Khánh Hòa thời 'chúa sơn lâm' cai trị'

Một con cọp vừa bị bắn hạ
Một con cọp vừa bị bắn hạ
(PLO) - Khánh Hòa ngày xưa nổi tiếng về cọp. Chẳng thế mà phương ngôn có câu: “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận” đánh dấu một vùng đất cực Nam Trung bộ còn đầy vẻ hoang sơ, rậm rạp và nhiều ác thú của buổi đầu khai phá. Năm 1897, Paul Doumer khi được bổ nhiệm toàn quyền Đông Dương cũng đã ghi nhận thực tế này trong cuốn hồi ký của mình.

Tiếng xấu “vùng hổ”

“Chúng tôi đang ở trước mặt tỉnh Khánh Hòa và ngay khi vượt qua cảng Dayot (cảng Vân Phong – PV), rồi đến Nha Trang, điểm dừng chân cuối cùng của chuyến đi, nơi có Công sứ Pháp. Quan lại sống trong thành Khánh Hòa, cách bờ biển chừng năm, sáu cây số. Nha Trang chỉ là một làng bên bờ biển, nơi chúng ta xây dựng Tòa Công sứ và một trạm hải quan. Bờ biển nơi này thật là thông thoáng, gần như lúc nào cũng có gió, nhờ đó không khí trong lành, và người Pháp thấy rằng đây là một nơi thuận lợi để sống.

Tỉnh Nha Trang, hay nói đúng hơn là tỉnh Khánh Hòa, không quá giàu cũng không quá đông dân. Dưới sự cai trị của triều đình An Nam cũ, xứ sở này thậm chí còn mang tiếng xấu, nhưng không phải vì đây là nơi lưu đày của những người sống ở miền Bắc và miền Trung của Đế chế An Nam. Vùng núi đồ sộ ở quá gần biển khiến đồng bằng trở nên nhỏ hẹp. Mảnh đất mặc dù màu mỡ, nhưng có ít dân cư, nói chính xác hơn là rất ít người ở.

Ngược lại, động vật lại đa dạng, và trước hết cần nói đến hổ, chúa sơn lâm ở châu Á. Chúng thống trị một cách tuyệt đối và không thể thách thức tại các vùng quanh Nha Trang và cả ở những vùng đất xa về phía bắc và phía nam. Nhưng sĩ quan đã từng cập tàu vào đây thời xưa không có nhiều thông tin về đất nước này, đã gọi khu vực này bằng cái tên “Vùng hổ.”

Nơi đây thuộc về những con hổ khi chúng tỉnh giấc ngủ ngày, khi mà ánh sáng mặt trời nhạt đi hoặc tắt hẳn, không còn khiến chúng chói mắt, đó là lúc chúng hoạt động, nói đúng hơn là lúc chúng săn mồi và tìm kiếm bạn tình. Một khi lãnh thổ đã thuộc về chúng, chẳng có gì khiến chúng e ngại hay dám khiến chúng phải e ngại. Ai muốn giữ mạng thì hãy chạy hoặc trốn. Máu chảy, thịt rơi dưới móng vuốt của lũ thú đói, tàn bạo, hung dữ hơn hẳn bất cứ loài nào khác. 

Lũ hổ giết chóc đế lấy thức ăn, và ngay cả khi hết cơn đói, chúng vẫn tiếp tục giết, cắn xé theo bản năng và hứng thú. Nếu chúng rơi vào giữa một bầy bò, ngựa hay bất cứ loài gì khác, nếu không có gì làm phiền chúng, thì sau khi đã giết một con để ăn thịt, chúng sẽ giết những con khác rồi bỏ đó. Dù đã no căng và thỏa thuê, nếu gặp một sinh vật trên đường, chúng vẫn sẽ nhảy tới và xé nạn nhân ra thành từng mảnh vụn.

Một số cảnh người dân bắt cọp
 Một số cảnh người dân bắt cọp

Ở Khánh Hòa, không thiếu động vật để săn bắt, nhất là những loài mà hổ ưa thích: hươu và công. Loài chim công là một món mồi ngon, một thứ thức ăn mà như người ta nói rất được vua ưa chuộng, tức là lũ hổ cũng vậy. Lũ công xuống đất tìm mồi, và không kịp bay lên khi con thú săn đã rình sẵn và tung mình đến bằng một cú vồ khủng khiếp.

