“Hãy ở nhà” đã trở thành câu khẩu hiệu mà chính phủ các nước gửi đến người dân để yêu cầu sự chung tay trong nỗ lực, ngăn chặn đà lây lan khủng khiếp của virus Corona chủng mới. Ở Việt Nam, 31/3 là ngày đáng nhớ của lịch sử nước ta khi Thủ tướng ra chỉ thị: Từ 0 giờ ngày 1/4, sẽ cách ly toàn xã hội từ 1/4- 15/4/2020!...
Trong tâm dịch, mỗi người đều đã tìm được cho mình sự thích nghi, những khoảng lặng đã quên lãng! Và mọi người đều tin rằng, rồi dịch bệnh sẽ qua, nhất định thế!...
Người Việt làm gì ở nhà?
Theo Hãng tin AFP, đã có hơn 3 tỉ người trên toàn cầu đang là đối tượng của các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn ngừa sự lây lan của virus Corona chủng mới và Liên Hợp quốc (LHQ) ngày 25/3 cảnh báo Covid-19 đang đe dọa toàn bộ nhân loại.
Để mùa dịch qua mau, nhiều cộng đồng người gốc Việt ở Mỹ đã phát động cuộc thi tài năng. Các hội kêu gọi: Ở nhà mọi người có buồn không? Chúng ta hãy khoe tài năng đẩy lùi Covid-19. Ai có tài gì khoe tài đó: Vẽ tranh, viết văn, làm thơ, chơi nhạc cụ, chụp ảnh, đóng kịch, kể chuyện hài, làm bánh, nấu ăn... Giải thưởng “thiệt vui” rất Việt Nam gồm một bao gạo, một lốc giấy vệ sinh, nước rửa tay, khẩu trang, vitamin C... hoặc chỉ là lời khen của mọi người trên mạng.
Ở Việt Nam, trong lúc ở nhà, người Việt lẫn người nước ngoài cũng chọn lối sống tích cực. Chị Jonah Del Oalsinatse, người Philippines đang sống ở Đà Lạt nấu ăn ngày chừng chục món khoe lên Facebook. Một YouTuber thì chia sẻ về các bí quyết làm bánh của mình. Ở nhà không chán là thử thách mùa dịch cho tất cả chúng ta.
Sống cùng gia đình tại Paris, MC Biên tập viên Nguyễn Mỹ Linh, Đài Truyền hình Việt Nam đã có những chia sẻ hàng ngày đầy trìu mến: Nếu không thích bảo vệ mạng sống của mình thì bảo vệ mạng sống của người khác, con người khác, tình yêu và hy vọng của người khác. Ở nhà thôi. Ở nhà còn không cần khẩu trang và dành nó cho ngành y tế.
Ở nhà 2 tuần rồi thêm 2 tuần, rồi biết đâu thêm 2 tuần nữa, không sao. Như vậy là 2 lần 14, hoặc 3 lần 14, cho chắc. Miễn sao khi hết phong toả thì có thể ra đường và ôm hôn nhau, không ai nhìn ai ý nhị khi bị đứng gần. Xung quanh mình số người có biểu hiện nhiễm Covid-19 ngày một nhiều.
Có một điều mà mình nghĩ các bạn ở Việt Nam nên chuẩn bị tinh thần là khi phong toả thực sự thì mình làm gì? Rồi hết phong toả thì làm gì? Chắc chắn sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh mà không lường trước được. Trăm năm mới có một lần, nếu có lúng túng cũng là thường. Thận trọng đúng mực là thái độ cần hơn là hoảng sợ.
Hôm nay hàng xóm nhà cô bắt đầu thổi acmonica ở đâu đó vào giờ vỗ tay, chào nhau hẹn nhau tối mai gặp lại nhé. Cô muốn lắm mà chưa dám hỏi ai là người chơi Violon, muốn hỏi thì phải hét nhà bên kia đường mới nghe thấy... Nước Pháp sẽ còn đóng của thêm, trường học dự kiến mở lại vào tháng 5 nên cô còn thời gian. Sẽ có một ngày, cô mong là ngày cuối của đợt phong toả, sẽ được nghe một bản độc tấu vĩ cầm thật hay. Thể nào chẳng đến ngày hết dịch.
