Tại đại hội này, cổ đông cho biết sự nỗ lực của HĐQT là không có, chưa hết mình. “Năm ngoái đề ra lợi nhuận cổ tức là 15%, năm nay chỉ còn 5%. Nếu các đồng chí nói đã nỗ lực hết mình thì kết quả sản xuất kinh doanh không thể thấp như vậy”, mở đầu phần “chất vấn”, ông Trần Hồng Phong, một cổ đông của Vinaplast đã “bác bỏ” phần trình bày báo cáo tại đại hội của TGĐ Nguyễn Khắc Long.
Góp tiền của “gửi gắm” cho doanh nghiệp, nhưng có lẽ nhiều cổ đông không biết số phận đồng vốn của mình được định đoạt như thế nào. Cả hội trường nơi Vinaplast tổ chức đại hội không một tiếng động, khi ông Phong “công bố” những sự việc “giật mình". “Cuối năm 2007, các vị đã nhận 916 triệu đồng để ngoài sổ sách, theo kết luận của cơ quan chức năng thì kể cả tổng giám đốc, tài chính kế toán là không hiểu biết đúng theo Luật Kế toán".
Trong khi đó, nhiều cổ đông cũng “chất vấn” TGĐ Nguyễn Khắc Long về khoản vay 49 triệu NDT cách đây 6 năm để mua dây chuyền sản xuất. Với tỷ giá hiện nay, Vinaplast đang nợ khoảng 165 tỷ đồng, lãi suất phải trả hàng năm là trên 5 tỷ. Trong khi đó, năm 2011, Vinaplast phải trả gốc và lãi. Cổ đông lo ngại, với dây chuyền hoạt động kém hiệu quả (được mua từ vốn ODA) thì việc trả nợ sẽ là một câu hỏi khó.
Là một doanh nghiệp, theo như lời cổ đông – qua 3 năm cổ phần hóa nhưng Vinaplast đạt hiệu quả rất thấp. Thấp trong điều kiện có rất nhiều thuận lợi: một số đơn vị liên doanh, liên kết hoạt động có hiệu quả từ trước tới nay vẫn có lãi và chia cổ tức cho công ty; vốn ODA chưa phải trả gốc từ năm 2010 trở về trước mà phải chỉ trả lãi 3,4%...
Cổ đông Võ Xuân Thanh nói thẳng “lãnh đạo Vinaplast phải nhìn lại mình”, bởi đánh giá uy tín của công ty, năng lực của ban lãnh đạo là đánh giá trên hiệu quả kinh doanh. Bỏ vốn ra kinh doanh thì phải có lãi. Lãi đây là phải cao hơn lãi ngân hàng chứ không thì gửi ngân hàng mà lấy lãi.
Với mức cổ tức đề ra chỉ 5%, ông Thanh đã không đồng thuận với báo báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh được đưa ra tại đại hội. Giữ cam kết của mình, cổ đông này đã bỏ về đúng thời điểm bỏ phiếu biểu quyết một số nội dung của đại hội.
Kết thúc phần “chất vấn” đầy gay gắt của cổ đông dự đại hội, ông Nguyễn Dũng Trí, một cổ đông khác của Vinaplast, chỉ nói ngắn gọn: “Sau khi nghe các cổ đông phát biểu thì tôi rất hoảng sợ, vậy bây giờ tôi xin thoái vốn thì HĐQT có thể mua lại cổ phần của tôi được không?. Tôi xin hết!”.
Đặc biệt, ngay tại đại hội, cổ đông Vũ Viết Hoán kiến nghị các cổ đông đề nghị Bộ Công thương kiểm tra và thanh tra Vinaplast, nên miễn nhiệm người đại diện phần vốn Nhà nước không có năng lực, không đủ tư cách.
ĐHCĐ, nơi cổ đông là người biểu quyết và có quan điểm của mình đối với đồng vốn mà họ bỏ ra. Ở góc độ nào đó, đây cũng là “nghị trường” với những câu hỏi chất vấn, từ đó mới “hé lộ” những thông tin, trên thực tế chưa được người quản lý phần vốn của họ công bố. Tuy nhiên, những “chất vấn” chính đáng của cổ đông được ghi nhận và tiếp thu như thế nào, đó là một câu chuyện khác. Nhưng với Vinaplast, nơi phần vốn Nhà nước chiếm đa số, thì “sức ép” trước ý kiến của cổ đông buộc Bộ Công thương không thể làm ngơ…
Việt Hưng