Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, đánh dấu sự thay đổi lớn trong công tác quản lý Nhà nước, sử dụng giấy tờ của công dân từ “hồ sơ giấy” sang “hồ sơ điện tử”.
Buổi lễ được truyền hình trực tuyến tại điểm cầu chính tại Hà Nội, 63 điểm cầu công an các tỉnh, thành phố và các điểm cầu kéo dài đến một số xã, phường tại Hà Nội, Hưng Yên, Đà Nẵng và TPHCM.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Ngay sau khi bấm nút kích hoạt hệ thống sẽ là các hoạt động trải nghiệm dịch vụ tại một số điểm cầu. Lãnh đạo các bộ, ngành địa phương sẽ ký cam kết điện tử trong việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu thông tin.
Hai hệ thống trên khi chính thức được đưa vào khai thác sẽ có tác động tích cực đến nhiều mặt của đất nước, giúp giảm chi phí giấy tờ, giảm thời gian xác minh và đi lại cho công dân, giảm ngân sách Nhà nước khi xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và việc lưu hồ sơ.
Tính sơ bộ toàn nền kinh tế, Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp giảm chi phí về thời gian chuẩn bị đơn, tờ khai gần 370 tỷ đồng; không phải xuất trình đơn, tờ khai tiết kiệm hơn 4200 tỷ/năm; các cơ sở dữ liệu chuyên ngành không phải nhập dữ liệu công dân tiết kiệm khoảng 246 tỷ đồng. Tổng chi phí tiết kiệm được là 4.864 tỷ đồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất cấp và quản lý căn cước công dân. Ảnh: Việt Dũng. |
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là hệ thống quan trọng nhất trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử. Để triển khai dự án, Bộ Công an đã bố trí 100% công an xã chính quy tại các địa bàn xã, thị trấn với gần 45.000 cán bộ chiến sĩ qua đó nâng cao hiệu quả thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin dân cư. Đào tạo gần 24.000 cán bộ tại địa phương sử dụng hệ thống.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đánh giá cao sự tham gia, phối hợp tích cực của các bộ, ngành, cơ quan, các địa phương, cũng như đánh giá cao sự nỗ lực của các nhà thầu, các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam, trong đó có Tập đoàn VNPT đã tham gia tích cực, có hiệu quả vào các dự án.
Với kinh nghiệm triển khai nhiều dự án trọng yếu của Chính phủ, trong vòng 5 tháng từ tháng 9/2020 đến tháng 2/2021, Tập đoàn VNPT cùng các đơn vị trong liên danh đã triển khai xong toàn bộ hạ tầng kết nối, tích hợp hệ thống và triển khai các phần mềm ứng dụng cũng như tổ chức đào tạo huấn luyện cho hơn 23.000 cán bộ chiến sĩ công an sử dụng hệ thống.
“Việc xây dựng CSDLQG về dân cư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tạo nền tảng cho công tác quản lý hành chính nhà nước theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm thời gian và chi phí giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và góp phần phát triển Chính phủ điện tử”, Tướng Huệ nói.
Thiếu tướng Tô Văn Huệ cũng cho biết thêm, việc xây dựng CSDLQG về dân cư có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong đời sống xã hội. Thông qua việc tổ chức thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân sẽ tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương để dùng chung nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.
Dựa trên cơ sở dữ liệu đó, các cơ quan quản lý nhà nước có thể nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, khắc phục tình trạng người dân phải sử dụng nhiều giấy tờ cá nhân nhưng lại không đem lại hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính.
Thông tin về dân cư được thu thập, cập nhật thường xuyên sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý dân cư, quản lý di biến động dân cư, hỗ trợ công tác tra cứu, xác minh về nhân thân của công dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm.