Thoát khỏi đói nghèo đeo bám, làm giàu trên chính quê hương
Miền núi Quảng Nam có nhiều loại dược liệu quý, trong đó nổi tiếng nhất là Sâm Ngọc Linh. Có một người con Quảng Nam đã thay đổi cuộc sống bằng chính đặc sản quê hương, từ những đồng vốn chính sách nhỏ. Đó là ông Nguyễn Văn Lượng – người dân tộc Ca dong ở huyện Nam Trà My. Từ một hộ nghèo, năm 2008, ông đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng sâm Ngọc Linh, đến nay ông đã có trên 20 ngàn gốc sâm, trở thành tỷ phú của huyện Nam Trà My.
Trên địa bàn Quảng Nam, có có nhiều mô hình hộ đồng bào DTTS vay vốn chính sách làm ăn hiệu quả. Hộ gia đình ông Ra Pát Mơi (thôn A Tép 2, xã Bhalêê, huyện Tây Giang) là hộ nghèo thuộc đối tượng vay vốn theo Quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2009 gia đình ông vay 5 triệu đồng để trồng rừng, đến nay gia đình ông đã có 4 ha keo lá tràm và 5 con bò, thoát nghèo bền vững.
Phó Tổng giám đốc NCHSXH Nguyễn Văn Lý trao đổi với hộ vay vốn tại xã Sông Trà (huyện Hiệp Đức, Quảng Nam) về việc sử dụng vốn chính sách |
Hộ gia đình bà Hồ Thị Danh (dân tộc Cadong, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My) cũng từng thuộc danh sách hộ nghèo. Khi chúng tôi đến thăm, chị Danh đón chúng tôi dưới hiên căn nhà xinh xắn được dựng lên từ “đòn bẩy” vốn vay chương trình nhà ở 167 từ năm 2011. Để có vốn làm ăn, chị xin vay 8 triệu theo Quyết định 54 và 19 triệu đồng chương trình hộ nghèo để trồng keo và chăn nuôi bò. Nhờ biết cách làm ăn, gia đình chị đã thoát nghèo, đến nay đã có 3,5ha keo và 4 con bò, trong chuồng có cả chục con lợn bản địa. Cách đó không xa là nhà anh Phan Văn Đoàn, dân tộc Cadong, cũng từng là hộ nghèo, sau khi mạnh dạn vay vốn chương trình hộ nghèo 50 triệu đồngg và 15 triệu theo Quyết định 755, nay gia đình anh đã thóa ngèo với trang trại 15 con heo giống và 1,5ha rừng…
Vốn chính sách thúc đẩy ý thức tự vươn lên
Quảng Nam có 18 đơn vị hành chính, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung chủ yếu tại 93 xã thuộc 6 huyện miền núi vùng cao là Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang và Phước Sơn. Trong số hơn 33,4 ngàn hộ đồng bào DTTS có tới hơn 18,9 ngàn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 56,6%.
Trong tổng số 17 chương trình tín dụng chính sách chi nhành NHCSXH Quảng Nam đang thực hiện, có 2 chương trình dành riêng cho hộ đồng bào DTTS gồm: Cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn theo QĐ 32/QĐ-TTg ngày 5/3/2007, QĐ số 54/QĐ-TTg ngày 4/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ, cho vay để hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề và đi xuất khẩu lao động cho hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tưởng Chính phủ. Tổng doanh số cho vay đạt hơn 88,5 tỷ đồng, tổng doanh số thu nợ đạt hơn 15,1 tỷ đồng, dư nợ đến 31/12/2017 đạt hơn 73,16 tỷ đồng. Các chương trình này được đánh giá là đã thật sự hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho 10.331 hộ đồng bào được tiếp cận vốn của chương trình. Nhìn chung các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và đem lại hiệu quả trong phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đoàn khảo sát của NHCSXH và Ủy ban Dân tộc làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam về việc sử dụng vốn vay ưu đãi cho đồng bào DTTS trên địa bàn |
Thông qua vay vốn, hộ đồng bào người DTTS đã tiếp cận được môi trường tín dụng, kinh nghiệm làm ăn, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ, cho không của Nhà nước mà có ý thức vươn lên, góp phần thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh, nhất là mục tiêu giảm nghèo. Nhiều hộ gia đình nhờ vào nguồn vốn này mà xây dựng nhà cửa kiên cố, sạch đẹp, mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất cũng như sinh hoạt…. Qua đó, nâng cao năng suất sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh…
Gắn tín dụng chính sách với chiến lược phát triển kinh tế xã hội tại địa phương
Tuy nhiên, hiệu quả của tín dụng chính sách đối với đồng bào DTTS tỉnh Quảng Nam còn bị ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân, như: có quá nhiều chính sách của Nhà nước dành cho hộ đồng bào DTTS nhưng dàn trải, phân tán, hiệu quả chưa cao (riêng ở Quảng Nam có 107 Đề án, Dự án chính sách giao cho các Sở ban ngành thực hiện); trình độ dân trí thấp nên việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; thiếu cơ chế lồng ghép hiệu quả giữa tín dụng chính sách với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, phổ biến cách thức sản xuất cho đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho hộ vay sử dụng hiệu quả đồng vốn… “Đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát đánh giá tính hiệu quả của các chính sách, chương trình để sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn” – đại diện NHCSXH Quảng Nam kiến nghị.
Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước được thường xuyên, hiệu quả hơn nhằm nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo của đồng bào DTTS và trách nhiệm trong quan hệ vay vốn với ngân hàng góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, thời gian tới, tỉnh Quảng Nam tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các cấp các ngành trong phối hợp tổ chức thực hiên chính sách, hỗ trợ đồng bào làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
“Chính quyền địa phương các cấp, các cấp các ngành gắn kết hơn nữa trong việc đầu tư chương trình tín dụng chính sách với mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả phù hợp với chiền lược phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương. Tỉnh nỗ lực làm tốt chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, có định hướng thị trường tiêu thụ sản phẩm… để giúp hộ dân nâng cao năng suất, đảm bảo cho đầu ra của sản phẩm” – ông Lê Văn Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – cho biết.
Trước đó, Đoàn khảo sát do Phó Tổng giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý làm Trưởng đoàn, với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, đã đến tìm hiểu thực tế tại xã Sông Trà (huyện Hiệp Đức) và xã Trà Đốc (huyện Bắc Trà My).