Dù đói dù không, hổ giết người nếu người đó ở trong tầm săn mồi của nó. Mặc dù đã chú ý đề phòng và nỗi sợ hãi đã nhốt người dân trong nhà mỗi khi hoàng hôn buông xuống, số người An Nam chết vì hổ ở Khánh Hòa là rất đáng kể. Một người nông dân làm việc muộn trên đồng, lơ đãng khi chiều tắt nắng, khi hoàng hôn thay thế ánh sáng ban ngày, có thể bị hổ vồ trên đường về nhà. Thế là xong. 

Nếu con hổ đang đói, người đó sẽ may mắn được chết ngay bởi miếng đớp đầu tiên, một kết thúc nhanh chóng cho cái chết kinh hoàng. Nhưng nếu con hổ đã ăn rồi, và người đó không phải con mồi đầu tiên trong ngày hôm đó, cuộc giết chóc sẽ tàn ác hơn nhiều. Nó từ từ cắn, xé nạn nhân của mình, đôi khi vờn con mồi như con mèo vờn chuột. Kẻ xấu số sẽ phải hứng chịu nỗi sợ hãi khủng khiếp tận cùng dưới móng vuốt loài thú...

“Cuộc chiến” với con người

Tôi đã từng nhìn thấy cảnh tượng kinh hoàng do loài hổ gây ra. Lòng thù hận sâu sắc khiến người ta không chỉ muốn giết nó, mà còn muốn loài cầm thú này phải chịu đựng đau đớn thật lâu, thật tàn bạo. 

Trong một làng ở tỉnh Khánh Hòa, một chàng An Nam trai trẻ mới 18 đang đi làm về như mọi ngày, khi chiều vừa xuống. Những người lao động khác, trong đó có cha cậu cũng cùng về, đi trước cậu chỉ chừng trăm bước chân. Vài người quay lại để gọi cậu, bảo cậu đi lên cùng mọi người, ngay lúc đó họ chỉ kịp nhìn thấy một con hổ lao ra từ khu rừng gần đó, và chỉ bằng hai bước nhảy đã vồ được kẻ xấu số, ngoạm gáy cậu và tót vào rừng. 

Một tiếng kêu khủng khiếp, chỉ một tiếng duy nhất, kịp cất lên từ nạn nhân. Tất cả mọi người hoảng sợ, chạy về nhà mình, chỉ trừ một người, đó là cha của chàng trai. Ông như chết đứng tại chỗ, vừa khóc lóc, vừa rên rỉ, vò đầu bứt tóc, bất lực khi con trai phải chết dưới nanh vuốt loài cầm thú ngay trước mắt mình.

Rào tre quanh nhà để ngăn hổ dữ
Rào tre quanh nhà để ngăn hổ dữ

Vừa hay khi ấy có một toán lính trong làng, đó là một đội lính bản xứ, đang hành quân để đến Nha Trang trước đêm. Họ gồm khoảng 12 người, do một viên Đội chỉ huy. Người này là một cựu biệt kích. Những tiếng thét của những kẻ đang chạy trốn khiến ông lệnh cho toán lính dừng lại. Người ta kể cho ông nghe chuyện, cầu xin ông tiêu diệt con hổ để cứu nạn nhân, hay nếu đã quá muộn thì cũng để trừng phạt con hổ vì những tội lỗi mà nó đã gây ra.

Chưa đến 15 phút kể từ khi thảm cảnh xảy ra, những người lính mang súng trường đã tới trước vạt rừng nơi con hổ vồ người. Cha mẹ của chàng trai cũng theo đội lính, trong khi những người dân khác tụ tập một cách cẩn trọng phía sau. 

