Khi đàn ông là... mẹ hiền

Các thầy giáo mầm non làm nên sự thú vị của nghề nuôi dạy trẻ
Các thầy giáo mầm non làm nên sự thú vị của nghề nuôi dạy trẻ
(PLVN) - Nhắc đến nghề giáo viên mầm non, nhiều người sẽ cho rằng đây là nghề không có chỗ cho đàn ông. Thế mà, vẫn có những “người đàn ông mẹ hiền” hiếm hoi làm nên sự thú vị của nghề nuôi dạy trẻ. 

“Gươm giữa rừng hoa” 

Có thể sự hiếm hoi của những người đàn ông làm nghề giáo viên mầm non là “đếm được trên đầu ngón tay”. Người ta đã quen với những cô nuôi dạy trẻ trìu mến, dịu dàng, yêu thương trẻ thơ, đã quen với những “mẹ hiền” nữ giới.

Chẳng bởi thế mà biết bao bài hát về giáo viên mầm non, có nhạc sĩ nào “dám” nghĩ đến việc viết về “thầy nuôi dạy trẻ” đâu. Nào là “Một mai khi em lớn lên/ Đừng quên khi đi nhà trẻ/ Quên Cô giáo người nuôi em khoẻ/ Quên Cô giáo người chăm em ngoan”, nào “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo/ Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền”, “Mẹ của em ở trường, là cô giáo mến thương”…

Bởi thế, khi một thầy giáo chọn con đường làm “mẹ hiền”, đó quả là một con đường đầy đơn độc và khác biệt. Như câu chuyện của thầy Nguyễn Phương Bình - giáo viên mầm non Trường Mầm non 1, quận 5 , TP.HCM. Khi quyết định chọn nghề giáo viên mầm non, thầy Bình đã khiến cho gia đình và bạn bè hết sức “sốc”.

Gia đình thì khó hiểu trước lựa chọn của thầy Bình, còn bạn bè thì ra sức can ngăn, với những lý do thông thường là làm thầy giáo mầm non vừa vất vả, nhiều áp lực, lại thu nhập rất thấp. Chưa kể đây là một nghề đặc thù nữ giới, đàn ông theo nghiệp mầm non có vẻ… sai sai.

Không chỉ thế, khi đã vượt qua được ngần ngại, bước chân vào con đường làm giáo viên mầm non, các thầy giáo cũng luôn đối mặt với sự “một mình” như thế: Một mình trong một lớp học toàn nữ, một mình trong một ngôi trường toàn cô giáo. Như chuyện về thầy Trần Tỉnh Lỵ (SN 1969), giáo viên mầm non duy nhất ở Bình Phước.

Thầy từng kể rằng, thời mới quyết định theo con đường giáo viên mầm non, nghĩa là cách đây hơn hơn 30 năm, khi vừa nhập học được 10 ngày, thầy được nhận thông báo cho nghỉ, vì “làm đàn ông chắc không theo nổi nghề”, rằng sợ kinh phí thất thoát, uổng phí. Kể cả sau khi khẳng định quyết tâm, nhập học lại, thầy vẫn là nam sinh duy nhất của trường, của kí túc xá, đối mặt với biết bao phiền phức khi sinh hoạt chung với chung quanh toàn những cô giáo tương lai. Đến nay, thầy Lỵ vẫn là nam giáo viên mầm non duy nhất của tỉnh Bình Phước. 

“Gươm lạc giữa rừng hoa” là cách nói đùa về những chàng trai hiếm hoi trong một tập thể nữ, điều này có vẻ không sai với các chàng trai làm nghề “nuôi dạy trẻ”. Không hiếm hoi sao được, bởi nghề giáo viên mầm non đúng là một nghề quá đặc trưng của nữ giới, cần cái sự tỉ mỉ chăm chút, cần cái sự dịu dàng, thỏ thẻ của các cô giáo đối với trẻ thơ.

