Khát vọng mang tàu hũ chinh phục thế giới

24 tuổi, không tấm bằng đại học, bằng niềm đam mê và khát khao phát triển món ăn truyền thống của quê hương, Đinh Tuấn Ân đã trở thành giám đốc Công ty TNHH Tàu hũ HAT, với 4 chuỗi cửa hàng tại quận Thủ Đức, TP.HCM. Mỗi tháng anh chàng dắt túi gần 200 triệu đồng từ việc kinh doanh, không những vậy còn tạo nhiều công ăn việc làm cho các bạn sinh viên nghèo.

24 tuổi, không tấm bằng đại học, bằng niềm đam mê và khát khao phát triển món ăn truyền thống của quê hương, Đinh Tuấn Ân đã trở thành giám đốc Công ty TNHH Tàu hũ HAT, với 4 chuỗi cửa hàng tại quận Thủ Đức, TP.HCM. Mỗi tháng anh chàng dắt túi gần 200 triệu đồng từ việc kinh doanh, không những vậy còn tạo nhiều công ăn việc làm cho các bạn sinh viên nghèo.

Anh Tuấn Ân (áo đen) cùng 3 người bạn tạo nên thành công cho tàu hũ HAT
Anh Tuấn Ân (áo đen) cùng 3 người bạn tạo nên thành công cho tàu hũ HAT

Thức tỉnh nhờ tiếng rao tàu hũ

Tấm biển hiệu màu xanh có tên “tàu hũ HAT” nổi bật giữa một rừng quán xá trên đường Thống Nhất, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức. Mặc dù đối tượng khách hàng mà quán hướng tới chủ yếu là sinh viên, nhưng không gian quán lại được trang trí sang trọng không kém những quán ăn lớn: phòng máy lạnh cùng với những bộ bàn ghế bằng gỗ thanh lịch, dàn nhân viên mặc đồ đồng phục màu xanh trông rất lịch sự.

Vào xế chiều của ngày thứ 2 đầu tuần, nhưng quán vẫn đông nghịt khách. Tiếp đón tôi không phải là một nhân viên bình thường, mà chính là anh Đinh Tuấn Ân, chủ cửa hàng. Xuất hiện với phong cách giản dị đến lạ, chỉ áo thun, quần jean, cộng thêm mái tóc cua ngắn cũn và nước da ngăm đen, nếu không giới thiệu chắc chẳng ai nhận ra đây là vị giám đốc của chuỗi cửa hàng lớn này…

Thi đại học, Tuấn Ân không được định hướng nghề nghiệp như bạn bè trang lứa, mọi thứ đều rất mơ hồ. Anh chọn đại khoa tài chính ngân hàng của trường Đại học ngân hàng TP.HCM, với lý do đơn giản ngành này “hot”, ra trường lương cao và để bản thân mình với ba mẹ có dịp nở này nở mặt với thiên hạ.

Thế nhưng học ở một trường danh giá cảm giác không tuyệt vời như anh nghĩ. Tuấn Ân không hứng thú với việc học, anh bối rối và không có định hướng nào cho tương lai của mình. Đến khi học năm 4, trong một buổi chiều tình cờ nghe được tiếng rao của cô bán tàu hũ cùng quê, Ân chợt nhớ đến những ngày ấu thơ với món tàu hũ nước đường này. Nhờ tiếng rao ấy mà anh nghĩ nhiều hơn đến việc “mình phải kinh doanh thứ gì đó, phải sống khác đi”.

Lần khác, Ân đang đạp xe đi dạo trên con phố gần nhà trọ, nhìn qua cửa hàng thức ăn nhanh KFC mới mở, trông nó thật lộng lẫy. Trong đầu anh lóe lên ý nghĩ “vì sao mình cứ nghĩ những thứ cao siêu nhưng không nghĩ đến món tàu hũ ở quê”? Trên đoạn đường về nhà hôm ấy, trong đầu anh đầy ắp những hình ảnh về cửa hàng tàu hũ do chính mình lập ra.