Nếu đúng như những gì người ta suy đoán, dựa vào thời điểm bất thường mà con hổ này săn mồi, thì nó đang quá đói, hẳn nó sẽ hưởng thụ bữa ăn ngay gần chỗ nó vồ người, trong khi quanh đó là đất trồng, còn những bụi cây và cánh rừng có thể ẩn náu thì cách khá xa chỗ đó. Suy đoán này chính xác. Con hổ còn chưa đi xa, nó đang tiêu hóa bữa ăn của mình. Thấy toán người đến, những đối thủ ốm yếu mà nó chưa bao giờ ngại, nó không chạy trốn.

Nó chưa từng thấy những con mồi mà nó thường gặp như những con hươu và con công tấn công lại, vậy làm sao nó biết được con người, mà với nó chỉ là con mồi thỉnh thoảng mới gặp bất chợt lại có thể làm điều đó. Nó cần nghỉ ngơi để tiêu hóa. Nó sẽ dùng đến nanh vuốt nếu lũ hai chân khinh suất đó tiến đến gần.

Căng da hổ
Căng da hổ

Và họ tới gần. Ông Đội cho lính dàn hàng ngang, ông đứng giữa, tất cả đều giương lê, súng đã lên đạn, ngón tay đặt lên cò. Họ tiến đến mép vạt rừng, và đứng yên một lúc. Ông Đội dò xét, lắng nghe và nhận ra ở giữa khoảng hẹp phủ kín cây cỏ có tiếng cành cây gãy, đó là con hổ đang thu mình chuẩn bị vồ. Ông Đội đưa tay dùng súng chỉ hướng cho lính.

“Bắn.” Ông hô lên.

Mười hai phát súng cùng lúc xé toạc không gian bằng một thanh âm cực lớn duy nhất, đáp lại là một tiếng gầm. Người ta nghe thấy tiếng cành cây gãy, một khối gì đó đang di chuyển, rồi hiện ra trong bóng hoàng hôn.

“Nạp đạn. Bắn!” Ông Đội ra lệnh

Một loạt súng mới vang lên.

“Nạp đạn.”

Các khẩu súng lên đạn, lưỡi lê đan chéo theo chiều ngang, những người quân nhân thận trọng tiến vào vạt rừng. Họ không còn phải ngại gì nữa. Con vật khổng lồ giãy giụa dưới đất, trong một vũng máu, đầu vỡ, thân xác thủng lỗ chỗ. Hầu như không viên đạn nào trượt. Loạt bắn đầu tiên, đúng vào lúc con vật hướng đầu về cuộc tấn công, và chuẩn bị tung mình, đã phá nát quai hàm nó, bắn thủng một mắt, rạch nát sọ. Con hổ bị đẩy lui và đổ vật sang một bên. Loạt đạn thứ hai xé nát bụng con vật. Loạt đạn đúp này, xét ra, đạt kết quả tuyệt vời. Ông Đội tự hào, và ông có lý để tự hào.

Không xa cái xác dài không dưới ba mét của con thú khổng lồ, người ta thấy phần còn lại của nạn nhân... Nhìn thấy cảnh đó, bố mẹ chàng trai điên cuồng vì đau đớn và giận dữ, gào thét bằng cả nỗi đau đớn và lòng căm hờn con thú dữ, chửi rủa, giẫm đạp nó, trách những người lính đã giết con hổ nhanh quá, không để lại cho họ một chút sự sống của con thú, để họ, cha mẹ của người bị sát hại, có thể tra tấn kẻ sát nhân.

“Đồ chó chết, đồ khốn kiếp!” Người cha gào lên, băm vằm con vật bằng con dao phát rừng của mình; con thú im lìm. “Trả con cho tao! Mày đã làm gì nó, đồ đáng nguyền rủa”. Trong bóng đêm dần buông, cảnh tượng đau buồn ấy khiến tất cả phải rùng mình kinh sợ.

Nỗi sợ của viên Công sứ tỉnh Nha Trang

Với người Pháp, lũ hổ cũng không tôn trọng hơn và thấy đó là con mồi ngon miệng không kém hơn so với người bản xứ. Người ta biết điều đó ở Nha Trang, sau khi hai công dân Pháp bị hổ vồ, cách nhau bốn hay năm năm. Người ta kể cho tôi nghe câu chuyện đau buồn về họ. 