Đàn ông thì khó mà có được điều đó. Huống hồ, đàn ông chí lớn, còn công việc dạy trẻ có dễ dầu gì, quanh quẩn ở bức tường lớp học bé tí, với bầy trẻ thơ, với mức lương eo hẹp và làm gì có khả năng thăng tiến ở một môi trường như thế. Thế nên, những người đàn ông hiếm hoi chọn “con đường mẹ hiền” ấy, phải là những người yêu nghề và dũng cảm vô cùng.

Những vất vả của “mẹ hiền” 

Khỏi phải nói cũng có thể hiểu, giáo viên dạy trẻ là một trong những lĩnh vực nhiều vất vả nhất trong nghề giáo nói chung. Với những người phụ nữ mà bản năng đã có tình mẫu tử, có lòng yêu thương, săn sóc trẻ thơ, có sự chu đáo, kiên nhẫn, theo đuổi nghề đã không dễ dàng. Thế nên mới có chuyện, nhiều cô giáo, nhiều bảo mẫu đi theo nghề vì yêu nghề, mà cuối cùng bỏ nghề vì không chịu nổi áp lực. Hoặc có người thay đổi tâm tính, vì nông nổi mà bạo hành các cháu.

Huống chi, khi “mẹ hiền” là cánh đàn ông. Đàn ông, với sự mạnh mẽ, thiếu kiên nhẫn, thiếu tỉ mẩn và thiếu cả sự dịu dàng hiền thục mà phải đi chăm cả bầy trẻ thơ với biết bao trò quấy phá, thì khó khăn biết nhường nào. 

Nào là chăm bón cho các cháu ăn, lo chuyện ngủ, rồi giáo dục, hướng dẫn, rồi chuyện vệ sinh… Hay những chuyện rất đỗi “nhi nữ thường tình” là chải đầu, rửa mặt, tết tóc cho các bé thơ. Để làm được những điều này, những người đàn ông ấy phải có một nghị lực, một sự cố gắng lớn gấp nhiều lần so với cô giáo. 

Như trường hợp của thầy giáo trẻ Thái Hồng Duy, Trường Mầm non 19/5 TP.HCM. Thầy Duy từng chia sẻ, thời gian đầu không ít những khó khăn, lóng ngóng khi chưa quen việc, nhất là những việc tết tóc, bón cơm, hay vệ sinh cho trẻ. Nhưng nỗ lực rồi mọi thứ cũng quen. Ngoài chuyện vệ sinh thì thầy giáo phụ trách các cháu nam, cô giáo phụ trác các cháu nữ, còn lại, dạy dỗ, dỗ dành, chải đầu cột tóc… cho các bé thầy cũng thành thục, khéo léo không kém bất kì cô giáo nào. 

Ngoài cái khó đến từ đặc thù những công việc hợp với nữ giới, thì phản ứng của phụ huynh cũng là một chướng ngại mà các thầy giáo mầm non phải vượt qua. Nhiều phụ huynh thấy con mình được trông nom bởi một thầy giáo thì vừa tò mò, vừa ngại ngần, rồi đủ thứ giả thuyết, e ngại, lo sợ. Có phụ huynh xin cho con chuyển lớp.

Thế nhưng, bằng sự chân thành, cố gắng của mình, các thầy cuối cùng cũng được phụ huynh đón nhận, yêu quý. Còn các cháu bé, khi mới tiếp xúc, cũng không kém phần sợ hãi, nhiều cháu khóc òa khi thấy thầy giáo xuất hiện. Nhưng dần dà, quen mặt, yêu mến, các cháu cũng quấn quýt, thương yêu các thầy như cô giáo.

