Giá xăng điều chỉnh tăng từ 18h hôm qua, 28/8, song từ vài ngày trước, nhiều cây xăng nghỉ bán vì “đầu mối không cung cấp hàng”, nhưng thực ra là chờ tăng giá...
Từ 18h hôm qua (28/8), giá xăng tăng thêm 650 đồng/lít. Ảnh: MH |
“Vọt” thêm 650 đồng/lít
Cty TNHH một thành viên Dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro) cho biết: Từ 18h ngày 28/8, giá xăng trong toàn hệ thống DN được điều chỉnh tăng thêm 650 đồng/lít; giá các mặt hàng dầu diezel tăng 300 đồng/lít, dầu hỏa tăng 450 đồng/lít, còn ma zút giữ nguyên giá hiện hành. Trong khi đó, Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex), đơn vị chiếm 60% thị phần xăng dầu cả nước lại tăng giá muộn hơn 30 phút cũng với mức tăng như Saigon Petro.
Như vậy, sau khi điều chỉnh giá xăng dầu thì đối với vùng 1, xăng RON 92 có giá là 23.650 đồng/lít; dầu diesel 0,05S có giá là 21.850 đồng/lít, dầu hỏa là 21.900 đồng/lít. Tính từ đầu tháng 7 tới nay, đây là lần điều chỉnh tăng giá thứ 4 liên tiếp. Ở lần điều chỉnh gần nhất ngày 13/8, giá xăng RON 92 đã có mức tăng tới 1.100 đồng/lít. Trong khi đó, giá các mặt hàng dầu cũng có mức tăng từ 500-800 đồng/lít, kg.
Tính chung, từ đầu năm đến nay, xăng dầu đã có 5 lần điều chỉnh giảm với tổng mức là 3.200 đồng/lít và đây là lần tăng thứ 6 với tổng mức tăng là 6.050 đồng/lít.
Cùng ngày, tại buổi gặp gỡ báo chí, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết: Bộ Tài chính đã có công văn gửi các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối đồng ý cho DN tăng giá bán.
Theo ông Thỏa, trong 30 ngày qua giá xăng dầu trên thế giới vẫn ở mức cao so với bình quân 30 ngày trước đó. Tính từ ngày 29/7 tới ngày 27/8, mặt hàng xăng tăng là 13,24%, diesel 0,05S tăng 8,66%, dầu hỏa tăng 9,59%, madut tăng 8,01%. Chính vì thế, giá cơ sở của mặt hàng xăng RON92 hiện ở mức 24.152 đồng/lít cao hơn 652 đồng/lít so với giá hiện hành, diesel đang có giá cơ sở cao hơn giá hiện hành là 317 đồng/lít, dầu hỏa, dầu madut lần lượt là 458 đồng và 74 đồng/lít.
Ông Thỏa cho rằng, phương án điều hành trong thời điểm hiện nay là cho phép các DN được sử dụng quỹ bình ổn giá lên 500đ/lít xăng (tăng mức sử dụng Qũy bình ổn giá 200 đồng/lít so với trước đó) và các loại dầu (diesel, dầu hỏa, dầu madút) là 300đ/lít,kg; đồng thời, chưa tính lợi nhuận định mức 300 đồng/lít,kg trong công thức tính giá cơ sở.
Các mức thuế nhập khẩu sẽ được giữ nguyên do hiện các khoản thuế đều nằm trong khung quy định. Trong đó thuế nhập khẩu tối đa cho phép là 25% đối với xăng RON92 nhưng hiện chỉ áp dụng 12% và tương tự đối với các mặt hàng khác như dầu diesel, dầu hỏa và dầu madút, mức thuế cũng dừng ở ngưỡng từ 10-12%, thuộc khung cho phép (15-20%).
“Đầu mối không cung cấp”?
Như PLVN đã đưa tin, sau khi thông tin các DN đầu mối kiến nghị tăng giá bán xăng dầu, trong mấy ngày qua, nhiều cửa hàng kinh doanh mặt hàng này ở một số địa phương nhanh chóng dựng biển “nghỉ bán”. Đến hẹn lại lên, đây là điệp khúc được nhiều đại lý “ưa chuộng”. Trong khi đó, cơ quan quản lý cũng phải thừa nhận “việc găm hàng, chờ tăng giá xăng dầu ngày càng khó kiểm soát”…
Tỉnh Bình Dương được xem là “điểm nóng” của tình trạng găm hàng, chờ tăng giá. Theo đó, có đến ba cửa hàng xăng dầu “chính thức” treo biển nghỉ bán gồm Quảng Phương, Tân Ba và Phước Tèo. Lý do của việc ngừng bán là “hết hàng, máy hỏng”.
