Hành vi “xã hội đen” gây bức xúc xã hội của nhóm người ở chợ Long Biên sẽ mãi tiếp diễn và bà con tiểu thương ở đây còn phải chịu đựng chưa biết đến bao giờ, đặc biệt cái ung nhọt trong lòng xã hội, ở giữa Thủ đô đó còn gây nhức nhối, lở loét mãi nếu không có sự dũng cảm của các phóng viên điều tra vụ việc.
Một khi miếng ăn kiếm trên lưng người khác của bọn bất lương bị mất đi do bị vạch mặt thì sự phản ứng lại là lẽ tất nhiên. Điều này càng khẳng định những đối tượng lộng hành này đã quen thói ứng xử côn đồ, chợ búa theo kiểu giang hồ ngoài vòng pháp luật.
Vấn đề là ở chỗ, chính quyền sở tại và cơ quan Công an phản ứng với các trường hợp này như thế nào, có kịp thời vào cuộc để ngăn chặn những hành vi ngông cuồng này không.
Vấn đề không chỉ là bảo vệ các nhà báo mà là bảo vệ pháp luật, các công dân bình thường khi bị đe dọa cũng vậy, trường hợp này để xác định người đe dọa hẳn không khó, còn ai khác ngoài những kẻ vừa bị báo chí vạch trần thủ đoạn và dư luận phẫn nộ trước những thủ đoạn “làm ăn” đó?
Đáng chú ý là khi khép lại phóng sự điều tra tại chợ Long Biên, nữ phóng viên kết luận có những “bảo kê” ở nhiều tầng nấc khác nhau, bên trên nữa và trên nữa, cần phải tiếp tục làm rõ. Những kẻ “bảo kê” và được “bảo kê” có thế lực đứng sau chống lưng thì họ mới dám liều lĩnh và manh động đến thế.
Khi đích ngắm của “thế lực đen” nhắm vào nhà báo - người thực hành công luận thì ắt hẳn có cả một đường dây tội phạm, che chở và bao bọc cho nhau, chúng tin chắc rằng không ai dám đụng tới chúng và lời đe dọa kia sẽ trở thành hiện thực nếu còn dám chống lại chúng.
Khi nhà báo trực diện đấu tranh với cái ác thì rất có thể họ bị đâm lén sau lưng. Vấn đề là ở chỗ, hệ thống bảo vệ pháp luật ở đất nước này không để điều đó xảy ra.