Theo kế hoạch, để thực hiện có hiệu quả dự án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Khánh Hòa sẽ phục dựng 5 lễ hội truyền thống tiêu biểu để khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch, gồm: Lễ Bỏ mả, Lễ Ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai ở huyện Khánh Sơn; Lễ Ăn đầu lúa mới của người Raglai ở huyện Khánh Vĩnh; Lễ Cưới hỏi của người T’rin ở huyện Khánh Vĩnh; Lễ hội Cúng bến nước của người Ê Đê ở xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa).
Xây dựng 3 mô hình bảo vệ, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Trong đó, 1 mô hình trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc thù, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Lễ Bỏ mả của dân tộc thiểu số Raglai gắn với tiềm năng, di tích lịch sử văn hóa, danh thắng huyện Khánh Sơn; 1 mô hình di sản văn hóa kết nối gắn với tiềm năng, các hành trình du lịch di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa danh thắng, căn cứ cách mạng để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản văn hóa tương đồng tại huyện Khánh Vĩnh; 1 mô hình xây dựng đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với tiềm năng, phục hồi, bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống dân tộc thiểu số Ê Đê tại xã Ninh Tây.
Hỗ trợ đầu tư xây dựng 3 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại 3 địa phương (Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Ranh) với các nội dung: hỗ trợ xây dựng/thiết kế nhà vệ sinh đạt chuẩn phù hợp với địa phương, thùng rác công cộng; trang bị nhạc cụ/đạo cụ biểu diễn, sưu tầm/phục chế/phục dựng hiện vật; hỗ trợ xây dựng nhà trưng bày, thiết kế/lắp đặt biển chỉ dẫn, xây dựng trung tâm thông tin; hỗ trợ phục dựng cảnh quan, đường dạo nội bộ, điện chiếu sáng, sơ đồ tour/tuyến, biển hiệu…
UBND tỉnh Khánh Hòa giao các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan khảo sát đánh giá, kiểm kê di sản văn hóa truyền thống ở cộng đồng; báo cáo đánh giá kết quả kiểm kê, đề xuất công tác, biện pháp bảo vệ di sản văn hóa truyền thống; xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận.
Đồng thời, tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể và kỹ năng phục vụ khách du lịch (chế biến món ăn, hướng dẫn và phục vụ lưu trú, điều hành tour, phục vụ du lịch) cho các nghệ nhân, già làng, trưởng thôn/bản, người có uy tín và đồng bào dân tộc thiểu số; cộng đồng dân cư các điểm đến du lịch; cán bộ, công chức làm công tác văn hóa, thể thao, du lịch và các lĩnh vực có liên quan; các đơn vị, hộ kinh doanh, doanh nghiệp du lịch tại địa phương…
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu