Trong thời gian từ ngày 15,16 và 19/4, VNPT IT đã tiến hành giới thiệu và demo giải pháp VnCare cho bệnh viện Đa khoa Hà Nam, bệnh viện Bưu điện tại Hà Nội, bệnh viện Tim Hà Nội.
Công nghệ đem lại lợi ích thiết thực cho bệnh nhân và bệnh viện
Phát triển và ứng dụng giải pháp khám chữa bệnh từ xa là vấn đề đang được Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện nhằm phòng chống dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến phức tạp hiện nay. Từ văn bản số 2010 ngày 10/4/2020 về phối hợp thực hiện thí điểm mô hình khám chữa bệnh từ xa, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Bộ Y tế triển khai mô hình này tới các hộ gia đình, thôn bản, xã, phường, quận, huyện.
Thực hiện theo sự chỉ đạo của Thủ tướng CP, là đơn vị chủ lực về VT – CNTT của đất nước, VNPT đã bắt tay và tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển Mô hình khám bệnh từ xa. Chỉ trong vòng 1 tuần, Trung tâm giải pháp Y tế điện tử trực thuộc VNPT IT đã phối hợp với các nhóm dự án trong VNPT IT đã đưa ra giải pháp, sản phẩm phục vụ cho quy trình khám bệnh từ xa.
Theo đó, mô hình khám bệnh từ xa gồm ứng dụng dành cho bệnh nhân VnCare và dành cho bác sỹ. Khi bệnh nhân đăng ký khám trên app VnCare, bệnh nhân online sẽ được bộ phận tiếp đón online sắp xếp lịch, sàng lọc thông tin và chuyển thông tin đến cho bác sĩ. Bác sĩ chỉ cần thực hiện những thao tác đơn giản để xem được thông tin của bệnh nhân và thực hiện thăm khám, kê đơn.
Mô hình ứng dụng công nghệ xác danh tính nhận điện tử eKYC do VNPT nghiên cứu và triển khai, giúp việc xác thực tự động thông tin của bệnh nhân nhanh chóng, tính chính xác cao. Đồng thời, bác sỹ và bênh nhân có thể tương tác và trao đổi thêm nhiều thông tin qua công cụ Video conference.
Theo ông Đỗ Trần Anh – Giám đốc Trung tâm Giải pháp Y tế điện tử (VNPT IT), mô hình này đáp ứng được yêu cầu khám bệnh từ xa, kết nối giữa bệnh nhân và bác sĩ và kết nối bác sĩ tuyến trên với bác sĩ tuyến dưới. Hiện tại, giải pháp của VNPT IT đưa ra, phục vụ được cho các sản phẩm của VNPT trong lĩnh vực y tế đồng thời cho phép kết nối với tất cả các các giải pháp quản lý bệnh viện khác. Từ đó, tạo nên được một hệ thống cung cấp các giải pháp khám bệnh từ xa cho tất cả các cái bệnh viện cũng như mọi đối tượng người dân.
Giải pháp này đã kết nối tự động với hệ thống VNPT - His và cho phép kết nối với các sản phẩm His khác có trên thị trường. Ông Đỗ Trần Anh chia sẻ: “Chúng tôi đã cung cấp kết nối tự động cũng như bán tự động. Về phần tiếp đón có thể là thực hiện thủ công tại bệnh viện để đảm bảo kết nối giữa thế hệ thống Đăng ký khám bệnh từ xa của VNPT với các cái phần mềm His của các đơn vị khác cung cấp”.
Nếu áp dụng mô hình khám bệnh từ xa này, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến phức tạp, sẽ góp phần giúp bệnh viện giảm tải được lượng bệnh nhân đến thăm khám, tránh những rủi ro do dịch bệnh gây ra, đem đến sự chủ động, thuận tiện cho bệnh nhân. Đồng thời, là công cụ hỗ trợ các cơ sở y tế (CSYT) tuyến dưới.
