“Thẻ căn cước” của dân tộc đang bị mai một?
Văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống là văn hóa gốc của dân tộc, sinh ra cùng với đời sống lao động của quần chúng nhân dân. Trải qua hàng ngàn năm, ông cha ta đã để lại một kho tàng đồ sộ các giá trị văn hóa nghệ thuật phong phú như ca dao, hò vè, các tín ngưỡng dân gian, các lễ hội, các loại hình diễn xướng như múa rối, ca trù, trống quân, hát xẩm… và rất nhiều nghề thủ công truyền thống.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay, Việt Nam có một nền văn hóa giàu có, độc đáo và đa dạng được hình thành qua nhiều thế kỷ. Điều này được biểu hiện qua sự phong phú của nhiều ngành nghề thủ công, nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, nghệ thuật, kiến trúc, lễ hội độc đáo của 54 tộc người. Trong những năm gần đây, vốn di sản văn hóa phong phú và đặc sắc của Việt Nam bắt đầu được phục hồi và ghi nhận bởi các tổ chức quốc tế.
Theo TS.Trần Hữu Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhấn mạnh, bản sắc của mỗi tộc người, hay mỗi dân tộc đều được hình thành từ ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng… Sự khác biệt này cũng là dấu hiệu để nhận biết và phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Chính vì thế, bản sắc của văn hóa dân tộc vẫn thường được gọi là “thẻ căn cước” về tộc người, khi bước ra thế giới thì đây cũng chính là “mã định danh” để nhìn vào đó người ta có thể dễ dàng nhận ra đó là dân tộc nào.
Đứng trước sự bùng nổ của mạng internet và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, nước ta đang đối mặt với những tác động vô cùng mạnh mẽ, đặc biệt là nguy cơ mai một văn hóa dân tộc, xói mòn các giá trị nhân bản của cha ông để lại. Nhiều dân tộc đã không còn chữ viết, tiếng nói, trang phục…, tình trạng thương mại hóa, biến tướng, lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi... có chiều hướng gia tăng, giới trẻ quay lưng và không còn mặn mà với văn hóa dân tộc... thực trạng này khiến những nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật lo ngại.
Đời sống xã hội diễn ra không ít sự đảo lộn các giá trị văn hóa, trong đó các giá trị văn hóa tốt đẹp, truyền thống như trọng tình nghĩa, ưu tiên về mặt đạo đức, vị tha, trung thực... bị lấn lướt, xâm hại, sự lên ngôi của những giá trị ngoại lai, xa lạ trong một bộ phận quần chúng, sự lộn xộn, lúng túng, bị động, không bình yên trong đời sống tinh thần, trong lối sống và thị hiếu, trong đạo đức…
Mảng nghệ thuật dường như lại quá coi trọng chức năng giải trí. Có thời điểm trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng phải gióng lên hồi chuông báo động về một số cuốn sách chạy theo thị hiếu thấp kém, phản văn hóa. Ở đó, nhân danh cách tân, đổi mới, một số người ca tụng lối viết bí hiểm, rắc rối, tù mù, đánh đố… Thái độ sùng ngoại biểu hiện song song với việc chê bai, bỉ bôi, hạ thấp văn học truyền thống. Nguy hại hơn là coi thường, công kích các giá trị tiêu biểu của nghệ thuật kháng chiến, hoặc mượn chữ nghĩa văn chương để bôi lem, làm xấu hình ảnh một số anh hùng, danh nhân của đất nước.
Bên cạnh đó, chúng ta thấy một hiện tượng đáng báo động của giới trẻ trong việc hội nhập, tiếp thu văn hóa thế giới, du nhập những hoạt động văn hóa tiêu cực, không phù hợp thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Không ít sinh viên đang ngày đêm cuốn vào các trò chơi điện tử, online mang nặng tính bạo lực, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, thời gian học tập. Có những người say mê với các ấn phẩm, văn hóa phẩm không lành mạnh, độc hại, dẫn đến những hành động suy đồi đạo đức, vi phạm pháp luật.
Khó có thể liệt kê, kiểm đếm hết những biểu hiện “lệch chuẩn” văn hóa nhưng vẫn có thể nói rằng sự “lệch chuẩn” ấy là mối nguy hại không hề nhỏ của đất nước, của dân tộc. Đó là một thứ vi-rút gây hại cho đời sống văn hóa tinh thần của xã hội, cần phải ngăn chặn, bài trừ.
