các lĩnh vực cuộc sống. Đây là sự nỗ lực vượt bực đáng được ghi nhận của các nhà làm luật. Thế nhưng, tại sao trong đời sống hàng ngày vẫn đầy rẫy những hành vi vi phạm pháp luật, để rồi các cơ quan chức năng, truyền thông lại lớn tiếng ca thán: Mặt bằng dân trí của dân ta thấp quá, khó “giác ngộ” pháp luật.
Để đưa chính sách pháp luật đến với người dân, Nhà nước đã đổ rất nhiều tiền của vật chất cũng như sức lực, trí tuệ của các tuyên truyền viên đóng góp vào. Công bằng mà nói, như mưa dầm thấm lâu, dần dà người dân cũng đã có được những nhận thức cơ bản về pháp luật và ý thức tuân thủ, làm theo, sống theo luật pháp cũng từ đó mà hình thành và nâng lên.
Thế nhưng, khi đã giác ngộ pháp luật thì chính những người dân lại quay ra đặt câu hỏi ngược với Nhà nước. Một câu hỏi mà theo sự đánh giá của người viết bài này là cũng tương đối khó để trả lời. Đó là: Nhà nước ban hành đầy đủ các đạo luật để điều chỉnh cuộc sống, thế nhưng cùng với đó Nhà nước đã quan tâm tới việc chuẩn bị đủ điều kiện để giúp người dân có thể sống và làm việc theo pháp luật hay chưa?.
Lấy ví dụ như, Luật Giao thông đường bộ quy định hành vi đi bộ xuống lòng đường là vi phạm pháp luật, thế nhưng thử hỏi trong một thành phố, nhất là các thành phố lớn, liệu đã được 100% vỉa hè là hè thông đường thoáng hay chưa? Vỉa hè bị chiếm dụng làm chỗ buôn bán, để xe, người đi bộ không còn chỗ đi đành phải xuống đường, chẳng may có bị xe đâm thì cũng là lỗi tại họ do đi không đúng phần đường quy định.
Hay ở một câu chuyện khác, những hố đen tử thần, nắp cống lộ thiên, dây điện lòng thòng trên phố đã cướp đi sinh mạng của không ít người dân. Nhưng cuối cùng chẳng có một cơ quan chức năng đứng ra chịu trách nhiệm cho cái chết của họ, đồng nghĩa với chịu trách nhiệm trước pháp luật do hành vi làm ẩu, tắc trách của mình. Giả sử nếu như khi đó, để tránh những chướng ngại vật như vậy, người dân đành phải đi xe lên hè, thì chẳng phải là họ đã vi phạm pháp luật do không được tạo điều kiện để chấp hành pháp luật hay sao.
Từ đó, có thể thấy, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật rất quan trọng vì pháp luật vốn vẫn được coi là “vị muối của cuộc đời”. Thế nhưng, cũng quan trọng không kém là chính chủ thể ban hành pháp luật đó cũng phải lưu ý đến việc tạo cho đối tượng điều chỉnh những điều kiện thích hợp để họ có thể chấp hành pháp luật.
Tiếc rằng, đây lại là vấn đề mà có lẽ cho đến giờ này vẫn ít được các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là các cơ quan tham mưu cho việc ban hành chính sách pháp luật, nghĩ đến. Còn người dân thì cũng vì thế mà chỉ biết âm thầm với câu hỏi ngược và nghĩ cách để chấp hành pháp luật theo cách riêng của mình.
Dương Minh