Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vào đầu tháng 4/2022, trước câu hỏi về tình trạng giá đất đang tăng nhanh ở nhiều địa phương trong thời gian qua, lãnh đạo Bộ TN&MT Lê Công Thành cho rằng sau hai năm dịch COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu, làm ảnh hưởng đến quá trình đầu tư, sản xuất; là một trong các nguyên nhân khiến một số người chọn đầu tư vào đất đai.
Một nguyên nhân nữa, theo lãnh đạo Bộ TN&MT, do năm 2020-2021 là thời điểm đầu chu kỳ các địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch, do đó một số người nhân cơ hội này đã mua gom đất, phân lô bán nền không đúng quy định pháp luật nhằm trục lợi.
Lý giải hiện tượng “sốt” đất, đại diện Bộ TN&MT còn đưa ra một số nguyên nhân khá chung chung như “một số địa phương có thời điểm thực hiện còn chưa nghiêm các phiên đấu giá”; và giải pháp đưa ra cũng khá chung chung như “địa phương cần công bố, công khai thông tin, không bị nhiễu, tránh bị lợi dụng đầu cơ, “thổi giá”, cần có biện pháp quản lý sau khi phê duyệt kế hoạch và quy hoạch được phê duyệt, thực hiện nghiêm các quy định đăng ký quyền sử dụng và chuyển mục đích sử dụng đất; địa phương cần chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch”…
Thực tế cho thấy những gì diễn ra ở một số nơi phức tạp hơn nhiều so với những gì đại diện Bộ TN&MT lý giải như trên.
Mới đây, UBND xã Hòa An, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk vừa có báo cáo Huyện ủy, UBND huyện về việc thời gian gần đây trên địa bàn xã liên tục xuất hiện các đối tượng tự ý cắm các biển báo dọc một số tuyến đường nhằm tung tin đồn giả về quy hoạch, “thổi giá” đất.
Cụ thể, trên tuyến đường thôn 6B, đoạn từ QL26 đến chùa Phước Hưng, các đối tượng đã cắm mốc những cọc sắt, gắn bảng có đánh số thứ tự và ngồi tại các quán xá trên địa bàn tung tin đồn về việc quy hoạch mở rộng đường giao thông, quy hoạch khu đô thị… Dù sự thật là hiện xã Hòa An chỉ có duy nhất quy hoạch điểm dân cư tại khu trung tâm xã, không có dự án mở rộng đường giao thông, không có thêm quy hoạch khác.
Các đối tượng sử dụng nhiều chiêu trò tinh vi. Nắm được việc xã Hòa An đang lập lại cơ sở dữ liệu, số hóa nên thủ tục đổi “sổ đỏ”, tách thửa sẽ lâu hơn bình thường; các đối tượng mua và đứng ra đặt cọc đất, ghi thời gian giao “sổ đỏ” trong hợp đồng ngắn nhằm để đẩy người bán đất vào tình cảnh vi phạm hợp đồng; đến thời gian giao “sổ đỏ” nhưng chưa thể làm “sổ đỏ” xong thì người bán đất phải bồi thường hợp đồng.
Các đối tượng còn sử dụng chiêu đặt giá mua, đặt cọc tiền đất. Sau khoảng 4-5 ngày sẽ cho người đến gặp chủ đất để ra giá mua lô cao hơn và khuyên chủ đất bồi thường tiền cọc, “sẽ được người mua mới hỗ trợ 50% số tiền bồi thường cọc”. Thế nhưng sau khi bồi tiền cọc cho người đặt mua trước, người dân bị người mua sau “xù” không mua đất nữa, khiến chủ đất thiệt hại khoản bồi thường tiền cọc.
Các đối tượng mua đất cũng đặt cọc rồi nhận làm giấy tờ cho chủ đất, sau đó sẽ dây dưa không chịu đưa “sổ đỏ” để kéo dài thời gian nhằm đợi tìm khách cao hơn rồi bán.
Với những chiêu trò trên, chỉ trong vòng 5 tháng, giá đất tại xã đã tăng lên 7-10 lần, nhưng toàn giá “ảo”.
Về phía địa phương, dù biết rõ mười mươi các sự việc nêu trên, nhưng về thẩm quyền cũng có thể chỉ tháo dỡ các cột mốc các đối tượng tự ý cắm lên, và vận động tuyên truyền người dân hiểu ra chân tướng sự việc.
Câu chuyện trên cho thấy về phía cơ quan tầm cỡ Bộ TN&MT cần sâu sát hơn với thực tế ở các địa phương, cần nhận diện và đưa ra hướng xử lý các vi phạm tường tận chi tiết, thì địa phương mới có thể áp dụng, góp phần dẹp nạn “cò” đất hoành hành như nêu trên.