“Cơn bão” mang tên Thanh Bình
Dự án Khu biệt thự du lịch Thanh Bình (phường 10, TP Vũng Tàu) khi hình thành cách 10 năm trước được quảng cáo mĩ miều là nơi đáng sống trong tương lai. Nhưng sự thực là từ lúc khai sinh đến nay, nó trở thành dự án nhiều ai oán nhất của Tp. Vũng Tàu và không hề đẹp như những gì được vẽ ra trên giấy.
Đó là khi chủ đầu tư là Công ty TNHH TV DVTM Thanh Bình đã ký hàng trăm hợp đồng chuyển nhượng cho khách hàng nhưng lừa dối họ trong suốt thời gian dài, không tách thửa, sang tên để che giấu việc sử dụng tài sản đó thế chấp vay vốn tại ngân hàng. Thậm chí, Cty Thanh Bình còn chuyển nhượng cùng một thửa đất cho nhiều người khác nhau thu lợi bất chính, có dấu hiệu của hành vi lừa đảo.
Như trường hợp của ông Mai Văn Đông (Lô C2.37) ký hợp đồng chuyển nhượng tại một sàn giao dịch, khi đang xây dựng thì được ngân hàng báo tin thửa đất của ông đã được thế chấp. Sự việc đó kéo theo hệ lụy là ông Đông phải tốn rất nhiều tâm lực, tiền bạc để tìm hiểu thông tin và bảo vệ quyền lợi cho mình nhưng tới nay vẫn vô vọng vì Cty Thanh Bình bất hợp tác.
Diễn biến mới nhất, sau khi đấu giá thành công một lô đất vào tháng 1/2019, ngân hàng tiếp tục phát đi thông báo sẽ đấu giá thêm 2 lô khác, cùng 18 GCNQSDD trong cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2019. Tất cả đều là tài sản của Cty Thanh Bình bị kê biên, trong đó đã chia lô bán cho hàng trăm khách hàng, có người đã tới định cư ổn định trên đó.
Đó cũng là thời điểm “cơn bão” mang tên Thanh Bình thực sự hình thành, mang nỗi lo hiện hữu của hàng trăm khách hàng có nguy cơ mất trắng tài sản.
Bất lực đòi quyền lợi
Bà Đàm Thị Nãi bức xúc vì chưa được một ngày hưởng thanh bình |
Trong số hàng trăm cư dân Thanh Bình, hoàn cảnh của bà Đàm Thị Nãi (Lô B1.20) là điển hình để nói lên hết sự cơ cực và những phi lý đang diễn ra tại Dự án Thanh Bình.
Bà Nãi năm nay đã ngoài 70 tuổi, toàn bộ số tiền dành dụm cả đời đã mua đất định cư tại đây với mong mỏi có được môi trường sống lý tưởng hưởng tuổi già. Thế nhưng, chưa được an nhàn ngày nào, “tiện ích” Thanh Bình mang đến cho bà là những tháng ngày đội đơn cầu cứu cơ quan chức năng, bức xúc và cả sự lo âu thấp thỏm trước nguy cơ mất trắng tài sản. Thân cô thế cô, vì vậy, mỗi lần có ai hỏi chuyện, sự bức xúc dồn nén khiến bà Nãi nói mà như thể muốn khóc để bày tỏ nỗi lòng cơ cực mình đang gánh chịu.
Nhiều người quá mệt mỏi nên đã tính phương án bán thống tài sản nhưng tình trạng chung là rao mãi không ai mua. Còn lại số đông đã xây nhà thì đành “đâm lao theo lao” thấp thỏm lo âu không biết bao giờ ngôi nhà mình bị kê biên, bán đấu giá.
Có người thì ngậm ngùi cùng với Cty Thanh Bình tới ngân hàng, chấp nhận lần nữa móc tiền giải chấp GCNQSDĐ để đổi lấy “thanh bình”. Nhưng số đó chỉ hãn hữu vì không phải ai cũng đủ tiềm lực kinh tế, hoặc trớ trêu hơn khi ngân hàng yêu cầu phải giải chấp cả thửa đất chục nghìn mét vuông, số tiền vài chục tỷ đồng, trong khi họ chỉ là một trong số đó nên đành bất lực.
