Dù là sinh viên năm 2, đã có nhiều kinh nghiệm đi thuê trọ, tuy nhiên Vũ Vân Anh (Trường Đại học Lao động Xã hội) vẫn gặp không ít khó khăn trong công cuộc tìm nhà trọ sau khi kết thúc kỳ nghỉ hè.
“Do đã trả phòng trước khi về nghỉ hè nên sau khi quay lại Hà Nội, em lại phải tìm một phòng trọ mới. Thời điểm này, sinh viên đồng loạt trở lại trường học nên nhu cầu thuê trọ tăng, kéo theo đó là giá cả cũng tăng. Em gặp rất nhiều khó khăn khi tìm phòng vì để tìm một căn phòng phù hợp với số tiền có thể chi trả thì chất lượng phòng lại không đảm bảo”, Vân Anh chia sẻ.
Không riêng Vân Anh, rất nhiều sinh viên khác cũng gặp trường hợp tương tự. Ngay cả những sinh viên năm 2, năm 3 cũng gặp khó khăn thì những tân sinh viên lần đầu lên Hà Nội cũng không tránh khỏi tình trạng chật vật, vất vả tìm phòng trọ.
Nhiều tân sinh đã lên Hà Nội sớm hơn cả nửa tháng so với ngày nhập học để đi tìm trọ, tuy nhiên, các khu trọ gần trường học có giá cả hợp lý đều đã được đặt cọc hết. Nhiều sinh viên sẽ phải chấp nhận thuê phòng với giá cao, hoặc muốn tìm phòng giá rẻ thì lại ở xa trung tâm, xa trường hoặc nằm ở trong ngõ nhỏ, xa chợ, ít quán xá...
Nhiều trường hợp không thể lên sớm để tìm trọ đã chấp nhận tìm trọ gián tiếp qua các trang mạng xã hội như Facebook, Google. Tuy nhiên, cách làm này dễ gặp vấn đề rủi ro vì thông qua nhiều người môi giới, vô tình tiếp tay cho những kẻ xấu lợi dụng thời cơ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tiền bạc.
Từng là nạn nhân của vấn nạn này, Phương Mai, sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam kể lại: “Em từng bị lừa đảo khi đi tìm phòng trọ. Sau khi được dẫn đi xem một căn phòng tại phố Chùa Láng, do phòng sạch sẽ, đẹp lại có giá cả hợp lý nên em đã chốt thuê. Để thuê phòng, họ yêu cầu phải cọc trước 200.000 đồng thì sẽ được ký hợp đồng vào hôm sau. Tuy nhiên, hôm sau khi quay lại, chủ trọ báo phòng đã được cho thuê từ lâu, em mới biết mình bị lừa”.
Bên cạnh vấn đề gặp rủi ro khi thuê phòng, tình trạng phòng trọ đột ngột tăng giá trước thềm năm học mới cũng khiến không ít sinh viên và phụ huynh "đứng ngồi không yên".
Thuê trọ tại khu vực phố Lương Thế Vinh (Thanh Xuân) mới được 1 tháng nhưng Nguyễn Thanh Thủy – sinh viên năm 4, Trường Đại học Hà Nội lại phải vội vàng đăng tin nhượng phòng vì chủ trọ thông báo tăng giá phòng thêm 300.000 đồng/tháng (gần 10%), chưa bao gồm tiền điện nước và các chi phí dịch khác.
Thủy chia sẻ: “Dù đã đăng tin cả tuần nay nhưng em vẫn chưa tìm được người thuê phòng để lấy lại tiền đã cọc cho chủ nhà. Nếu chuyển đi ngay và không tìm người thay thế, em sẽ vi phạm hợp đồng vì đã thống nhất thuê trong 12 tháng và chấp nhận mất hết số tiền cọc trước đó. Chủ nhà nhất quyết tăng thêm như đã thông báo thì em buộc phải chuyển đi, vì không đủ chi phí để chi trả”.
Nhiều sinh viên, người có thu nhập thấp đang đăng tin nhượng phòng, trả phòng gấp. Ảnh: Chụp màn hình |
Trước thực trạng sinh viên gặp khó khăn, rủi ro khi tìm phòng trọ, nhiều trường đại học tại Hà Nội đã đưa ra nhiều chính sách để hỗ trợ cho sinh viên như: Tăng số lượng sinh viên được ở trong ký túc xá, tổng hợp danh sách những nhà trọ uy tín, phù hợp với nhu cầu của sinh viên để tránh bị lừa hoặc phải thuê với giá quá cao...
Bà Vũ Thị Kiều Oanh – chủ một khu nhà trọ tại Phùng Khoang đưa ra lời khuyên: “Để tránh bẫy lừa đảo khi thuê nhà trọ, các bạn sinh viên trước hết phải nhận ra các dấu hiệu, từ đó biết cách ứng phó phù hợp. Nên tham khảo từ ý kiến của những anh chị đi trước, nhờ sự hỗ trọ từ bạn bè, gia đình, người thân và khảo sát nhiều địa chỉ cho thuê để có giá thuê hợp lí”.