Không gia đình nào không có sóng gió
Nội dung phim “Nàng dâu order” xoay quanh mối quan hệ của bà nội chồng - nàng dâu do diễn viên Lan Phương (Hoàng Yến) và NSƯT Minh Vượng thủ vai. Bộ phim đã tái hiện một cách sinh động về tình cảm, những xích mích hiểu lầm của đôi vợ chồng trẻ được hai diễn viên trẻ Thanh Sơn và Mai Phương lột tả chân thực.
Có thể thấy, từ trước tới nay, khán giả đã quá quen thuộc với mối quan hệ mang tính mô tuýp trong phim và cả đời thực là sự khắt khe, bất đồng giữa mẹ chồng - nàng dâu thì đến với “Nàng dâu order”, người xem sẽ phải nức nở và thương thay cho nàng dâu khi gặp phải một “bà nội chồng” khó tính không kém cạnh mẹ chồng. Sự xét nét, soi mói của một bà nội vốn coi trọng việc “nữ công gia chánh” lại gặp ngay một cô cháu dâu thời hiện đại vụng về, không giỏi bếp núc, chuyên order đồ ăn sẵn trên mạng đã đem lại cho khán giả những pha cười ra nước mắt. Mặc dù luôn cố gắng làm tròn nghĩa vụ nàng dâu nhưng Yến cũng vấp phải sự trắc trở trong hôn nhân khi có sự xuất hiện của người tình cũ của chồng làm phát sinh những mâu thuẫn, những hiểu lầm làm xáo trộn đời sống vợ chồng vốn tưởng như mơ của cô.
Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, xem “Nàng dâu order”, khán giả sẽ thấy một màu sắc mới, thú vị và độc đáo khi đạo diễn Bùi Quốc Việt và biên kịch Lê Huyền khai thác đậm nét hơn mối quan hệ cháu dâu - bà nội chồng trên màn ảnh. Ở một gia đình 3 thế hệ cùng chung sống, những va chạm giữa các thành viên không tạo thành bi kịch mà là những câu chuyện bi hài, nhẹ nhàng, sâu sắc. Việc đưa những yếu tố như mạng xã hội, đặt hàng online, khởi nghiệp... vào phim khiến khán giả cảm nhận bộ phim là câu chuyện gần gũi với cuộc sống thường nhật.
Đặc biệt, sự khác biệt giữa các thế hệ về quan điểm sống không làm tan vỡ hạnh phúc gia đình bởi giữa các nhân vật luôn có chung một tình yêu với gia đình, sẵn sàng dung hòa để vẹn tròn cho mái ấm.
Bi kịch “trọng nam khinh nữ”
Khác với “Nàng dâu order”, bộ phim “Về nhà đi con” mở ra cho khán giả một cái nhìn toàn cảnh về người đàn ông goá vợ tên Sơn (NSƯT Trung Anh) phải nuôi dạy cùng lúc ba cô con gái là Thư (Bảo Thanh), Huệ (Thu Quỳnh) và Dương (Bảo Hân) với ba tính cách khác nhau cũng khiến ông bố bao phen khổ sở.
Mâu thuẫn giữa các thế hệ ông bà, cha mẹ, con cái. Ngay từ những tập đầu tiên, người xem đã được chứng kiến mối quan hệ căng thẳng giữa ông Sơn và bố vợ mình bởi tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của ông đã gây ra sai lầm nghiêm trọng. Câu chuyện được bắt đầu bởi khao khát có cậu con trai hai lần vợ ông đẻ ra con gái. Và chính sự chán nản khi biết tin đứa con thứ ba lại là con gái làm ông sinh ra tính nhậu nhẹt, bỏ bê vợ mình ngay cả ngày đi đẻ. Chính sự vô tâm này đã khiến ông Sơn phải gánh chịu nỗi đau mất mát khi người vợ của đời mình vĩnh viễn ra đi ngay sau thời khắc đứa con gái thứ ba ra đời. Điều này mãi là nỗi dằn vặt, hối hận cả đời của ông Sơn, ông phải chịu sự chì chiết nhiều năm của bố vợ.
Sống trong cảnh “gà trống nuôi con”, ông Sơn là một hình mẫu về ông bố đầy khắc khổ, ít nói nhưng lại luôn yêu thương, lo lắng cho ba đứa con sau sai lầm quá khứ của chính bản thân. Ngay sau vai diễn cá tính mạnh mẽ của Lương Bổng trong “Người phán xử”, NSƯT Trung Anh tái diễn trong “Về nhà đi con” với tạo hình nhân vật Sơn vừa đáng thương vừa đáng trách gây thích thú với khán giả.
Tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ảnh hưởng đến mối quan hệ cha con của ông và cô con gái thứ ba (Dương) khi Dương mang trong mình vết thương bị cha ghẻ lạnh giới tính từ trong bụng mẹ. Khác hẳn với tính cách của hai người chị, do hoàn cảnh đặc biệt, Dương có sự cá tính và ngang ngược giống con trai khiến ông Sơn phải đau đầu và lo lắng, tuy vậy cô con gái cũng không tỏ ra ghét bỏ mà luôn dành sự quan tâm thầm kín đến người cha của mình. Huệ, cô con gái đầu lòng vốn bản tính hiền lành, dù đã lập gia đình nhưng luôn phải chật vật xoay sở với các mối quan hệ bên nhà chồng, nỗi lo cơm áo gạo tiền và người chồng nghiện cờ bạc. Thư - cô gái sắc sảo nhưng cũng luôn phải đối mặt với ông sếp “háo sắc”, vòng xoáy của chức vụ, đồng tiền nơi công sở luôn là cuộc chiến với cô gái này.
Có thể thấy mặc dù mỗi người mỗi tính cách nhưng cả ba đều không tránh khỏi những vấp ngã trong cuộc sống. Điều may mắn là trên con đường kiếm tìm hạnh phúc của mình, họ luôn có điểm tựa từ người cha tận tụy, hết mực yêu thương. Sau nhiều biến cố, cả ba cô gái đều nhận ra rằng, người cha ấy có thể kém hoàn hảo, nhiều sai lầm nhưng luôn nhẫn nại, học cách thấu hiểu, chấp nhận con cái, mái nhà của ông bố sẵn sàng là nơi các con trở về dù đã lớn khôn.
Từ việc nhiều khán giả hào hứng ngay từ những tập đầu tiên của hai bộ phim, có thể thấy những vấn đề của gia đình hiện nay đã “bước vào” phim Việt. “Nàng dâu order” và “Về nhà đi con” đã khắc họa một bức tranh toàn cảnh về gia đình với những hoàn cảnh khác nhau, để rồi điều đọng lại trong từng giây phút thưởng thức của khán giả là cảm nhận chân thực từ đời sống với điều mãi đọng lại và quan trọng nhất vẫn là tình yêu thương, sự thấu hiểu trong gia đình giữa các thành viên…