Hiện tại, do lãi suất ngân hàng cao nên các CTCK đang huy động vốn để phục vụ nhu cầu mua chứng khoán của khách hàng.
Tăng trưởng tín dụng năm 2011 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm xuống còn 23% thay vì 25% của năm 2010 cùng với thông điệp yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng khối lượng vốn và tỉ trọng cho vay đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu cũng như giảm dần cơ cấu tín dụng đối với nhóm phi sản xuất
Điều này đã khiến nhiều công ty chứng khoán “lo xa” tự tìm vốn cho mình bằng lãi suất cao. Những tháng cuối năm 2010, vốn cho bất động sản và chứng khoán đã được các ngân hàng thắt chặt nhằm đảm bảo kế hoạch tăng trưởng tín dụng cả năm và định hướng này vẫn tiếp tục được duy trì trong năm 2011.
Năm 2011 chứng khoán vẫn được xem là kênh đầu tư có khả năng sinh lời. Điều này ít nhiều được khẳng định khi những ngày giữa tháng 1, chỉ số chứng khoán trên cả hai sàn liên tục tăng điểm, cho dù thanh khoản chưa thật sự cao. Đón trước được xu thế lên của thị trường, nhiều công ty chứng khoán đã tự tìm cách huy động vốn để kinh doanh thay vì tìm đến cửa ngân hàng giờ ít nhiều đã bị khép chặt.
Theo quy định, các công ty chứng khoán không được phép huy động tiền đồng như ngân hàng nên đã “lách luật” thu hút vốn bằng các “hợp đồng hợp tác kinh doanh chứng khoán”.
Đơn cử như tại công ty chứng khoán Thăng Long (TLS), sau mức lãi suất 18%/năm được đưa ra với những người gửi tiền góp vốn kinh doanh áp dụng từ tháng 11/2010 thì đến thời điểm này lãi suất được hạ xuống còn 17,5% đối với những khoản tiền hợp tác có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên; TLS cũng chỉ ký hợp đồng với khách hàng gửi từ 500 triệu đồng trở lên.
Một công ty chứng khoán khác có trụ sở tại Hà Nội lại áp dụng lãi suất cho vốn góp đầu tư kinh doanh ở mức 16-17%/năm với những khoản tiền nhỏ hơn, từ 50 triệu đồng trở lên.
Tại Công ty chứng khoán nông nghiệp AGRISECO (AGR) lại có sản phẩm “hợp tác kinh doanh vốn với khách hàng”. Sau khi ký hợp đồng, chuyển tiền đặt cọc, khách hàng sẽ yêu cầu công ty AGR mua trái phiếu. Đến ngày hết hạn hợp đồng, “nếu” không mua (được) trái phiếu cho khách hàng, thì AGR phải trả lại tiền đặt cọc và “tình nguyện chịu phạt”.
Khoản phạt này, tuỳ theo thời gian quy định tại hợp đồng (3 tháng, 6 tháng…) có thể lên tới 16% số tiền đặt cọc. Mục đích chính của các hợp đồng hợp tác này là người có tiền nhàn rỗi gửi tiền tại công ty chứng khoán hưởng lãi suất cao hoặc nhờ công ty kinh doanh hộ.
Trong khi các ngân hàng vẫn khó khăn với việc huy động lãi suất tiền đồng và bị giới hạn huy động ở mức trần từ 14-15%/năm (tính cả các chi phí khuyến mãi, cộng thưởng lãi suất) thì các công ty chứng khoán với hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh đã có thể tìm kiếm nguồn vốn ổn định với lãi suất cạnh tranh hơn hẳn.
Điều này mang đến lo ngại sẽ có sự xáo trộn của dòng tiền trên thị trường bởi có không ít công ty chứng khoán có cổ đông hoặc “người đứng sau” là các ngân hàng thương mại. Không ai có thể dám chắc nguồn vốn được huy động lãi suất cao này không quay trở lại các ngân hàng và được bơm vào nền kinh tế với lãi suất cao mà người ghánh chịu cuối cùng là các DN.
Ông Đỗ Khánh Đại, Phó tổng giám đốc CTCK APEC thừa nhận, kiểu hợp đồng “hợp tác kinh doanh chứng khoán” hầu như công ty chứng khoán nào cũng muốn làm. Tuy nhiên, làm dịch vụ này phải có uy tín vì thế nên chỉ có công ty chứng khoán lớn mới làm. Để huy động được vốn thì phải đẩy lãi suất cao hơn ngân hàng thì khách hàng mới chấp thuận gửi, nếu không họ đi gửi ngân hàng.
Tuy nhiên, xét về luật thì các công ty chứng khoán lại không sai bởi những bản hợp đồng này có những chi tiết, điều khoản phù hợp với ngành nghề kinh doanh của họ. Luật Khứng khoán hiện hành chưa đề cập đến hình thức góp vốn kiểu này, còn theo dự thảo luật chứng khoán mới đang chờ duyệt thì vấn đề này cũng không được nhắc đến một cách chi tiết.
Giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng: Việc các công ty chứng khoán huy động vốn như vậy là do vốn chủ sở hữu không đủ nên phải huy động vốn để tự doanh, nhưng hiện tại, do lãi suất ngân hàng cao nên họ đang huy động vốn để phục vụ nhu cầu mua chứng khoán của khách hàng”.
Theo Thùy Linh
Báo công thương