Với mật độ phát sóng phim dày đặc trên các đài hiện nay, có thể nói phim Việt đang chiếm ưu thế và tạo nên thói quen thưởng thức cho khán giả truyền hình. Tuy nhiên, ngược lại với số lượng, những bộ phim có kịch bản hay, ý nghĩa với giới trẻ lại rất khan hiếm.
Đề tài cũ, vay mượn
Tháng 8 vừa qua, bộ phim truyền hình “Cá rô, em yêu anh!” bắt đầu phát sóng lại trên kênh truyền hình HTV9. Trước đó, bộ phim từng được phát sóng trên HTV3 và ngưng nửa chừng vì một số lý do liên quan đến bản quyền. Việc ngưng phát sóng bộ phim đã gây ra không ít thắc mắc, phản hồi từ phía khán giả xem truyền hình vì nhiều đánh giá cho rằng đây là bộ phim “rất ổn” về mặt nội dung, kịch bản lẫn diễn xuất, thậm chí nhiều người còn coi đó là “của hiếm” trong lúc phim Việt dành cho giới trẻ đang loay hoay trong cái vòng lẩn quẩn Tình - Tiền.
Poster phim “Cá rô, em yêu anh!” |
Điều này không hẳn là không có lý, khi mà một thời gian dài, hầu hết phim dành cho giới trẻ đều nhàn nhạt như nhau với những câu chuyện tình tay ba, những công thức “lọ lem - hoàng tử” ru ngủ khán giả trẻ. Những tình tiết éo le trong tình yêu, những hiểu lầm, nước mắt, những cô gái nghèo khổ nhưng đáng yêu “đổi đời” nhờ gặp được “hoàng tử” giàu có, tử tế...
Lồng trong đó là những tình huống gây cười nhạt nhẽo, gượng ép, đã khiến khán giả trẻ dù không thiếu tình yêu đối với phim Việt dần trở nên nản. Nhiều bộ phim được coi là “nổi” như “Cô nàng tóc rối”, “Cho một tình yêu”, “Anh chàng vượt thời gian”, “Xin thề anh nói thật”... dù làm truyền thông khá tốt và có sự diễn xuất của nhiều “sao” như Mỹ Tâm, hot girl Mi Du, Jenifer Phạm vẫn nhận phản hồi xấu bị tẩy chay, thậm chí “Anh chàng vượt thời gian” còn bị ngưng chiếu vì sự phản ứng mạnh từ phía dư luận.
Có thể nói, kịch bản đang là khâu “yếu” của phim truyền hình Việt. Xác định điều này, nhiều nhà làm phim đã chọn hướng chế tác từ kịch bản nước ngoài, mà gần đây đang “đình đám” là “Cầu vồng tình yêu” và “Người mẫu” - làm lại từ phim Hàn Quốc cùng tên nổi tiếng những năm 2000.
Tuy nhiên, có vẻ như đây chưa phải là giải pháp tốt để khắc phục “lỗi kịch bản” của phim Việt, một ví dụ là phim “Ngôi nhà hạnh phúc” chiếu vào 2009 dù “ăn theo” một trong những kịch bản ăn khách nhất của xứ Hàn nhưng vẫn không được khán giả mặn mà. Điều khán giả cần không phải là cái lạ mà là kịch bản thật sự hay và nhuyễn, và yếu tố này thì hoàn toàn có thể tìm kiếm từ trong nước.
Khán giả trẻ cần gì?
Quay lại với bộ phim truyền hình “Cá rô, em yêu anh!”, theo nhiều khán giả, bộ phim tuy không ngòai đề tài tình yêu đôi lứa, nhưng ở “Cá rô, em yêu anh!”, cốt truyện nhẹ nhàng, giản dị, yếu tố hài vừa phải, duyên dáng và diễn xuất rất tự nhiên của Bình Mình, Tường Vi, Quý Bình và dàn diễn viên gạo cội Công Ninh, Thanh Thủy... Nhưng yếu tố ăn điểm nhất của phim chính là kịch bản làm rất ổn và ít “sạn”. Phim phản ánh những ước mơ, khát vọng của những người trẻ muốn làm giàu, khẳng định năng lực, muốn đem sức mình đóng góp cho quê hương. Lồng ghép trong đó là kiến thức về nông nghiệp, về lợi ích của việc trồng cây theo chuẩn GAP... bổ ích nhưng không giáo điều mà khá tự nhiên, chân thực, cảm động.
Cũng lồng ghép những kiến thức, kĩ năng cần thiết cho giới trẻ là bộ phim “Con đường phía trước” khởi chiếu trên HTV7 vào tháng 6 vừa qua. Bộ phim xoay quanh những quan niệm khác nhau về hạnh phúc cuả hai người yêu nhau: Cô gái là bác sĩ đa khoa bị phân về vùng quê hẻo lánh, còn chàng trai là kĩ sư quen sống ở thành phố lớn. Những kiến thức về sức khỏe, làm mẹ đơn thân, kĩ năng làm mẹ... cũng được truyền tải hợp lý, hấp dẫn.
Trước đó, năm 2010, “Cổng mặt trời”, bộ phim phản ánh những vấn đề thực tế của đời sống sinh viên cũng nhận được sự theo dõi và ủng hộ của khán giả.
Bạn Lâm Thị Ngọc Tường, thành viên một diễn đàn về phim truyền hình Việt bày tỏ: “Các nhà làm phim thường xóay vào các đề tài tình yêu đôi lứa, những éo le, trắc trở... Trong khi thực ra khán giả trẻ chúng tôi chỉ cần kịch bản giản dị nhưng có sức hút, về tình yêu, khát vọng vươn lên bằng chính khả năng của mình. Bên cạnh đó những kĩ năng sống, kiến thức và hành trang để đối mặt với cuộc sống cũng là điều mà giớ trẻ cần học hỏi trên phim”.
Ngọc Mai