[links()]Sau khi PLVN Online có bài viết phản ảnh những hệ lụy khôn lường từ dự án đường Nha Trang- Đà Lạt bị "quy hoạch treo", trả lời phóng viên, ông Huỳnh Hòa- Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình giao thông và thủy lợi tỉnh Khánh Hòa cho biết, từ nay tới cuối năm tỉnh này sẽ “thắt lưng buộc bụng” để góp tiền làm dự án.
Điều chỉnh dự án
Quy hoạch thời điểm 2008, đoạn cuối đường Nha Trang (dự án Cầu Lùng- Cao Bá Quạt) được phê duyệt có tổng mức đầu tư hơn 960 tỉ đồng. Theo quy hoạch của UBND tỉnh Khánh Hòa, dự án này là đường đô thị cấp II, ăn sâu vào hai bên 150m nhằm lấy đất đổi hạ tầng. Tuy nhiên, theo phương án này thì chi phí cho đền bù giải phóng mặt bằng thu hồi đất rất lớn. Trong khi tình hình thị trường bất động sản ế ẩm kéo dài nhiều năm nay sẽ là rào cản lớn trong việc thu hồi vốn.
“Do vậy, chủ trương của tỉnh Khánh Hòa là sẽ điều chỉnh dự án cho phù hợp với tính hình bố trí vốn đầu tư cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương”, ông Hòa nói.
Cuối tháng 5.2013, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đoạn cuối đường Đà Lạt- Nha Trang (đoạn Cầu Lùng- Cao Bá Quát) theo hướng điều chỉnh quy mô dự án.
Theo đó, dự án vẫn là đường đô thị cấp 2 nhưng “bỏ qua” phần mở rộng 150m ra hai bên lề đường để giảm chi phí giải phóng mặt bằng thu hồi đất. Theo dự kiến, dù chiều dài gần 10km nhưng đoạn đường này sẽ có 5 chiếc cầu, gồm cả cầu vượt sông và cầu vượt đường sắt...
Tỉnh Khánh Hòa khẳng định sẽ quyết tâm hoàn thành nốt đoạn đường cụt đầy hệ lụy trên tuyến đường Nha Trang- Đà Lạt |
Trao đổi với PV, ông Hòa nói: “Thực ra tác động tiêu cực do việc treo dự án đã được người dân, chính quyền các địa phương (huyện Diên Khánh và TP. Nha Trang-PV) kêu từ nhiều năm trước. Tại nhiều cuộc họp, lãnh đạo tỉnh thống nhất là phải làm bằng được chứ không thể treo thế này mãi, song điều kiện tiên quyết là vốn cho dự án chưa bố trí được. Đây là những nguyên nhân khách quan ngoài ý chí của tỉnh”.
Cũng theo ông Hòa:“ Theo quan điểm của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa thì dự án này phải làm càng sớm càng tốt, nhanh chóng đưa vào sử dụng để có thể triển khai các dự án theo quy hoạch chung khu đô thị phía tây thành phố Nha Trang đã được phê duyệt, đồng thời làm cơ sở cho việc quản lý xây dựng trên địa bàn”,
Quyết tâm tái khởi động dự án "treo" vào cuối năm nay?
Ngày 31.7, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản số 4269 cho chủ trương về nguồn vốn và thực hiện dự án. Theo đó,UBND tỉnh giao các cơ quan liên quan nghiên cứu lập phương án bồi thường giải tỏa mặt bằng dự án.
Ngoài việc thu hẹp quy mô về giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng theo từng giai đoạn nhằm phù hợp với khả năng cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách và tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ dự án.
Theo Ban quản lý dự án các công trình giao thông và thủy lợi tỉnh Khánh Hòa, phạm vi giải tỏa của dự án Cầu Lùng- Cao Bá Quạt này sẽ chia thành hai giai đoạn gồm: Đoạn từ Cao Bá Quát đến cầu Quán Trường chỉ giải tỏa 22,5m tính từ tim đường. Đoạn từ cầu Quán Trường đến nút giao tiếp giáp QL 1A có chỉ giới giải tỏa 60m tính từ tim đường. Trong quy hoạch, đoạn đường này có 4 làn xe và có đường riêng cho xe bus.
Để giải quyết bài toán tài chính, tỉnh Khánh Hòa đã đưa ra phương án huy động vốn từ nhiều nguồn theo phương châm Trung ương và địa phương cùng làm. Trong đó, tiếp tục nguồn vốn trái phiếu chính phủ theo công văn số 2452 /TTg-KTN ngày 9-12-2009 của Thủ tướng Chính phủ; Huy động vốn từ nhà thầu theo phương thức ứng vốn thi công trước không tính lãi( phần vốn này chủ yếu thực hiện cho các hạng mục xây lắp của dự án). Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa cũng dự kiến sẽ tự huy động một phần từ ngân sách để góp sức giải phóng mặt bằng dự án.
Với quyết tâm tái khởi động dự án UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Sở kế hoạch và đầu tư, Ban quản lý dự án các công trình giao thông và thủy lợi phải khẩn trương hoàn tất các thủ tục để trình UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư, các thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu để có thể khởi công xây dựng dự án chậm nhất là ngày 31-12-2013.
Doanh Thương