Nhiều bản án tuyên doanh nghiệp phải trả nợ, tuy nhiên, đến thời điểm án có hiệu lực thì doanh nghiệp đột nhiên “mất tích”. Những khoản nợ như vậy vĩnh viễn bị xếp vào dạng tồn đọng.
“Trốn” thi hành án bằng giải thể doanh nghiệp
Nợ nần chồng chất, Công ty TNHH M.S (có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh) cùng lúc bị hai doanh nghiệp đối tác kiện ra tòa để đòi nợ. Tòa án thành phố đã tuyên buộc Cty M.S phải trả hai nguyên đơn tổng số nợ gần 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khi cơ quan Thi hành án (THA) đến xác minh tài sản tại Công ty M.S thì thấy công ty này đã biến mất, tài sản còn lại duy nhất là tấm biển công ty đã bị gió giật chỉ còn một nửa. Tại thời điểm này, cơ quan THA cũng chưa hề nhận được văn bản thông báo hay thông tin gì về việc giải thể Cty M.S.
Tương tự, trong một vụ tai nạn giao thông, Cty M.T, chủ sở hữu chiếc xe ben gây tai nạn phải liên đới bồi thường cho gia đình bị hại 50 triệu đồng. Tuy nhiên, khi tìm đến địa chỉ của chi nhánh công ty tại tỉnh Q; chấp hành viên mới phát hiện ra tại địa chỉ công ty khai báo không hề tồn tại một chi nhánh nào như bản án đã tuyên.
Xác minh tiếp, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Q. xác định, công ty trên có trụ sở chính tại TP. Hồ Chí Minh. Uỷ thác cho một đơn vị thuộc thành phố này nhưng khi tiến hành xác minh thì cũng gặp chuyện tương tự: doanh nghiệp đã biến mất. Mãi sau này, sau nhiều công đoạn điều tra, xác minh cơ quan THA mới biết công ty này đã giải thể để… chuyển sang thành lập một công ty mới. Như vậy, về pháp lý, công ty nói trên đương nhiên “thoát” nghĩa vụ THA.
Một báo cáo của Cục THADS TP. Hồ Chí Minh cho biết: số liệu thống kê tạm thời cho thấy thành phố hiện có khoảng 250 doanh nghiệp phải THA thuộc tình trạng này. Luật Doanh nghiệp quy định trình tự, thủ tục đối với các doanh nghiệp xin giải thể hợp pháp và Luật Phá sản cũng quy định thủ tục chặt chẽ với doanh nghiệp trong tình trạng phá sản.
Tuy nhiên, trong thực tế có loại doanh nghiệp mất tích mà pháp luật không điều chỉnh. Loại doanh nghiệp này, theo Cục THADS TP. Hồ Chí Minh thường chỉ đăng ký vốn điều lệ mà không có hiện vật, khi mất tích trên thị trường đã để lại món nợ phải THA. Trong khi đó, theo nhận định của Cục THADS thành phố, các thành viên sáng lập các doanh nghiệp mất tích lại ung dung đi đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn mới.
Lý giải việc nhiều doanh nghiệp trong đó có cả doanh nghiệp nhà nước bị giải thể nhưng cơ quan THA không biết, theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp), Luật THADS quy định trường hợp giải thể thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải thể phải thông báo cho cơ quan THADS biết trước khi ra quyết định. Tuy nhiên, theo ông Thủy, nội dung này rất khó thực hiện trên thực tế do cơ quan có thẩm quyền giải thể doanh nghiệp (cơ quan đăng ký kinh doanh) không thể biết doanh nghiệp nào đang phát sinh tranh chấp với ai, tại địa bàn nào để thông báo.
Chuyển đổi cũng khó thi hành
Cũng theo ông Thủy, việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ THA đối với doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa cũng khó khăn. Theo quy định tại điểm e, khoản 1 Điều 54 Luật THADS trường hợp doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần mà trước đó chưa thực hiện quyền, nghĩa vụ THA của mình thì sau khi chuyển đổi, doanh nghiệp đó tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ THA.
Tuy nhiên, Điều 10 Nghị định 109/CP ngày 26/6/2007 về việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần thì công ty cổ phần không có trách nhiệm thanh toán khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước đã chuyển đổi, công ty cổ phần không được bàn giao trách nhiệm thanh toán.
Chính quy định vênh nhau nói trên gây khó khăn cho quá trình THA, trong đó nhiều bản án vĩnh viễn không được thi hành khi doanh nghiệp đã giải thể.
Để tránh việc doanh nghiệp trốn THA bằng giải thể, nhiều biện pháp đã được thực hiện như bêu tên doanh nghiệp lên phương tiện truyền thông, kê biên tài sản khi có dấu hiệu tẩu tán, siết chặt quản lý trên địa bàn…, tuy nhiên, các giải pháp trên chỉ là tình thế. Quan trọng là nhiều quy định của pháp luật về THADS và các quy định liên quan như Luật Doanh nghiệp còn nhiều kẽ hở và nhiều điểm vênh nhau. Do đó, sửa luật để có một hệ thống đầy đủ, thống nhất là giải pháp lâu dài.
Đan Phượng