Lòng yêu con trẻ

Có thể khẳng định rằng, với những người đàn ông chọn nghề nuôi dạy trẻ, thì phải có một lòng yêu nghề, yêu con trẻ cực kì lớn lao. Chỉ có tấm lòng đó mới có thể giúp họ vượt qua bao nhiêu khó nhọc trên bước đường của mình. Nào là nỗi đơn độc, nào là đối mặt với những câu hỏi, phản ứng, tò mò từ người thân và chung quanh, sự bất tiện khi là một “thanh gươm lạc giữa rừng hoa”. Rồi phải nỗ lực gấp đôi các cô giáo vì thiếu phù hợp. Và, còn nữa phải vượt qua sự vất vả chung của cái nghề giáo viên mầm non lương không cao, việc nhiều, nhiều áp lực…

Ấy thế mà nhiều thầy giáo vẫn vượt qua được hết những rào cản ấy, để gắn bó với nghề và đạt những thành tựu đáng nể trong nghề nghiệp của mình. Như thầy Trần Tỉnh Lỵ ở Bình Phước, đến nay, đã 30 năm gắn bó với nghề, biết bao danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, biết bao sáng kiến hay, giờ đây, thầy đã trở thành thầy Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Sao Sáng, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước. Là hiệu trưởng, công việc bận rộn, thầy vẫn dành nhiều thời gian để chăm lo, gần gũi với các em học sinh và điều thầy nhận được là các em nhỏ rất mến thương thầy.

Hay như thầy Nguyễn Phương Bình là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, một trong những gương mặt giáo viên tiêu biểu của TP.HCM nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2019. Thầy đã trải qua 15 năm trong nghề và yêu tha thiết cái nghề mình gắn bó.

Với các thầy, những gian nan của nghề đã được vượt qua bằng nỗ lực lớn lao. Không chỉ thế, các thầy còn tận dụng những “lợi thế” của nam giới để biến thành ưu điểm trong nghề. Đó là sức khỏe để chăm các con nhỏ thật tốt, là óc sáng tạo để nghĩ ra nhiều mô hình dạy trẻ, làm nhiều trò chơi hay cho trẻ thơ. Tiếp xúc với các thầy mới thấy, thầy nào cũng có “chiêu” riêng, thành bí quyết trong nghề của mình. Với lòng yêu nghề, các thầy đã nhuần nhuyễn “3 trong 1”, vừa là “mẹ hiền”, vừa cha, vừa là người bạn của các bé thơ. 

Đáng quý, đáng trân trọng biết bao, tấm lòng của những người “mẹ hiền” như thế!

Đọc thêm

Các trường 'điểm' tuyển sinh ra sao khi bỏ thi tuyển vào lớp 6?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Theo Bộ GD&ĐT, từ 2025, tuyển sinh THCS sẽ được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Đối với các trường chất lượng cao, trường tư có tỷ lệ chọi lớn, địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các trường thực hiện dựa vào tình hình thực tế trên cơ sở phù hợp nhất.

Giáo dục thích ứng trong kỷ nguyên số

Phụ huynh, học sinh, người lao động cần tìm hướng đi đúng đắn. (Ảnh minh họa - Nguồn: Hocmai)
(PLVN) - Sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là AI đang định hình lại môi trường làm việc một cách nhanh chóng và nhu cầu về những kỹ năng mới cũng ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030: Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực

Ảnh minh họa
Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có hệ thống giáo dục tiên tiến trong khu vực châu Á. Với trọng tâm phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi cấp và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chiến lược này đặt nền móng vững chắc cho một xã hội hiện đại, công bằng và văn minh.

Nhìn lại những quyết sách phát triển giáo dục năm 2024

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi về dự thảo Luật Nhà giáo tại Quốc hội. (Ảnh: MOET )
(PLVN) - Xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, thúc đẩy chuyển đổi số đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành chu trình đầu của chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, kết thúc kỳ thi cuối cùng của CT GDPT 2006... là những dấu ấn nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố.

Đi học… hạnh phúc

Cô giáo xuất hiện trong bức ảnh đẹp nhất mùa khai giảng. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - “Người thấy được hạnh phúc của việc học sẽ làm được nhiều việc lớn lao” - là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo “Hạnh phúc trong giáo dục 2024” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức.

Những vật dụng cấm mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2025

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có quy định rõ về trách nhiệm của thí sinh và những vật dụng không được phép mang vào phòng thi.

Đối tượng nào được miễn thi tốt nghiệp THPT 2025?

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định rõ những đối tượng được miễn thi tất cả các môn, miễn thi Ngoại ngữ, miễn thi Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT...