Những hụt hẫng
Xin trở lại quá khứ một chút. Đó là trận bán kết Champions League mùa giải 2018/2019 giữa Man City và Tottenham trên sân Etihad. Man City cần một chiến thắng với cách biệt 2 bàn để có thể chơi trận chung kết, bởi trận lượt đi, họ thua Tottenham 0-1 trên sân khách. Những phút cuối trận, tỉ số là 4-3 nghiêng về phía Man City, một tỉ số bất lợi, và họ dồn toàn lực tấn công bởi cần thêm 1 bàn thắng nếu muốn đi tiếp.
Phút bù giờ thứ 4, cũng là phút thi đấu cuối cùng, Sterling xuất thần với pha đi bóng và dứt điểm tung lưới đội khách. Cả sân vận động Etihad như nổ tung. Các cổ động viên không ngớt reo hò. Các cầu thủ ôm nhau hạnh phúc. Bên ngoài, HLV Guardiola như phát điên, vừa chạy vừa hò hét, giang tay ôm lấy tất cả những người mà ông nhìn thấy. Các cầu thủ Tottenham thì cúi đầu nhìn xuống sân đầy vẻ cam chịu và bất lực.
Tất nhiên, những người không có mặt trên sân cũng sẽ chia 2 luồng cảm xúc, hoặc sung sướng, hoặc cay đắng. Còn cổ động viện trung lập, tất nhiên sẽ cảm ơn 2 đội đã trình diễn một trận đấu mãn nhãn. Bỗng nhiên, tình huống bóng được quay chậm. Trọng tài ra tín hiệu rằng có thông tin từ phòng VAR. Man City ngơ ngác, còn Tottenham thì nín thở chờ 1 phép màu.
Cuối cùng, trên màn hình lớn của sân bóng xuất hiện dòng chữ offside (việt vị). Trọng tài giơ tay lên cao. Tất cả kết thúc, và những cảm xúc của tất cả mọi người chứng kiến trận đấu đó trở nên thừa thãi. Đã việt vị, nhưng người việt vị là Aguero, từ một pha thoát xuống và tham gia tình huống tấn công. Mọi thứ chấm dứt với Man City. Có lẽ đó là trận đấu tiêu biểu cho việc VAR đã “giết chết” cảm xúc trong bóng đá như thế nào. Và cho đến nay, những lần mừng hụt, buồn hụt cứ diễn ra triền miên.
Một tình huống gây tranh cãi dù có VAR. |
Trở lại thời điểm hiện tại, sở dĩ người ta lại tranh cãi về VAR là bởi ở vòng đấu thứ 10 Giải bóng đá ngoại hạng Anh vừa qua, đã có 8 lần trọng tài dùng VAR để can thiệp vào các bàn thắng. Và nạn nhân lớn nhất của VAR trớ trêu thay lại là nhà đương kim vô địch Liverpool. Trên sân của đội bóng “tí hon” Brighton, Liverpool đã ngậm ngùi chia đểm 1-1 dù hẳn nhiên, họ chơi hay hơn, đẳng cấp hơn đối phương rất nhiều.
Tuy nhiên, 2 bàn thắng của Salah và Mane bị từ chối bởi lý do việt vị. Trong cả 2 pha quay chậm, phải “đo đạc” cực kỳ tỉ mỉ, tổ trọng tài VAR mới xác định được tình huống có việt vị hay không. Đắng cay hơn, ở phút thi đấu cuối cùng, Liverpool lại phải nhận 1 quả penalty cũng bởi…VAR sau khi trọng tài dùng công nghệ này để xác định hậu vệ của họ đã phạm lỗi trong vòng cấm.
Camera đã lia vào gương mặt của HLV Klopp, với một nụ cười nhếch mép và sự hụt hẫng khó đong đếm. Cũng phải, vì đây là lần thứ 8 kể từ đầu mùa nhà đương kim vô địch nhận bàn thua sau khi trọng tài tham khảo VAR. Và ai theo dõi Ngoại hạng Anh hẳn vẫn còn nhớ, Liverpool đã từng mất một bàn thắng ở những thời khắc then chốt bởi Mane chỉ vượt vị trí việt vị 1 cái… chéo áo.
Trước đó 2 vòng đầu, thậm chí tờ The Sun của Anh đã có một nghiên cứu về việc nếu không có VAR, bảng xếp hạng và điểm số của các đội sẽ thay đổi thế nào. Và không chỉ nói cả 20 đội, mà trong top 6 thôi cũng đã có những thay đổi đáng kể. Liverpool sẽ có thêm 2 điểm, Leicester mất đi 2 điểm… Những con số đó nhìn qua có vẻ ít nhưng thật ra là rất nhiều. Đừn quên đó chỉ là 8 vòng đấu, tức là vòng đấu chỉ mới đi được hơn 1/5 chặng đường. Và trong các cuộc đua, đừng nói điểm số, có khi hiệu số bàn thắng – bại cũng đã làm thay đổi tất cả.