Những nơi đông đúc nhất giờ cũng vô cùng vắng vẻ. |
Khi bạn sống trong một thành phố đang phong toả, nắng rất đẹp, người Paris vẫn được ra khỏi nhà một tiếng mỗi ngày để chợ búa và đi bộ hoặc chạy, sao lại nói về cái chết, phải nói về hy vọng mà chiến đấu chứ. Tóm lại, ngồi yên khi Tổ quốc cần. Đâu cũng thế!
Vậy nên, mình rất tin là châu Âu sẽ vượt qua khó khăn này. Cũng chẳng có lý do gì để không cầu mong cho điều đó, như cầu mong cho Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này vậy.
Sáng dậy sớm cô Linh mở cửa sổ, tiếng con chim trên mái nhà ai hót véo von hay quá. Cô ngạc nhiên nhận ra tiếng vĩ cầm réo rắt ở nhà đối diện, bên kia đường. Thanh bình đến kỳ lạ. Cô ở khu phố này đã lâu mà sao giờ mới nhận ra có người chơi vĩ cầm ở ngay bên kia, sao trước kia không nghe thấy? Phố xá ồn ã hay buổi sáng tất bật làm cô chẳng kịp cảm nhận gì. Phong toả hoá ra cũng cho những giây phút dễ chịu.
Cô rất nhớ lũ bạn học thuở thiếu thời ở Nhạc viện Hà Nội, mỗi chiều ở lại muộn chờ bạn trả bài để cùng về. Trường vắng tanh, chỉ có tiếng piano từ tầng 2, violon tầng 3, thỉnh thoảng nghe thấy flute ở tầng tư... Covid đúng là đang khiến chúng ta sống dần khác đi? Phải không nhỉ? Tự nhiên cô thấy cuộc sống chậm chậm này thật dễ chịu...
Đường phố Paris vắng người, tất nhiên vẫn có người đi làm, người đi mua bánh mì, người chạy. Không phải hoang mạc vắng tanh u ám, chỉ là thanh vắng.
Cô phỏng vấn ai cũng được. Cô gợi ý nói chuyện với ai cũng thấy tươi cười. Cô nhìn thấy những cụ già đi siêu thị, khi ra có người đi cùng gợi ý xách hộ một đoạn đường.
Tự nhiên cô nghĩ hoá ra Covid-19, bên cạnh việc tấn công loài người, làm âu lo, đảo lộn tất cả thì cũng khiến người ta từ tốn lại, sống gần như người ta mơ ước bấy lâu, nghĩa là chậm lại. Cô nghe tiếng Radio từ phòng cụ già bên cạnh. Tiếng nhà nào đó gọi nhau em yêu, em yêu. Tự nhiên cô nghĩ nếu sống thanh bình từ tốn như cũ có được không?
Cả thế giới đang dạy nhau ăn những thứ tự nấu sau nhiều năm ăn đồ hộp, ăn đồ đông lạnh như một phát kiến cho sự tiện lợi. Cả thế giới đang hò nhau ăn đồ Organic sau nhiều năm phát kiến ra phân bón, tăng trọng như một bước tiến cho nông nghiệp phát triển.
Các ngôi sao giàu có rồi cũng lại sắm cho mình một ngôi nhà thôn quê bên cánh đồng hay bên bờ biển, chỉ để được gần thiên nhiên, được nhận ra tiếng chim hót mỗi buổi sáng. Thứ mà bác nông dân nào cũng có được…
Mỗi khoảng lặng luôn là điều quý giá
Ở góc độ khác, là một trong những nghệ sĩ tích cực tuyên truyền và gây quỹ, góp sức phòng chống dịch Covid-19. Mới đây, ca sĩ Tùng Dương đã viết một trạng thái rất thú vị để kêu gọi mọi người hãy ở nhà, phòng ngừa lây nhiễm trong cộng đồng. Anh viết: “Người nghệ sĩ đẹp lung linh nhất chắc chắn là lúc trình diễn trên sân khấu. Tuy nhiên giờ đây với tôi, nó có thể lại không mạnh bằng cách nhìn trực diện dù nó luôn là trường phái hay nhất. Với trực diện, khi mà con người ta dám đối diện thẳng với suy ngẫm, chiêm nghiệm, những “nhức nhối”, tận cùng khó khăn, những bĩ cực của chính mình.