Giới trẻ đừng “đứng ngoài” việc giữ gìn bản sắc văn hóa
Bản lĩnh, ý thức tìm hiểu còn hạn chế của giới trẻ trước những loại hình hoạt động văn hóa, nghệ thuật khác nhau cũng là một trong những nguyên nhân “đứng ngoài” việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Trong thực tế cuộc sống, một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật không còn phù hợp với sở thích của tuổi trẻ, cho nên giới trẻ và sinh viên phải tìm đến với những loại hình nghệ thuật du nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, các loại hình này lại chưa được chọn lọc trước khi tràn lan trong xã hội. Công tác quản lý của các ban, ngành chức năng chưa thật sự có hiệu quả trong việc khắc phục thực trạng này.
Lễ Xăng Khan của dân tộc Thái. |
Chị Lê Thị Thảo - cán bộ Thành đoàn Hà Tĩnh trăn trở: “Hiện vẫn có nhiều bạn trẻ có cái nhìn xa lạ với văn hóa dân tộc. Họ đang thiếu định hướng của người lớn trong khi lại dễ bị ngả theo tâm lý đám đông mà không biết cái đó có hại như thế nào. Thành đoàn đã và đang tìm những địa chỉ văn hóa tin cậy, chính thống để hướng giới trẻ tìm đến. Đặc biệt, chúng tôi truyền đạt liên tục bằng những hình thức sinh động, vui nhộn và thiết thực về bản sắc văn hóa dân tộc để các bạn hiểu, từ hiểu mới đến yêu và giữ gìn, phát huy”. Cũng theo chị Thảo, để làm được điều đó, bản thân người thanh niên phải có nhận thức sâu sắc, đúng đắn về vai trò của mình trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Muốn vậy, cần phải có lối sống trong sạch, lành mạnh, sống có lý tưởng, luôn rèn luyện, trau dồi đạo đức để trở thành người có ích cho xã hội.
Phan Thị Ngọc (xã Sơn Hà, Hương Sơn, Hà Tĩnh đưa ra gợi mở, các cấp, ngành cần đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả… làm cho các giá trị văn hóa đi vào mọi mặt đời sống, được thể hiện cụ thể trong sinh hoạt, quan hệ hằng ngày của cộng đồng và từng người để đẩy lùi những ảnh hưởng xấu. Tiếp tục đẩy mạnh việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lối sống có văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trong giới trẻ. Đồng thời, ngăn chặn và đẩy lùi các hủ tục, bạo lực, tệ nạn ma túy, cờ bạc… góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa, con người Việt Nam, góp phần giáo dục thế hệ trẻ.
Văn hóa Việt Nam cần phải tỏa sáng bởi những giá trị tốt đẹp của kết hợp sự tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại.
GS.TS Đinh Xuân Dũng cho rằng, không đơn thuần chỉ là vấn đề bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa của từng dân tộc trước tác động của toàn cầu hóa, mà còn có những vấn đề lớn hơn, sâu hơn: phát huy bản sắc dân tộc trong chính quá trình giao lưu, hợp tác văn hóa, phát triển và tự làm giàu có mình hơn, phong phú, hiện đại hơn trong quá trình chủ động giao tiếp và tiếp nhận, “cho và nhận” về mặt văn hóa. Không nhận biết sâu và biện chứng quá trình trên sẽ dẫn tới một cách nhìn phiến diện, với khuynh hướng bảo thủ cho rằng, để đối phó với toàn cầu hóa, mỗi dân tộc trong khi mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, phải đóng cửa về văn hóa, “khư khư” giữ gìn, bảo vệ các bản sắc riêng của mình, không chấp nhận cả cho và nhận, vốn là một quy luật nội tại của sự tồn tại và phát triển của mỗi nền văn hóa dân tộc. Hội nhập và giao lưu văn hóa không phải là phép cộng các yếu tố văn hóa bên trong và các yếu tố văn hóa bên ngoài, mà phải là quá trình tích hợp biện chứng, sinh động, nhuần nhuyễn để tạo ra một nền văn hóa thuần Việt Nam. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì: Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần “thuần tuý Việt Nam”. Bản chất thực sự tốt đẹp của giao lưu văn hóa quốc tế, giữa các nền văn hóa với nhau thể hiện ở sự đối thoại bình đẳng và rộng mở.