Chủ yếu xuất khẩu thô
Gạo Việt Nam xuất khẩu (XK) đứng Top 3 thế giới, cà phê Việt XK Top 2 thế giới… nhưng đa phần vẫn phải “núp” dưới danh nghĩa nhà nhập khẩu (NK) của một quốc gia nào đấy. Một doanh nhân Việt tại Cộng hòa Séc từng kể, người Việt tại Séc vẫn biết đến gạo Con Voi trước đây (gạo có hình con voi), hay bây giờ là các bao gạo có nền là những tranh ảnh, lá cải và lựa chọn các dòng gạo này để sử dụng vì đó là loại luôn có chất lượng ổn định trong nhiều năm nay. Nhưng điều đáng tiếc là tất cả mọi người đều cho rằng đó là gạo Thái Lan.
Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển Nguyễn Thị Hoàng Thúy những ngày đầu nhận nhiệm vụ cũng giật mình nhận ra, ở châu Âu, người dân dường như không biết họ đang ăn gạo Việt dù thực tế các loại gạo họ sử dụng đều từ Việt Nam. Nguyên nhân chính theo bà Thúy là do gạo Việt XK dạng thô sang châu Âu, các nhà NK sẽ đóng bao gạo (lõi Việt) bằng tên thương hiệu của họ.
Quế hồi Việt Nam cũng đã từng chỉ XK dạng thô khi xuất sang Ấn Độ, Trung Quốc trong khi cây quế hồi vô cùng hiếm, hiện chỉ có 5 quốc gia có thể trồng được loại cây này… Cà phê Việt Nam, dù XK đứng nhất nhì thế giới nhưng cũng chỉ dưới dạng hạt, không mang thương hiệu gì và nhà NK cũng sẽ sử dụng thương hiệu của họ để bán ra tại thị trường sở tại.
“Việt Nam chúng ta tự hào là nước XK gạo số 1 thế giới, mỗi năm chúng ta XK được hơn 6 triệu tấn sang các nước kém phát triển như các nước châu Phi. Còn ở châu Âu, liệu ai trong chúng ta biết đến loại gạo nào mang thương hiệu Việt Nam?” - bà Nguyễn Thị Thanh, Giám đốc Chi nhánh kinh doanh quốc tế Việt Nam - châu Âu từng đặt câu hỏi này trong một hội nghị tập trung những DN sáng tạo khoa học công nghệ hàng đầu ở Việt Nam.
Táo bạo, dám nghĩ, dám làm
Những câu hỏi, những trăn trở trên được đề cập từ nhiều năm nay và đang dần được giải quyết bởi những người trẻ, những người khát khao đưa thương hiệu Việt Nam đến với bạn bè năm châu, để nâng cao giá trị cho hàng hóa Việt, để những người gắn bó với ruộng đồng có thêm thu nhập từ chính quê hương của mình.
Nông sản mang nhãn hiệu Việt sẽ xuất hiện nhiều hơn trên thị trường thế giới. |
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, với vai trò của mình, ông tiếp xúc với rất nhiều người trẻ có khát khao đưa nông sản Việt Nam cất cánh ra thế giới bằng chính tên thương hiệu Việt Nam. Mới đây, ông đã gặp một nhóm người Việt trẻ tại Cộng hòa Séc đã đưa được những thương hiệu gạo của Việt Nam đầu tiên sang với châu Âu, đó là gạo VJ Pearl Rice và Gạo ST25 của Tổng Công ty Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed).
Gần đây, nhóm DN này về Việt Nam và đã tìm đến những vùng nông sản lớn, gặp những doanh nhân kinh doanh nông sản lớn để cùng tập trung cho mục tiêu “đưa nông sản Việt với thương hiệu Việt” ra thế giới. Không chỉ tìm kiếm, tập hợp những loại nông sản đặc trưng, nhóm doanh nhân trẻ này còn đặt vấn đề, tìm kiếm thị trường đủ lớn để đưa nông sản Việt sang châu Âu bằng đường hàng không.
Đi theo một hướng khác, doanh nhân Nguyễn Thị Huyền của Vinasamex đã xác định đưa hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam ra thế giới ngay từ khi mới bắt đầu công việc của mình ở các vùng trồng quế hồi, khi đó cô mới 22 tuổi. Chỉ trong vài năm bắt tay vào việc, Vinasamex đã “tập hợp” được 4 chứng chỉ hữu cơ ở những thị trường khó tính nhất (Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc) và hiện giờ XK mỗi năm hơn 300 tỷ đồng các loại gia vị, tinh dầu mang thương hiệu của Việt Nam đến các nước khó tính nhất.
Mới đây, với một quyết tâm đưa gia vị Việt tiến sâu vào thị trường Mỹ, Vinasamex đã đặt vấn đề chuẩn bị thành lập và vận hành văn phòng tại Mỹ. Cùng với đó là kế hoạch kêu gọi vốn đầu tư để tìm kiếm thêm những nhà đầu tư, cùng phát triển nông sản hữu cơ, đưa nông sản Việt ra rộng khắp thế giới. Huyền ấp ủ mơ ước, trở thành thương hiệu trong lĩnh vực gia vị, hương liệu hữu cơ đầu tiên của Việt Nam lên sàn chứng khoán và “tiện thể, thuận lợi chúng tôi sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế nhằm khẳng định vị thế và thương hiệu của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản” - Huyền chia sẻ.
Những gì mà Nguyễn Thị Huyền cùng với nhóm người Việt trẻ tại Cộng hòa Séc đã và đang thực hiện ít nhất đã có thể truyền cảm hứng và trao cho nông dân Việt Nam một niềm tin về đầu ra cho sản phẩm, để những người nông dân chân lấm tay bùn tự hào về sản phẩm của mình có thể bay ra khắp thế giới. Từ đó, trách nhiệm cộng đồng lại nhân lên, những nhóm sản phẩm đủ chất lượng sinh sôi, bắt đầu từ đồng đất ở mỗi vùng quê. Và những loại hàng hóa mang thương hiệu Việt sẽ ngày càng nhiều, chinh phục những thị trường khó tính nhất của thế giới.