Mọi người đều trải qua cảm giác cô đơn trong sâu thẳm trái tim mình. Đối mặt với điều này sẽ khiến bạn trở nên trưởng thành hơn. Theo ông Trần Tiến thì “con người chỉ lớn lên trong chính nỗi cô đơn” - một nỗi cô đơn trần trụi. Tuy nhiên, cái vóc ấy phải được nhân lên khi con người càng lớn trong bão táp, phong ba.
Phần thăng trầm của người nghệ sĩ sẽ giúp bạn tích lũy kỹ năng, để làm những điều đúng đắn và đi đúng hướng nhất. Mỗi khoảng lặng luôn được xem là quý giá nhất với mỗi người nghệ sĩ để kịp nhìn nhận lại mình, kịp nhìn rõ mình trước khi thoát khỏi vòng vây của sự ảo tưởng.
Xin phép được tag những người bạn thân (không hẳn là đồng nghiệp), những người dõi theo tôi, có năm tháng với tôi - có thể trong số họ đã từng khó chịu và cũng thường hay cảm thông với sự lơ mơ, lơ đễnh, bất thường của người nghệ sĩ. Những người mà tự trong sâu thẳm họ cảm nhận về tôi với tâm thiện, sự chân thành nhất của chính mình.
Love
Tùng Dương”.
Ca sỹ Tùng Dương và những chia sẻ về vẻ đẹp của khoảng lặng |
Dù cập nhật trang cá nhân khá thường xuyên nhưng hiếm khi ca sĩ Tùng Dương viết dài đến thế. Anh đùa rằng vì đang “thất nghiệp” nên mới rảnh rỗi chia sẻ nỗi lòng. Nhưng thực tế trạng thái này mang một ẩn ý lớn và lời khẳng định rõ ràng: Ngay cả những người trái tính, trái nết, “lơ mơ” như nghệ sĩ mà còn ý thức rất rõ ràng việc phải “ở yên một chỗ” để tránh lây nhiễm chéo trong cộng đồng. Dẹp bỏ “cái tôi” nghệ sĩ, một người vì mọi người! Đây cũng là thời gian thử thách mà mỗi người phải vượt qua, là thời gian nhìn lại chính mình và hoạch định cho tương lai.
Còn Jesse Peterson, một giáo viên Canada hiện đang sống tại Việt Nam cũng bày tỏ câu chuyện ở nhà của mình. Sáu giờ sáng ngày 24/3, tôi mở mắt lim dim, vớ lấy điện thoại. Người đầu tiên tôi thấy là Thủ tướng Canada, mặt hốc hác như thể đã một tuần rồi chưa ngủ. “Tôi phải nhấn mạnh rằng, nếu các bạn là công dân Canada thì đến lúc phải về rồi”, mặt Justin Trudeau vừa nghiêm túc vừa buồn, “và tất cả người dân ở Canada hãy hạn chế ra ngoài”.
Mọi người quên mất cuộc sống trước đây như thế nào. Tôi thiết lập một lịch trình, một thói quen, thức dậy và đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Thiền vào buổi sáng để bắt đầu một ngày đúng hướng, lập trình cho ngày của tôi theo cách mà tôi muốn. Tập yoga tại nhà, nhắn tin và kiểm tra đội hài kịch của tôi. Tôi sẽ làm hết sức mình để không sử dụng Internet càng nhiều càng tốt, dành thời gian để phát triển bản thân, chữa lành và biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn. Bởi, tôi chính là một mắt xích trong thế giới đó.
“Trong thời tiền sử, nhân loại thường chỉ có hai lựa chọn trong các tình huống khủng hoảng: Chiến đấu hoặc chạy trốn. Trong thời hiện đại, sự hài hước mang đến cho chúng ta sự thay thế thứ ba: Chiến đấu, chạy trốn, hoặc cười”, Robert Orben nói thế. Thực sự, bất kỳ loại khủng hoảng nào cũng có mặt tích cực của nó. Nó đánh thức bạn dậy. Khi mỗi người chúng ta vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm mới làm cho thế giới đến nông nỗi này…