1. Bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung và về vấn đề nhà nước nói riêng không phải là sự ngộ nhận hay duy tình mà được kiểm nghiệm bằng kết quả đem lại từ các cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) và nhà nước XHCN hiện thực. Trong đó, tính khoa học của các luận điểm về nhà nước của chủ nghĩa Mác - Lênin biểu hiện ở chỗ: với bất kỳ luận điểm nào cũng dựa trên những nghiên cứu tỉ mỉ, so sánh, đối chiếu với các quan điểm, tiền đề lý luận khoa học trước đó và cùng thời và quan trọng nhất là thực tiễn. Dù có nhiều trường phái lý luận khác phản bác, bôi nhọ, xuyên tạc hay phá hoại, nhưng những quan điểm mang tính duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của các ông vẫn đứng vững và là cơ sở, nền tảng cho các nhà lý luận, các nhà hoạt động cách mạng sau này học tập và phát triển hơn nữa. Vì thế, nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, vấn đề nhà nước nói riêng dựa trên điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) hiện thực.
Cùng với đó, tính cách mạng của những luận điểm về nhà nước của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin có sự khác biệt về chất, tính vượt trội và triệt để so với hệ thống quan điểm của các nhà tư tưởng trước đó và cùng thời. Những quan điểm, quan niệm này được vận dụng ngay vào các phong trào cách mạng của quần chúng lao động, của giai cấp vô sản, chỉ đạo phong trào cách mạng để làm nên những thành công bước đầu hoặc từ đó nảy sinh những vấn đề mới cần nghiên cứu, bổ sung, vì thế nó có tính cách mạng.
Tính khoa học và cách mạng không tồn tại tách rời, độc lập với nhau mà cả hai giá trị này cùng tồn tại thống nhất, biện chứng, tính khoa học làm tiền đề cho tính cách mạng và ngược lại. Bởi vậy, bản thân Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “Lý luận của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà người ta phải học thuộc lòng và lặp lại một cách máy móc”. V.I.Lênin cũng nhấn mạnh: “Chính vì chủ nghĩa Mác không phải là một giáo điều chết cứng, một học thuyết nào đó đã hoàn thành hẳn, có sẵn đâu vào đấy, bất di bất dịch, mà là một kim chỉ nam sinh động cho hành động, chính vì thế nó không thể không phản ánh sự biến đổi mạnh mẽ của điều kiện sinh hoạt xã hội”.
2. Những quan điểm của chủ nghĩa chủ nghĩa Mác - Lênin về nguồn gốc, bản chất, chức năng của nhà nước được luận giải trên cơ sở khoa học, đó là sự kế thừa những thành tựu khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn của nhân loại đến thế kỷ XIX, XX. Các nhà kinh điển mác - xít đã vận dụng những thành tựu khoa học này để lý giải những vấn đề về nhà nước (nguồn gốc, bản chất, chức năng) bằng cơ sở KT-XH hiện thực. Điều này hoàn toàn đối lập với các lý thuyết phi mác - xít luận giải về nhà nước, bởi học giả của các lý thuyết này hoặc rơi vào duy tâm hoặc siêu hình hay cả hai.
Những luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về nhà nước là vũ khí cho giai cấp vô sản đấu tranh, tiến hành cuộc cách mạng XHCN, trong đó: về tư tưởng, lý luận, đây là “kim chỉ nam” cho các giai cấp công nhân và nhân dân lao động tin tưởng vào con đường cách mạng vô sản do các nhà kinh điển mác - xít vạch ra và mô hình về nhà nước trong tương lai mà giai cấp công nhân và nhân dân lao động xây dựng - đó là nhà nước XHCN. Về mặt thực tiễn, đây là vũ khí lý luận sắc bén để giai cấp vô sản đánh đổ các học thuyết không tưởng nói chung và các luận điểm phi mác - xít về nguồn gốc, bản chất, chức năng của nhà nước và đây còn là công cụ cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động thực hiện cải tạo xã hội, xây dựng xã hội XHCN và sau đó là cộng sản chủ nghĩa.
Quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin về nguồn gốc, bản chất, chức năng của nhà nước có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn đối với phong trào cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng XHCN. Trước hết, chủ nghĩa Mác - Lênin lý giải một cách cặn kẽ, khoa học sự ra đời, tồn tại, phát triển và tiêu vong của nhà nước, đây là quá trình lịch sử - tự nhiên, vì thế quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước hiện thực phải trên cơ sở quy luật này và không nằm ngoài quy luật khách quan này.