Người đầu tiên là một chàng trai trẻ, khi đêm xuống anh ta đuổi theo người bạn và cố gắng bắt kịp người bạn trên đường. Lúc ấy đã khá tối trời, người ta bảo chàng trai đừng nên đi đâu. Người ta cũng cảnh báo chàng về mối hiểm nguy. Chàng trai trả lời bằng cách giơ cao khẩu súng ngắn mà mình được trang bị, có một vệ binh đi theo chàng, cũng cưỡi ngựa và được trang bị súng. Chàng trai lên đường, chạy trước, người lính theo sát. 

Một góc Nha Trang đầu thế kỷ 20
Một góc Nha Trang đầu thế kỷ 20

Nhưng chàng đi không được xa. Một con hổ lao vào chàng, quật chàng xuống chân ngựa và lôi vào bụi rậm gần đó. Chàng thậm chí không có thời gian để cầm lấy súng. Người lính cũng không kịp nổ súng. Anh ta mới chỉ kìm cương ngựa, và không thể làm gì hơn. Vài phút sau khi vó ngựa phi như điên, anh ta đã về Nha Trang và kể lại câu chuyện về chàng trai bất hạnh, chỉ vừa lên đường mà đã kết thúc hành trình. Trong khoảnh khắc ấy, con hổ đã biến mất trước khi anh ta kịp nhận thức được chuyện gì vừa xảy ra.

Một người Pháp nữa ở Nha Trang cũng bị hổ vồ khi đang đi trên đường vào cuối ngày. Anh ta cưỡi ngựa. Hai con hổ lao đến cùng lúc, một con vồ người, con kia vồ ngựa. Một người An Nam phía sau kịp chạy trốn. Trước khi bị tha đi, anh ta còn kịp bắn hai, ba phát bằng súng lục, nhưng vô ích. Người ta cũng thấy thật lạ thường khi có người bị hai con hổ tấn công cùng lúc. Rất hiếm khi thấy loài thú hung dữ này sống theo bầy đàn, chúng là những kẻ đơn độc.

Có thể hiểu tại sao nỗi sợ hổ đã ăn sâu vào những người dân Khánh Hòa. Trong hành trình của mình, tôi đã gặp một viên Công sứ người Pháp đã bị những vị tiền nhiệm dọa rằng những con mãnh thú đã tỏ ra đặc biệt dữ dằn, thù địch đối với những vị đại diện Pháp trong tỉnh của mình. Thấm nhuần tư tưởng đó, ông ta đã làm những gì cần thiết để chấm dứt truyền thống này và để không rơi vào móng vuốt của kẻ thù. Chẳng ai có thể kết tội ông. Nhưng sự thận trọng quá đáng của ông đã đến mức giống như một trò trẻ con.

Một ngày, tôi định đi thăm một cao nguyên trong dãy Trường Sơn thuộc tỉnh Khánh Hòa, đó là cao nguyên Lâm Viên, nơi tôi định xây dựng một trạm y tế, ở độ cao 1.500 mét. Tôi đi cùng với viên Công sứ nói trên, bác sĩ Yersin và Đại úy pháo binh Langlois. Tất cả chúng tôi đều cưỡi ngựa, trừ viên Công sứ ngồi kiệu.

Đó là một vùng đồi núi với đường lên gồ ghề, người ta phải leo qua những dãy núi chắn ngang, rồi lại xuống, rồi leo lên để cuối cùng đến được gờ cao nguyên, ở độ cao một 1.600 mét. Phần lớn thời gian hành trình, chúng tôi phải đi bộ và đôi khi phải giúp ngựa khỏi bị trượt trên những triền đá dốc cao. Ngài Công sứ mặc dù có nhiều phu khiêng kiệu dũng cảm, vẫn bị tụt lại phía sau. 

Bóng tối buông xuống. Chúng tôi cưỡi ngựa, bác sĩ Yersin, Đại úy Langlois và tôi lúc này không còn quan tâm đến gì trừ hổ. Chúng tôi không rời nhau, vì trong bóng tối, và với hiểu biết hạn chế của chúng tôi về đường đất, chúng tôi hoàn toàn có thể bị lạc.

Một đoàn thợ săn
Một đoàn thợ săn

Đi bộ cách khoảng ba, bốn cây số đằng sau nhóm chúng tôi là ngài Công sứ, ông ta vẫn không an tâm dù xung quanh là những phu khiêng kiệu và toán lính vệ binh. Ông cảm thấy lũ hổ đang lượn quanh, và tự nhủ rằng chính mình, vị Công sứ tỉnh Nha Trang, đang bị đe dọa nhiều nhất. Và chúng tôi nghe thấy từ xa, trong sự yên tĩnh của đêm, tiếng nổ của những loạt súng được bắn để xua đuổi lũ thú dữ cách xa khỏi ngài Công sứ.

Không có hộ tống và cả những loạt súng, chúng tôi tới nơi vào khoảng 10 giờ tối, phấn khởi và đói ngấu, còn ngài Công sứ, được bảo vệ quá kỹ, phải một giờ sau mới tới nơi; ông ta còn chưa hoàn hồn, kiệt sức và không thể cùng quay về với chúng tôi vào ngày hôm sau.

Cũng ở tỉnh này, vài tháng sau, tôi có dịp hiểu rõ hơn về cuộc săn mồi của hổ. Chính xác là ở cảng Dayot. Tàu hộ tống Kersaint đưa tôi vào vịnh, cùng với Đô đốc Hải quân Sài Gòn, Đại tá Reculoux, Tư lệnh Pháo binh, Đại tá Teillard và một phụ tá là Đại úy Langlois. Chúng tôi muốn khảo sát điều kiện thực tế cho việc xây dựng một quân cảng trong vịnh. Sau khi thăm quanh cảng Dayot, trong các vịnh nhỏ và lối qua lại, tàu Kersaint đưa chúng tôi lên bờ.

Chúng tôi lên đến điểm cao nhất, một vị trí thuận lợi để đặt các ụ pháo. Đằng sau là bãi cát rộng nơi chúng tôi xuống thuyền, trước mặt là khoảng xanh um, khi lên đến nơi thì những khoảng xanh đó hiện rõ là các bụi cây lẫn lộn cây gai và dây leo, tạo thành một vạt rừng rộng lớn gần như không thể tiến vào. Một số thủy thủ đi trước mở đường với những con dao phát trong tay. Đột nhiên họ khựng lại khi nhìn thấy trên cát những dấu hiệu rõ ràng. Đầu tiên là dấu chân hươu, và lác đác là dấu chân của một loài thú truy đuổi con hươu. 

Những người An Nam nhận ra dấu chân hổ, và dùng tay đo khoảng cách giữa các dấu chân để lại trên cát để suy ra kích cỡ của con thú. Con hổ này khá nhỏ, có vẻ chưa trưởng thành, có lẽ vì thế mà nó không vồ được con mồi ngay từ cú đầu tiên mà buộc phải đuổi theo. Ngoài ra, trời cũng còn khá sáng khiến con hổ chưa dồn được hết sức, thị lực sắc bén của nó hẳn cũng bị ảnh hưởng.

Chúng tôi đến bên rìa một khoảnh đất mà cây cối còn khá thưa thớt, đột nhiên một con hươu lao đến cực nhanh trong tình trạng sợ hãi đến mức không thấy chúng tôi hoặc thấy mà không sợ gì, nó lao vào giữa đám đông, xô ngã một người An Nam. 

Tiếng những cành cây bị giẫm gãy vang lên ngay sau đó, nhưng chúng tôi chẳng thấy gì nữa. Có lẽ là con hổ đã dừng lại, bối rối khi đánh hơi thấy sự xuất hiện của nhóm chúng tôi; chúng tôi quá đông và trời còn quá sáng khiến nó không dám tấn công. Rõ ràng là con hươu ngày hôm đó đã được cứu nhờ sự xuất hiện của con người”.

Hồi ức về Khánh Hòa xưa, Paul Doumer cũng viết: “Nha Trang được chờ đợi sẽ là nơi nổi tiếng; đây là nơi được bác sĩ Yersin chọn để gây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu vi khuẩn. Nhà bác học như Yersin, một con người vừa vĩ đại vừa giản dị và khiêm tốn, đã thực hiện những nghiên cứu về bệnh dịch hạch tại nơi đây và đưa ra được những kết quả đầu tiên khiến cả giới khoa học phải biết đến. Viện Pasteur ở Paris xem ông như một trong những thành viên kiệt xuất của mình.