“Ông già người Mỹ kia có thể đưa món gà rán của mình đi khắp thế giới, tại sao tôi không làm thế với món tàu hũ của quê hương mình”, vị giám đốc trẻ Đinh Tuấn Ân tâm sự.

Thất bại đầu đời

Tìm hiểu về tàu hũ, anh thấy hứng thú khi sản phẩm này được xem là thần dược cho mọi lứa tuổi, có nhiều chuyên gia còn ví von rằng nó chính là “phô mai của châu Á”. Nhiều người bạn của Ân bật cười khi biết anh có ý định kinh doanh tàu hũ, họ bảo anh không có tiền, không biết nấu tàu hũ và cũng chẳng có kinh nghiệm thì làm được gì? Nhưng Ân nghĩ : “Mặc kệ nó. Làm tới đi!”.

Sau một thời gian cố gắng thuyết phục người thím biết nấu món tàu hũ nước đường từ ngoài quê vào Sài Gòn để giúp mình lập nghiệp, suốt 3 tháng đầu, Ân mang tàu hũ đi bán dạo ở các khu vực chợ Bến Thành để tìm hiểu thị trường. Nhưng để tàu hũ có thể tiếp cận du khách và đông đảo người dùng, cũng như trở thành một ngành kinh doanh thì không thể chỉ bằng một vài gánh bán dạo. Ân nghĩ đến việc biến một món tàu hũ giản đơn thành những món ăn sang trọng với kiểu cách ly thay vì chén, và thêm những món phụ vào để nó thêm phong phú.

Phải tốn rất nhiều công sức anh mới thuyết phục được bạn thân hùn vốn để mở cửa hàng tàu hũ với phong cách khác. Đó là Nguyễn Lê Hận và Mai Thanh Tùng, cùng học Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM, hiện có thêm Nguyễn Thanh Huy (Đại học Ngân hàng TP.HCM). Ngoài ra Ân còn vất vả “rủ rê” thêm một người là chị của một bạn trong nhóm biết nấu món này rất giỏi và đang thất nghiệp ngành kế toán về làm chung.

Để có tiền mở quán, anh liều lĩnh thuyết phục ba mẹ ở quê cho mình tiền mua máy tính xách tay phục vụ cho việc học. Vào thời điểm ấy, khoản tiền 15 triệu mà gia đình gửi cho anh là rất lớn, bố mẹ đã  phải bán một con bò và gom hết số tiền tiết kiệm trong nhà mới đủ. Nhưng Ân chỉ mua một chiếc máy tính để bàn cũ ở tiệm cầm đồ với giá 3 triệu, số còn lại cộng thêm tiền vay mượn của bạn bè cũng được tổng cộng gần 70 triệu dành cho việc mua sắm dụng cụ cho cửa hàng.

Cửa hàng tàu hũ HAT đầu tiên được đặt trong ký túc xá Trường Đại học Nông lâm đã khai trương với sứ mệnh “Phong cách mới, hương vị mới”. Thời gian đầu, lượng khách hàng rất đông đến nỗi không có chỗ ngồi, có lẽ bởi sự hiếu kì, tò mò vì đây là cửa hàng tàu hũ đầu tiên được thiết kế sang trọng và rất nhiều loại tàu hũ khác nhau.  

Ân và những người bạn của mình phải thức trắng đêm làm việc từ sáng sớm đến khuya mới xong việc. Chỉ hai tuần đầu tiên cửa hàng đã có doanh thu gần 50 triệu – một số tiền mơ ước đối với những sinh viên nghèo. Niềm vui chưa được lâu, khi mỗi ngày lượng khách càng giảm mạnh một cách đáng sợ, với lý do “tàu hũ của các bạn không ngon bằng của các cô bán dạo”. Vậy là việc kinh doanh phá sản, Ân phải ôm một khoản nợ lớn.

