Nhưng một lần cháu chị kể lại, chị mới tá hỏa khi biết con mình thường xuyên chia sẻ những video clip về những trò thách thức ngông cuồng, nguy hiểm trên Facebook, trong đó có clip con chị cùng bạn bè hưởng ứng một trò chơi nước ngoài, đứng ở lề đường nhảy múa song song với xe cộ đi lại.
Chị lén lục trên Facebook của con và sợ điếng người khi thấy một đoạn clip quay cảnh con đang nhảy hip hop cạnh một chiếc xe ô tô ở một đoạn đường trông như xa lộ.
Sau khi tìm đủ cách từ năn nỉ đến giận dữ thì cậu con trai cũng “khai”, đó là một trò chơi xuất phát từ Mỹ, người chơi phải thực hiện thách thức là nhảy từ trên ô tô xuống trong lúc xe đang chạy, rồi nhảy nhót theo điệu nhạc phát ra trên ô tô và vừa nhảy vừa tiến về phía trước, không được để ô tô bỏ lại.
Thích thú trước trò chơi này, cậu con trai cùng đám bạn học theo, vì không có ô tô để chơi nên dùng cách ra xa lộ để đứng bên lề đường, nhảy múa theo ô tô đang chạy, thách thức với tính mạng của mình.
Chị H cũng thực sự sợ hãi khi nghe con thú nhận, nhóm bạn của cậu được bạn bè trong trường coi như “anh hùng” vì đi đầu khởi xướng nhiều trào lưu của nước ngoài vào Việt Nam như rooftopping (chụp ảnh tự sướng tại những nơi có độ cao và nguy hiểm không cần bảo hộ), thậm chí, cậu bé chia sẻ nhóm bạn cậu đang dự định thực hiện trò chơi ngông ăn bột giặt đang lan truyền từ Mỹ về cho bạn bè “lác mắt”.
Năm ngoái, một nhóm thanh niên Việt Nam đã đăng tải lên mạng một clip 16 phút ghi lại hành trình leo lên nóc nhà 38 tầng, cao 158m ở quận Bình Thạnh, TP HCM.
Tại đây, họ có những hành vi nguy hiểm như đứng trên mép của sân thượng, nhào lộn, nhảy múa trên nóc nhà khiến người xem thấy hoảng hồn thay. Không ít bình luận bên dưới tài khoản đăng tải thể hiện sự cổ vũ và muốn “thử sức”. Nhiều bình luận của các bạn trẻ chỉ mới cấp 2 cho rằng “chơi thế mới thú”, rằng “không thua gì bọn Tây” hay “anh tài là đây!”.
Có thể thấy, với những người trẻ tham gia hoặc hưởng ứng các trò chơi, các thử thách nguy hiểm, đã có phần nào sự lệch lạc trong nhận thức của họ. Không tìm được mục tiêu sống, thiếu đi hướng sống lành mạnh, người trẻ rất dễ sa vào các trò chơi hiểm họa, để rồi đánh mất tương lai của mình.
Thay vì tìm kiếm sự ngưỡng mộ trong học tập, trong lối sống lành mạnh, niềm vui bình thường cùng bạn bè, nhiều bạn trẻ lại muốn biến mình thành những “người hùng”, siêu nhân hoặc những kẻ nổi loạn trong mắt mọi người. Nếu không có sự để tâm, kịp thời điều chỉnh, uốn nắn, sự lệch lạc này còn có thể đưa các em đi xa hơn trên con đường sai trái.