Cho đến năm 1897, phòng thí nghiệm mà Yersin xây dựng ở Nha Trang còn vẫn còn trong tình trạng thai nghén: chỗ ở của vị giáo sư và các cộng sự thật tồi tệ; có lẽ một nhân viên văn phòng bên hải quan tuổi đôi mươi được cử đến một nơi rừng rú cũng phải từ chối sống trong một điều kiện tương tự.

Tình trạng tồi tệ đó kéo dài không quá lâu, nhưng đủ lâu để hạ gục một bác sĩ thú y tráng kiện gắn bó với phòng thí nghiệm, chúng ta sắp phải ân hận vì để mất ông. Từ sau 1897, bác sĩ Yersin mới có đủ kinh phí để trang bị và phát triển phòng thí nghiệm, xây dựng những tòa nhà quan trọng, biến nó thành một viện nghiên cứu đúng tầm cỡ với những gì ông theo đuổi… 

Bác sĩ Yersin thì luôn hạn chế hết sức các yêu cầu chi tiêu trong những đề nghị của mình. Thay vì cắt giảm ngân sách hằng năm, tôi luôn cố làm tăng những khoản mà ông ấy đăng ký cho dự án của mình. Còn về những nhu cầu, quyền lợi mang tính cá nhân của mình, thì ông ấy chẳng bao giờ đòi hỏi, thậm chí không biết về nó, và người ta có thể lờ đi quyền lợi của ông một cách dễ dàng. \

Phải sau một thời gian rất dài bám trụ với công việc, ông mới được ban cho một vài ân huệ dành cho những viên chức hạng hai. Tôi sẽ luôn nhớ đến bác sĩ Yersin, người mà tôi yêu mến nhiều hơn là ngưỡng mộ, với lòng trìu mến, mỗi khi tôi nhớ đến lần đầu tiên đến Nha Trang, nơi những công trình nghiên cứu đã làm cho nổi tiếng về sau.

Con tàu Manche thả neo trên vịnh Nha Trang khi mặt trời đã khuất sau đường chân trời từ một vài giờ trước.

Mỗi khi nhớ lại tôi đều thấy đó là những buổi tối tráng lệ tuyệt vời, với vẻ đẹp quyến rũ khôn tả. Ở cái góc biển nơi lục địa với những đỉnh cao nhất, của những hòn đảo đá và những rừng cây vây quanh tứ phía, trăng tỏa sáng, phủ lên vạn vật và mọi giống loài một thứ ánh sáng trắng, rực rỡ mà chỉ có mặt trăng nhiệt đới mới có thể có, tô điểm cho phong cảnh một vẻ ma mị, giống như khung cảnh thần tiên trong thế giới của các nàng tiên cá.

Mặt nước gợn sóng bởi một làn gió nhẹ, phản chiếu và lấp lánh muôn mặt, ánh sáng phản chiếu từ những con sóng lên mũi tàu, và trải khắp. Nha Trang với những ngọn núi, đảo và vịnh của mình trông như một hồ lớn, hiện ra trong màu trắng tinh như tuyết. Đó là vẻ đẹp vừa thanh thoát, yên bình, vừa siêu tưởng, như vượt lên vũ trụ; sự sống thanh bình ấy làm ta cảm thấy như đó là một thế giới khác. Hiếm khi nào cảnh tượng thiên nhiên đem lại cho tôi một ấn tượng vừa dịu dàng, vừa mãnh liệt lại vừa bâng khuâng, với nhiều cảm xúc đến thế…

Ban ngày, Nha Trang trông khác hẳn, và cũng rất đẹp. Bức tranh sắc nét hơn với nhiều màu sắc. Đó là một góc đẹp của thế giới, niềm nở và đáng yêu, không hề hẹp hòi cũng không giả tạo. Rất nhiều người đi qua Đông Dương sẽ cư trú ở đây, nếu họ được chọn”.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.