Những địa phương có nhiều thí sinh đỗ điểm cao chót vót giờ đã trở lại mặt đất với kết quả hết sức bình thường như ở Hòa Bình, Hà Giang hoặc Sơn La. Năm ngoái, Lạng Sơn trong tốp dẫn đầu danh sách các thí sinh thi đậu vào các trường Quân đội, Công an mà không phát hiện tiêu cực gì thì năm nay hầu như vắng bóng thí sinh vào các trường này.
Và, khi mặt nạ của những thủ khoa giả rơi xuống, phơi bày những lời tuyên bố hào hùng về những “nỗ lực cá nhân”, “khát vọng cống hiến cho xã hội”, “có được kết quả này là do các cháu đã cố gắng hết sức mình”,... thành một sự trâng tráo đáng xấu hổ thì lập tức những thủ khoa “chân đất” xuất hiện.
Họ đã bị chiếm chỗ bởi những thủ khoa được nâng điểm và giờ đây những kẻ chiếm chỗ đó phải ngậm ngùi về quê thì giá trị thật mới có chỗ để mà tỏa sáng. Những thủ khoa của kỳ thi năm nay là những thủ khoa thật, con nhà nghèo, không ai nâng đỡ và thành quả học tập là do nỗ lực trong suốt cả một quá trình học tập. Sự lên ngôi của thủ khoa thật đó đã minh chứng một điều rằng công bằng chỉ được thiết lập khi sự gian trá bị lật tẩy và bị trừng trị để không còn còn chỗ đứng mà thôi!
Một sự việc nhỏ mới đây làm không ít người xúc động, khi anh xe ôm công nghệ kể lại câu chuyện của mình trên mạng xã hội. Anh chở một sinh viên Dược đến trường trên đoạn đường 17 cây số mà không lấy tiền vì cảm kích trước nghị lực của người sinh viên cụt cả hai chân từ lúc 5 tuổi, phấn đấu học hành với mơ ước mở một hiệu thuốc sau này.
Có rất nhiều cử nhân không có việc làm và phải chạy xe ôm công nghệ hoặc thủ khoa vẫn phải chăn lợn nhưng họ vẫn trân trọng, cảm phục nghị lực học tập của những người khác mà không hề dè bỉu. Giá trị nhân bản, tinh thần hiếu học, sự tự lập vươn lên chính là ở chỗ này và nhờ đó, đạo lý được duy trì, nền tảng của sự trung thực như ánh sáng đẩy lùi bóng tối của những gian trá, thị phi.
Cuộc chiến chống lại gian dối học đường, gian lận thi cử đã mang lại một kết quả tức thì và rõ rệt, đó là sự công bằng trở lại và trung thực lên ngôi.