Nhận định về lợi ích của giải pháp, bác sỹ Đỗ Trung Đông – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Nam - cho rằng, nếu áp dụng thành công mô hình khám bệnh từ xa sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho người bệnh và bệnh viện. Với chủ trương khám bệnh miễn phí, tư vấn bằng hình ảnh trực quan, người bệnh không cần đến bệnh viện cũng có thể nắm bắt được thuốc men điều trị, đồng thời, bác sỹ có thể nắm được tình trạng của người bệnh mà không cần đến khám chữa bệnh tại bệnh viện, giảm tải cho bệnh viện.
Mô hình khám chữa bệnh từ xa. |
Gỡ khó thế nào để khám bệnh từ xa thực sự đi vào đời sống?
Tuy nhiên, việc ứng dụng Mô hình này trong hoạt động của các bệnh viện sẽ gặp nhiều khó khăn. Người bệnh đòi hỏi phải có smartphone đáp ứng được yêu cầu cài đặt phần mềm, trong khi, đối tượng bệnh nhân là người cao tuổi chiếm tỷ lệ cao. Bệnh viện cần một sự đồng bộ hóa từ CSYT tuyến trên đến các CSYT tuyến dưới. Đây là vấn đề hết sức quan trọng đáp ứng việc triển khai mô hình khám bệnh từ xa một cách lâu dài.
Đối với những bệnh viện có đặc thù khác nhau, cách thức triển khai sẽ cũng không giống nhau. Ví dụ, Bệnh viện Bưu điện, là bệnh viện của ngành và không có hệ thống y tế cơ sở, việc triển khai mô hình khám bệnh khó khả thi hơn.
bác sỹ Đỗ Trung Đông – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Nam. |
Theo bác sĩ Trần Hùng Mạnh – Phó Giám đốc bệnh viện Bưu điện, để thực hiện được việc khám bệnh từ xa, phải có y tế cơ sở - đầu mối thực hiện chỉ đạo của tuyến trên và đưa ra quyết định cho người bệnh. Hệ thống y tế cơ sở của Tập đoàn VNPT hiện nay đã không còn được như trước đây, cho nên, khi triển khai mô hình khám bệnh từ xa, bệnh viện bưu điện sẽ gặp nhiều khó khăn, khó để triển khai hiệu quả.
Từ những khó khăn đó, VNPT và các bệnh viện đã thống nhất phương án triển khai trong thời gian tới. Đối với bệnh viện đa khoa Hà Nam, VNPT sẽ thử nghiệm mô hình khám bệnh từ xa đối với đối tượng bệnh nhân cao tuổi, có bệnh mãn tính. Đối với bệnh viện Bưu điện, VNPT sẽ triển khai phần đặt lịch khám, tiếp đón bệnh nhân online và theo phương pháp tư vấn cho người bệnh chứ không phải là khám bệnh. Bệnh viện sẽ chọn lựa nhóm đối tượng, nhóm bệnh và thử nghiệm trên quy mô nhỏ trước.
Theo ông Đỗ Trần Anh – Giám đốc TT Giải pháp Y tế điện tử, VNPT IT: “VNPT sẽ đề xuất với Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội, Bộ TT&TT xây dựng kế hoạch dài hơi, phục vụ cho việc khám chữa bệnh từ xa, không chỉ phục vụ cho thời điểm chống dịch Covid - 19, để giảm tải lượng bệnh nhân đến bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện đa khoa”.
Ông Đõ Trần Anh cũng cho biết, đây mới chỉ bước đi ban đầu trong việc ứng dụng CNTT trong công tác khám chữa bệnh từ xa góp phần giải quyết những yêu cầu trước mắt trong phòng chống dịch Covid - 19. Trong thời gian tới, dựa trên yêu cầu và thực tiễn hoạt động của các bệnh viện, VNPT tiếp tục nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện nhiều tính năng cũng như tính pháp lý của giải pháp để mô hình khám bệnh từ xa phát huy được nhiều lợi ích thiết thực dành cho bác sĩ và bệnh nhân.