Khi được hỏi tại sao biết chắc không được giảm án thì kháng cáo chi cho mệt sức, Phác giãi bày một cách thành thật: “Bị cáo cứ kháng cáo để được nghỉ cải tạo ra tòa lại được gặp người thân gia đình…”
Hình minh họa. |
Sáng 30/10/2012, TAND tỉnh Quảng Bình mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Trần Đức Phác (SN 1994, ở tiểu khu Diêm Nam, phường Đức Ninh Đông, TP Đồng Hới, Quảng Bình) về tội “Cướp giật tài sản” do có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Phác.
Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo Trần Đức Phác trình bày, do có nhiều đồng phạm trong vụ án và bản thân bị cáo không phải là nhân thân xấu nên lẽ ra phải được nhận mức án nhẹ như người này, người kia thì mới công bằng. Tuy nhiên, HĐXX đã giải thích cho Phác hiểu rõ mức án 3 năm tù mà cấp sơ thẩm tuyên là đã cân nhắc đến tất cả các tình tiết giảm nhẹ đó và hỏi bị cáo xem tại phiên phúc thẩm này, bị cáo có thêm tình tiết giảm nhẹ mới nào không?. Phác im lặng. Nhận định rằng, nội dung mà bị cáo Trần Đức Phác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt hoàn toàn không có cơ sở để xem xét nên Tòa tuyên y án sơ thẩm 3 năm tù với Trần Đức Phác.
Bị tuyên y án sơ thẩm nhưng Phác vẫn cười rất tươi, như đã đoán biết trước được kết cục này. Khi được hỏi tại sao biết chắc không được giảm án thì kháng cáo chi cho mệt sức, Phác giãi bày một cách thành thật: “Bị cáo cứ kháng cáo để được nghỉ cải tạo ra tòa lại được gặp người thân gia đình…”
Chuyện xảy ra như trên là điều không hiếm đối với nhiều phiên toà hiện nay, nhiều bị cáo đâm đơn kháng cáo theo kiểu cầu may, được giảm án thì tốt mà không được thì mức án vẫn giữ nguyên, chẳng thiệt hại gì. Chưa kể, nhờ có kháng cáo mà bị cáo được trích xuất ra hầu tòa phúc thẩm, tranh thủ được thời gian nghỉ lao động, cải tạo theo chế độ và nhất là lại được dịp gặp được người thân, ngắm thế giới bên ngoài. Chẳng có sung sướng nào hơn!.
Một giám thị trại giam cho rằng, lâu nay biết rõ có xảy ra tình trạng trên nhưng luật đã quy định về quyền được kháng cáo trong thời hạn luật định của bị cáo thì cơ quan pháp luật vẫn phải tạo điều kiện để họ thực hiện quyền đó. Dẫu biết rằng, hệ lụy của cái sự vô tư “kháng cáo cầu may” đó là Nhà nước phải tốn kém rất nhiều thời gian, công sức và chi phí tố tụng, chẳng biết các bị cáo đó có hiểu cho?.
Mõ Tòa