Quá mệt mỏi nên nhiều người rao tin bán thống tài sản |
“Màn kịch” hứa suông chưa có đoạn kết
Được biết, ngày 28/4/2017, Chi cục Thi hành án Dân sự (THADS) TP.Vũng Tàu từng bán đấu giá 18 lô đất là tài sản đảm bảo của Cty Thanh Bình bị kê biên. Tuy nhiên, ngày 11/5/2017, cũng chính cơ quan này đã quyết định hủy kết quả theo đề nghị của Cty Thanh Bình.
Lý do được ông Phạm Quốc Dũng, lúc đó đang làm giám đốc công ty lập luận như sau: “Công ty có sai sót trong việc nhận tiền của một số khách hàng liên quan đến tài sản thế chấp ngân hàng. Do đó, công ty xin hủy kết quả đấu giá để công ty có điều kiện thu hồi số tiền khách hàng còn thiếu, trả nợ ngân hàng, sau đó tiếp tục thực hiện cam kết với khách hàng”.
Nhưng thực chất, từ đó đến nay, Cty Thanh Bình chưa bao giờ thực hiện cam kết, câu chuyện của 18 khách hàng nêu trên chỉ là một lát cắt, cùng cảnh ngộ với hàng trăm người khác khi mòn mòi chờ đợi, và tất cả chỉ là chất liệu, con rối trong “vở kịch” mang tên họ “hứa” vẫn được ông Dũng “diễn” suốt hơn 10 năm qua mà chưa hề có đoạn kết.
Và đó cũng là câu trả lời cho việc vì sao hàng trăm khách hàng khi lỡ “dính” vào dự án Thanh Bình, bỗng phải lao vào cuộc chiến đòi quyền lợi đủ khổ ải trần ai trong quãng thời gian dài.
Lời mong muốn được an sinh
Trước “cơn bão” mang tên Thanh Bình, từ nhiều ngày nay, cư dân tại đây luôn ở trong trạng thái “trực chiến” bằng nhiều biện pháp để ứng phó, bảo vệ quyền lợi chính đáng. Họ treo băng rôn, biểu ngữ phản đối, đôn đáo gửi đơn cầu cứu cơ quan chức năng. Thanh Bình bỗng trở thành điểm nóng về an ninh trật tự xã hội, liên quan đến những tranh chấp quyền sử dụng đất đang trực chờ “nổ” bất cứ lúc nào.
Đồng thời, nhiều cư dân tìm tới gặp Cty Thanh Bình để đòi quyền lợi thì địa chỉ thay đổi, còn ông Phạm Quốc Dũng từng đương nhiệm giám đốc đã “thoát xác”, bàn giao cho một người khác.
Loay hoay vì rơi vào thế lưỡng nan và tột độ hoang mang, cư dân Thanh Bình phải đội đơn cầu cứu tới Chủ tịch và Bí thư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Vào ngày 21/3, những nguyện vọng cầu cứu của cư dân Thanh Bình cũng được hồi đáp khi UBND tỉnh có công văn (số 2448/UBND, ngày 21/3/2019) đôn đốc Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên & Môi trường nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc khiếu kiện của cư dân Thanh Bình.
Không phải bàn cãi về việc Thanh Bình lợi dụng sự cả tin và thiếu hiểu biết của khách hàng, lẫn sự nhập nhèm về pháp lý của dự án để đẩy họ vào “cơn bão” như hiện tại.
Chính vì vậy, mong mỏi của người dân Thanh Bình hiện nay là muốn được cơ quan chức năng làm rõ những hành vi lừa dối của Cty Thanh Bình, trong đó có cá nhân ông Phạm Quốc Dũng. Đồng thời, cơ quan chức năng cần là trọng tài tổ chức những buổi đối thoại, cầu nồi với ngân hàng, để những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là cư dân Thanh Bình được nói lên tiếng nói mong muốn được an sinh và tìm các phương án tháo gỡ.