Bao trùm không gian văn hóa Cồng chiêng
Nằm ở cuối dãy Trường Sơn với ranh giới trải dài 6 huyện, thị như Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’Long và thị xã Gia Nghĩa, chiếm gần một nửa diện tích tự nhiên của tỉnh Đắk Nông, Quần thể núi lửa nằm trong Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông có diện tích hơn 4.700 km2.
Đây chính là nơi không gian văn hoá cồng chiêng mà 40 dân tộc anh em đang sinh sống, trong đó có ba dân tộc sinh sống lâu đời là Mạ, M’nông, Ê đê đã tạo nên bức tranh văn hoá đa sắc màu và sinh động mang nhiều nét độc đáo, hội tụ các giá trị tiêu biểu cả về địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học cũng như văn hoá đặc trưng của khu vực Tây Nguyên.
Theo Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông, cách đây hơn 140 triệu năm, do vận động kiến tạo của vỏ trái đất, từ một phần của đại dương rộng lớn, khu vực này được nâng lên và xuất hiện núi lửa.
Miệng núi lửa Băng Mo (tư liệu). |
Mỗi địa điểm thuộc Công viên địa chất núi lửa Krông Nô đều gắn liền với một truyền thuyết nhất định, nói lên sự hình thành của núi đồi, sông suối thông qua những câu vần Ót Ndrong mà đồng bào xưa thường lý giải các hiện tượng tự nhiên có tầm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống con người.
Hiện nay, hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á được các nhà khoa học thuộc Bảo tàng địa chất Việt Nam (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản) cùng các nhà khoa học Nhật Bản khảo sát vào năm 2007. Đây là hệ thống hang động núi lửa trong đá bazan có chiều dài 25km, trải dài từ miệng núi lửa buôn Choar dọc theo chiều dài của dòng sông Sêrêpôk đến thác Đ’ray Sáp với 65 điểm di sản địa chất, trong đó có 7 điểm di sản tầm quốc tế.
Bảo lưu dấu tích văn hóa
Được biết, Công viên địa chất Đắk Nông có 5 miệng núi lửa âm và dương với quy mô lớn lưu giữ lịch sử kiến tạo địa chất của lớp vỏ Trái Đất.Qua nhiều năm khảo sát và nghiên cứu đến tháng 9/2018, các nhà khoa học đã công bố tìm thấy những di tích của người tiền sử, có ít nhất 3 di cốt người cùnghàng vạn vỏ ốc biển, di vật bằng đá, gốm, xương, vỏ nhuyễn thể, mũi tên đồng…
Nơi đây, còn bảo lưu những dấu tích về văn hoá, mộ táng và hoạt động sống của bộ lạc thời tiền sử. Các di vật trên được xác định cách đây khoảng 6.000 – 7.000 năm, là những di tích cư trú đầu tiên về người tiền sử mà giới khoa học Việt Nam tìm thấy trong các hang động núi lửa.
Hầu hết các hang động ở đây đều có dạng hình ống và có ngã rẽ nối với nhau thành những vòng tròn. Trong đó, hang C7 có dạng hình ống, dài 1.066,5m là hang dung nham lúi nửa dài và lớn nhất Đông Nam Á, hang C3 với chiều dài 549m xếp thứ nhì và hang A1 dài 456,7m xếp thứ năm Đông Nam Á.
Đây là nguồn tài nguyên du lịch độc đáo có sức hấp dẫn mạnh mẽ, thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế (tư liệu). |
Mặt ngoài hang động núi lửa các thảm thực vật khá phong phú, bao trùm lên miệng hang một màu xanh tràn đầy sức sống mang một vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ. Bên trong hang động vẫn còn khá nguyên vẹn, lại mang dáng vẻ vô cùng đặc biệt với kết cấu đặc trưng của quá trình phun trào núi lửa như các ngấn dung nham, hốc sụt.
Có thể khẳng định đây là nguồn tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước, quốc tế đến khám phá và tham quannhững nét độc đáo, hoang sơ, kỳ vĩ của núi rừng Tây Nguyên.
Nhằm khai thác và phát huy di sản trên theo hướng bền vững, tỉnh Đắk Nông cần phát triển kinh tế du lịch bên cạnh các yếu tố, hạ tầng, cơ sở vật chất, kĩ thuật chuyên ngành và các nguồn nhân lực để hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam.
Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông có 5 miệng núi lửa, nổi bật nhất là ngọn núi lửa Nâm Blang (Chư R’luh)có hình nón cụt đặc trưng, là ngọn núi duy nhất tạo ra hệ thống 50 hang động dung nham, có dấu tích sinh sống của người tiền sử vàchứa nhiều điều kỳ bí chưa được giải mã. Núi lửa Băng Mo (Ea Tling)có niên đại từ 200.000 – 600.000 năm được xem là núi lửa trẻ với hình dạng tương đối tròn và rõ nét. Núi lửa Nam Gle (Thuận An)ngọn núi đặc biệt có hình oval kéo dài thành lòng máng hẹp, từ trên cao ngọn núi này trông giống như hai mảnh vỏ hến úp vào nhau. Núi lửa Nam Dơng, miệng núi lửa âm lớn thứ 3 tại Công viên địa chất toàn cầu, có dạng hình phễu. Cuối cùng là cụm núi lửa Nâm Karquy mô không lớn nhưng có “núi lửa vệ tinh” và 2 miệng núi phụ hình thành dưới dạng lỗ thoát dung nham cùng các cây hoá thạch trong quá trình núi lửa phun trào.
Ngày 16/7/2020, Kỳ họp Hội đồng Chấp hành UNESCO khoá 209 tại Hy Lạp đã được tổ chức và công nhận Công viên địa chất Đắk Nông là thành viên thuộc mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, xứng danh cùng 14 công viên địa chất khác trên thế giới.