Phụ huynh ngây ngất với những lời phê “có cánh” từ cô giáo nhận xét một năm tu dưỡng, rèn luyện và trưởng thành dưới mái trường thân yêu của đứa trẻ “vắt mũi chưa sạch”. Giấy khen là thứ xuất hiện nhiều nhất ở thời điểm này, như tờ rơi bươm bướm, đến trẻ Mẫu giáo cũng được phát Giấy khen do có thành tích “ngoan xuất sắc” dù chưa biết chữ để đọc cái thứ viết ở đó.
Thầy cô phấn khởi, phụ huynh vui mừng, quan chức ngành Giáo dục tự hào với thành tích chói sáng của một niên khóa thành công rực rỡ nhưng học sinh – nhân vật chính, trung tâm của sự dạy dỗ lại tỏ ra thờ ơ với kết quả mình đạt được. Con đạt loại xuất sắc, 3 điểm 10 cả 3 môn – “lớp con khối bạn như thế”, còn đạt 3 điểm 9 ư – “tại mẹ không cho con đi học thêm”, chúng coi như xong nghĩa vụ với bố mẹ và nhăn nhó nghĩ đến kỳ học hè trước mắt.
Vì thành tích và niềm tự hào của mình, người lớn đã gây nên áp lực rất lớn với trẻ con. “Trẻ em như búp trên cành/ Biết vui chơi, biết học hành là ngoan” – Bác Hồ đã viết như vậy để khuyên bảo cha mẹ nâng niu tuổi thơ, chừng mực với những tiêu chuẩn đặt ra với con cái mình. Và, lưu ý rằng Bác cân đối giữa chơi và học, thế là đã đủ “ngoan” rồi. Giờ, các nhà giáo dục, các bậc phụ huynh có còn nghĩ được như vậy không?
Tình trạng chung của các cấp học trong bậc phổ thông, đặc biệt là tiểu học là các học sinh xếp loại học lực trung bình rất ít. Một lớp đa phần là học sinh tiên tiến – thế mà cả nền giáo dục lại không tiên tiến cho. Xuất sắc nhưng chẳng có gì xuất sắc, nhiều học sinh đạt được danh hiệu này nên nó trở thành bình thường. Cái gì quý thì hiếm, lạm phát danh hiệu có cứu được thực chất của một nền giáo dục thiếu triết lý minh triết không?
Thành tích học tập rất cao, năm học nào cũng kết thúc tốt đẹp. Thế nhưng, trong kỳ thi tốt nhiệp THPT sắp tới, Công an Hà Nội đóng cửa một số cửa hàng photocopy để ngăn chặn học sinh quay cóp. Chỉ một động thái đó thôi đủ hiểu chất lượng thực sự của giáo dục phổ thông như thế nào, cả về học lực và đạo đức.