Theo cơ quan quản lý tại tỉnh Bình Dương, nhiều cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng bắt đầu từ ngày 25 - 27/8 và chưa có dấu hiệu bán trở lại. Một trong những nhân chính được cho là do không có nguồn hàng từ DN đầu mối, bên cạnh đó còn do ảnh hưởng tâm lý từ thông tin đề nghị tăng giá xăng lên hơn 1.200 đồng/lít.
Ở Đồng Nai và tỉnh Bạc Liêu, tình trạng “hết hàng” tại các cửa hàng xăng dầu cũng tái diễn. Một số cửa hàng tại hai địa phương này hoặc là ngừng bán, hoặc là mở cửa muộn, đóng cửa sớm.
Ngay tại Hà Nội, người tiêu dùng cũng phản ánh có hiện tượng các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ngừng bán hàng, hoặc bán cầm chừng. Ngay khi có phản ánh từ phía người dân, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cũng đã ra quân kiểm tra các cây xăng trên địa bàn các huyện ngoại thành Chương Mỹ, Thạch Thất…
Như Pháp luật Việt Nam đã phản ánh, ngoài việc người tiêu dùng phải “thắt lưng buộc bụng” mỗi khi xăng dầu tăng giá, thì cơ quan quản lý cũng thường phải đau đầu với hiện tượng găm hàng chờ giá lên, mỗi khi mặt hàng này có thông tin được điều chỉnh.
Mặc cho Nghị định 107 của Chính phủ đã quy định các mức phạt tiền đối với hành vi “găm hàng”, từ 10 - 15 triệu đồng, có thể tăng lên 30 triệu đồng tùy mức độ vi phạm, trên thực tế, hiện tượng các cây xăng từ Nam ra Bắc đồng loạt thông báo “hết hàng”, “mất điện” đã diễn ra phổ biến trước mỗi dịp xăng dầu “nhấp nhổm” tăng giá.
Ông Trương Quang Hoài Nam - Cục trưởng Cục QLTT - thừa nhận, việc găm hàng, chờ tăng giá xăng dầu “ngày càng khó kiểm soát”. Trong khi đó, mỗi khi muốn găm hàng, các cửa hàng đưa ra hàng trăm lý do rất thiếu thuyết phục, như mất điện, máy hỏng, không có người bán, thậm chí là “nhân viên đi cấp cứu do đau ruột thừa” - ông Nam nói.
Tuy nhiên, một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu cũng đã “phản pháo” trước tình trạng cửa hàng phải đóng cửa nghỉ bán. Bởi, một chủ kinh doanh xăng dầu tại quận Cầu Giấy cho biết, do không nhập được hàng từ các đơn vị cung cấp nên việc nghỉ bán là đương nhiên.
Trong khi đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Đắc Lộc - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội - nói rằng, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra các cây xăng bán cầm chừng hoặc nghỉ bán ở địa bàn huyện Chương Mỹ, Thạch Thất, tuy nhiên kết quả cho thấy, lý do những cửa hàng này phải bán cầm chừng là do không nhập được hàng từ các đầu mối phân phối hoặc số lượng ít hơn so với nhu cầu thực tế.
“Riêng trường hợp cửa hàng xăng dầu Đức Tài thuộc Cty CP Đầu tư Tự Lực, kinh doanh xăng dầu trên địa bàn huyện Thạch Thất đóng cửa không bán hàng do từ ngày 3/8, Petec Thái Bình không cung cấp hàng cho cây xăng này. Chi cục QLTT Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Petec Thái Bình sớm giải thích nguyên nhân” - ông Lộc cho hay.
Sau vài ngày găm hàng với đủ thứ lý do “thượng vàng hạ cám”, cuối cùng thì giá xăng cũng đã được điều chỉnh tăng lên, thỏa mãn “ý nguyện” của các DN. Riêng quyền lợi của người tiêu dùng bị thiệt hại vì những chiêu trò trên thì một lần nữa bị “vượt mặt”, không biết đến bao giờ mới bị xử lý đúng mức và dứt điểm?.
Lan Uyên