Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết sẽ tiến hành đắp đập ngăn mặn cách cống Trùm Thuật Nam (cống Trùm Thuật A) khoảng 70 mét bên trong vùng ngọt để ngăn chặn nước mặn xâm nhập. Bên cạnh đó, dùng máy bơm, bơm nước mặn bên trong cống ra ngoài sông Ông Đốc. Dùng cừ tràm cột lại thành vĩ kết hợp bao cát, đất để chắn ngang vị trí xoáy lở, ngăn nước mặn. Đồng thời, tiến hành đo độ mặn thông báo cho người dân biết, không lấy nước tưới rau màu, dẫn vào đồng ruộng.
Ngành chức năng khẩn trương khắc phục sự cố nước mặn tràn vào các xã ngọt hóa huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau |
Trước đó, sáng 15/1, nước mặn tràn vào cống Trùm Thuật Nam làm cho mực nước sông dâng cao từ 15 - 20 cm. Đây là cống ngăn mặn giữ ngọt có vị trí chiến lược cho vùng ngọt hóa thuộc tiểu vùng III- Bắc Cà Mau, với tổng diện tích hơn 50.000 ha. Tình trạng trên đã trực tiếp đe dọa đến hàng chục ngàn hec ta lúa đông - xuân và hoa màu của người dân.
Trước tình hình trên, UBND xã đã phối với cùng các ngành chức năng tìm giải pháp gia cố khắc phục tạm thời và dùng phương tiện bơm nước mặn ra ngoài không cho nước mặn tiếp tục tràn vào vùng ngọt hóa. Mực nước dưới các tuyến kênh vùng ngọt hóa trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã khô kiệt, gây nên tình trạng sụt lún đất khá nghiêm trọng dọc theo tuyến kênh, gây hư hỏng lộ giao thông nông thôn. Trong đó, huyện Trần Văn Thời là một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn nhất trước tình trạng trên.
Theo thống kê từ UBND huyện Trần Văn Thời, hiện tại các vùng sản xuất lúa - tôm, độ mặn tăng cao đã gây thiệt hại 327,3ha, tập trung tại hai xã Lợi An và Phong Lạc. Cùng với đó, huyện có khoảng 150ha lúa vụ Đông - Xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh bị thiếu nước nghiêm trọng, khả năng thiệt hại hoàn toàn là khó tránh khỏi.
Ông Lê Phong - Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) cho biết: “Hiện tại đóng các cống tiểu vùng tại xã Khánh Hải, không để nước mặn tràn vào các xã lân cận. Mặt khác, chỉ đạo cho UBND xã Khánh Hải thông báo đến người dân ở các ấp trên địa bàn xã không bơm nước dưới sông vào đồng ruộng và thường xuyên theo dõi độ mặn để có biện pháp xử lý. Khẩn trương huy động lực lượng đắp đập tạm để ngăn nước mặn tràn vào.