Vẫn để xảy ra tranh cãi
Có VAR rồi, ấy vậy mà không phải những phán quyết của trọng tài cũng được tâm phục khẩu phục. Ví dụ như đội trưởng Liverpool, Jodan Henderson phát biểu về tình huống penalty đã nói ở trên là: “Tôi đã xem đi xem lại tình huống đó nhiều lần. Đó không thể là một quả penalty được”. Tất nhiên, tiền vệ này có cái lý bởi ở tình huống đó rất khó để xác định tác động của Robertson có đủ làm Welbeck ngã trong vòng cấm hay không và sau đó chính Welbeck cũng thừa nhận đầy ẩn ý rằng Brington có được quả penalty một cách may mắn.
Cũng liên quan đến Liverpool, trong trận tiếp Sheffield United, một tình huống vô cùng gây tranh cãi đã diễn ra. Đó là tình huống Fabinho bị thổi phạt do phạm lỗi với cầu thủ đối phương ngay sát khu vực nhạy cảm ở vạch 16m50. Ban đầu là quả phạt trực tiếp cho đội khách, nhưng tham khảo VAR, trọng tài chỉ tay vào chấm phạt đền và Liverpool nhận bàn thua. Tuy nhiên, xem lại pha quay chậm ở 1 số góc quay, rõ ràng tình huống phạm lỗi diễn ra bên ngoài vòng cấm và quả penalty đội chủ nhà phải chịu có phần oan uổng.
Liverpool lại 1 lần nữa chịu thiệt trong trận gặp Everton khi thủ thành Jordan Pickford phạm lỗi dẫn đến chấn thương nghiêm trọng của Virgil van Dijk mà không bị thẻ đỏ. Lần này,dù án phạt được đưa ra với trọng tài David Coote, người phụ trách tổ VAR ngày hôm đó, nhưng không thay đổi được kết quả trận đấu.
Không chỉ ở Giải ngoại hạng Anh, nhiều giải đấu khác cũng có nhiều tình huống gây tranh cãi bởi trọng tài và công nghệ VAR. Đó là cách đây không lâu, trong trận đấu giữa Milan và Roma trên sân San Siro taại vòng 4 Serie A. Khi đó, Milan đang dẫn 2-1 và đang tràn đầy khí thế để giành thắng lợi thứ 4 liên tiếp. Tuy nhiên, trong 1 tình huống không rõ ràng, trọng tài đã thổi penalty cho Roma. Thậm chí lần này, VAR còn không được sử dụng, và tổ trọng tài VAR cũng “im thin thít” dù trong pha quay chậm, người bị phạm lỗi lại là tiền vệ Benacer của AC Milan.
Các tình huống quay chậm thể hiện rất rõ ràng anh bị tiền đạo Pedro của đối phương đạp vào chân, nhưng bằng một cách suy luận nào đó, trọng tài cho rằng tiền vệ của Milan mới là người phạm lỗi trong vòng cấm. Quyết định đó giúp Roma có quả phạt đền và gỡ hòa, từ đó cục diện trận đấu thay đổi hẳn. Hay cách đây hơn 1 năm, ở mùa giải 2018/2019, Milan cũng trở thành nạn nhân của VAR trong trận gặp Juventus. Phút 35, Alex Sandro (Juventus) để bóng chạm tay sau quả tạt bóng từ biên của Hakan Calhanoglu.
Đây rõ là một quả penalty, không thể bàn cãi được vì tình huống tạt vào là rất nguy hiểm và Sandro cố tình hay không thì cánh tay đưa ra của anh đã khiến Milan mất một pha tấn công vô cùng nguy hiểm. Vậy mà trọng tài Michael Fabbri vẫn nói không với một quả penalty. Sau trận đấu, trên các diễn đàn, xuất hiện rất nhiều hình ảnh, clip châm biếm quyết định thiên vị quá mức của trọng tài chính Fabbri.
Thậm chí, để làm “nguội” những cái đầu nóng, Ban tổ chức Serie A còn yêu cầu trọng tài Fabbri phải đến phòng tập của Milan để trực tiếp xin lỗi các cầu thủ và ban huấn luyện đội bóng. Đây là 1 trong những vết đen của bóng đá Italia, trong khi nên bóng đá nước này đang cố lấy lại hình ảnh sau khi bị hoen ố do tiêu cực từ nhiều năm trước.
Nhiều tình huống gây tranh cãi, chứng tỏ VAR không mang lại sự công bằng tuyệt đối. Chưa kể, trọng tài vẫn có thể “bẻ còi” dù có VAR đi chăng nữa. Bởi vậy, có VAR, bóng đá cũng chỉ công bằng hơn một chút, trong khi cảm xúc, vốn là sự hấp dẫn của môn thể thao vua dần dần bị mai một. Nhiều người nói vui, với vua việt vị Inzaghi, anh liệu có trở thành huyền thoại nếu có VAR? Và nếu có VAR, anh có còn mang đến nhiều cảm xúc như vậy?