Tạo nên thương hiệu

Sau thất bại đầu đời ấy, cũng may Ân và hai người bạn vẫn trụ vững, đây cũng là thời gian anh thi tốt nghiệp. Khi chỉ còn hai môn thi cuối cùng để có tấm bằng đại học, Tuấn Ân đã khiến mọi người phải sốc vì quyết định bỏ ngang của mình. Nói về quyết định có vẻ “khùng” này, anh giải thích “ngay từ khi còn ở trên giảng đường đại học tôi đã xác định học để lấy kiến thức và thực hiện niềm đam mê kinh doanh của mình nên thú thật tấm bằng với tôi và so với tính chất công việc tôi đang làm nó không có ý nghĩa nhiều”.

Sau gần 5 tháng tập tành làm đầu bếp và kinh nghiệm từ những lần bán dạo, 3 chàng trai đã thành công trong việc chế biến được món tàu hũ truyền thống thừa sức cạnh tranh với bên ngoài. Không những thế, họ còn phát hiện ra công thức tạo nên các sản phẩm tàu hũ đặc trưng không đâu có được. Hiện danh sách thực đơn của cửa hàng bao gồm 30 loại tàu hũ, trong đó có nhiều sản phẩm ngon chỉ có ở cửa hàng Tàu hũ HAT và được đông đảo khách hàng như tàu hũ đá lá dứa, tàu hũ đá gấc… với giá cả hợp lý, từ 16 – 30 ngàn đồng/ 1 ly.

Về đội ngũ nhân viên, tại mỗi cửa hàng tàu hũ có khoảng 15 người, chủ yếu là sinh viên. Do từng đi làm thêm khá nhiều công việc phục vụ ở nhà hàng, khách sạn, tiệc cưới nên Ân cũng có chút kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo nhân viên của mình.

Ở tàu hũ HAT, nhân viên phục vụ và kể cả anh giữ xe rất được coi trọng, bởi theo Ân họ chính là bộ mặt của toàn hệ thống. “Khách vào một nhà hàng, họ không cần biết người chủ là ai, đôi khi họ chưa dùng đến sản phẩm, nhưng nếu người đầu tiên họ gặp chính là anh giữ xe nhiệt tình, những nhân viên phục vụ thân thiện thì  đó là những điểm cộng rất giá trị”, Tuấn Ân chia sẻ.

Sau hơn một năm kể từ ngày “xông pha”, không những vượt qua được lần phá sản đầu tiên, cửa hàng tàu hũ còn mang lại cho Ân khoản doanh thu hàng tháng lên tới 200 triệu. Thừa thắng, anh và các bạn của mình thành lập Công ty TNHH Tàu hũ HAT, đồng thời mở luôn bốn chi nhánh: hai cửa hàng gần tại Đại học Quốc gia TP.HCM, một cửa hàng tại Đại học Nông lâm và một cửa hàng tại quận Thủ Đức. Tên công ty gộp chung chữ cái đầu trong tên của các thành viên trong nhóm, thể hiện sự đoàn kết, quyết tâm thực hiện dự án.

Để thực hiện ước mơ đưa món tàu hũ HAT trở thành thương hiệu toàn cầu như các chuỗi cửa hàng KFC, LOTERIA, việc chọn mô hình phát triển là một điều rất quan trọng. Hiện tại hướng đi của tàu hũ HAT là nhượng quyền, nó sẽ giúp công ty mở rộng phát triển nhanh hơn so với mô hình truyền thống, tận dụng được nguồn vốn của các nhà đầu tư bên ngoài.

Không chỉ là người tiên phong đưa tàu hũ lên một vị trí mới, đầu năm 2013, Tuấn Ân còn gây bất ngờ khi xuất bản cuốn sách “Giá như tôi biết những điều này...trước khi thi đại học” với số lượng 2000 bản. Có thể nói cuốn sách như một cuộc hành trình kể về những trải nghiệm thực tế, những bài học cũng như những trăn trở của Ân từ khi cậu là một học sinh đang đứng trước ngưỡng cửa đại học giống các bạn trẻ bây giờ. Ân bảo “ viết lách vào những lúc rảnh rỗi giống như một thú vui giải trí vậy, nó giúp tôi cảm thấy nhẹ nhõm, yêu đời hơn”.

Thanh Huyền

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.