Ngoài ra, học thuyết đó phê phán chủ nghĩa tư bản sâu sắc và triệt để nhất trên quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Điều đó khiến cho giai cấp tư sản hận thù chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm ra các giải pháp cứu vãn thể chế của mình bằng cách đưa ra các lý thuyết về nhà nước không biên giới, nhà nước phúc lợi chung, nhà nước đa nguyên không có giai cấp... để điều hòa các mâu thuẫn xã hội và mâu thuẫn giai cấp. Ở đây cần thấy rõ nhiệm vụ của công tác lý luận là tiếp tục khẳng định về tính giai cấp là một trong những bản chất quan trọng, quyết định của nhà nước là không thay đổi, từ đó xác định đúng đắn ý nghĩa của cuộc đấu tranh “ai thắng ai” trong bối cảnh của thế kỷ XXI.
Nhận thức đúng về bản chất của nhà nước trong bối cảnh mới sẽ không bị rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong tư tưởng của cán bộ, đảng viên, nhất là những người dễ dao động khi chỉ nhìn phiến diện về nhà nước tư sản (thích nghi khá nhanh với những biến đổi của tình hình) mà không thấy mặt trái của nhà nước tư sản (xuất phát từ tính giai cấp của nhà nước tư sản).
Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về nhà nước cũng như các yếu tố khác trong ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác-Lênin không phải là một hệ thống lý luận đóng, khô cứng hay là một hệ thống tri thức cố định, một lý thuyết giáo điều, mà ngược lại, thể hiện tính sáng tạo và khả năng phát triển trong tiến trình lịch sử mà những người kế tục xứng đáng đã làm nên điều đó. Do vậy, sự sáng tạo của các đảng cộng sản cầm quyền hoặc đang lãnh đạo các phong trào đấu tranh ở các nước tư bản là rất quan trọng.
3. Những quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin về nhà nước XHCN như: sự ra đời của nhà nước XHCN, chức năng nhà nước XHCN, nhà nước XHCN là nhà nước “nửa nhà nước”, nhà nước “tự tiêu vong”, v.v… là cơ sở khoa học để minh chứng rõ sự ra đời của nhà nước XHCN là tất yếu lịch sử, là “bước chuyển giao” để xã hội phát triển đến thời kỳ không còn nhà nước nữa. Để thực hiện được mục tiêu này, vai trò của Đảng Cộng sản cầm quyền và lãnh đạo nhà nước là vô cùng quan trọng, vì thế đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản cầm quyền toàn diện đối với nhà nước, công tác cán bộ, kiểm tra, giám sát, v.v... trở thành nhân tố tiên quyết cho sự thắng lợi cách mạng XHCN.
Hơn nữa, những quan điểm này đã trở thành cơ sở lý luận cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động chống chủ nghĩa thực dân và đế quốc, bằng lý luận này, chủ nghĩa Mác-Lênin chứng minh cho nhân loại thấy rằng, mặc dù nhà nước tư sản có rất nhiều sự tiến bộ so với nhà nước trước đó và hiện nay nhà nước tư sản vẫn tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh để thực hiện tốt chức năng xã hội của mình nhằm che đậy “tính giai cấp” của mình, nhưng rõ ràng, sự che đậy đó vẫn không xóa bỏ được bản chất bóc lột, bất công, vi phạm quyền con người của nhà nước tư sản.
Ngoài ra, lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin về nhà nước XHCN cũng chỉ rõ cho nhân loại thấy rằng, chính nhà nước tư sản đã và đang tạo dựng cơ sở hạ tầng cho xã hội tương lai phủ định xã hội tư bản, đó là xã hội XHCN mà nhà nước XHCN chính là nâng thang phát triển “tột cùng” của quá trình phát triển nhà nước, trước khi chuyển sang thiết chế xã hội đặc biệt, đó là thiết chế chỉ thực hiện duy nhất chức năng xã hội và mang bản chất xã hội; là thiết chế tự quản trong xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề nhà nước có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hệ thống học thuyết Mác - Lênin, đây không chỉ là “vũ khí” đấu tranh giai cấp sắc bén mà còn là những chỉ dẫn, chỉ báo để đưa người dân từ thân phận nô lệ, bị áp bức bóc lột trở thành người chủ thực sự của nhà nước, xã hội và làm chủ vận mệnh dân tộc mình (thực tiễn các nước đi theo con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa đã minh chứng rõ nét cho điều này) và tiến tới đưa xã hội loài người thoát khỏi những áp bức, bóc lộc, bất công, bất hạnh thực sự - điều mà nhân loại vẫn phải đấu tranh cho đến hiện nay.
Những nguyên lý đó là những quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
PGS, TS. Trương Hồ Hải, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh