Theo đó, Bộ VHTT&DL cho phép thời gian tiến hành khai quật từ nay đến ngày 3/9 với diện tích khai quật là 600 m2. Trong thời gian khai quật, các cơ quan được cấp phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết quả chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.
Những hiện vật thu được trong quá trình khai quật tạm lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế và Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng có trách nhiệm đề xuất phương án phân chia hiện vật, trình bộ trưởng Bộ VHTT&DL xem xét, quyết định.
Sau khi kết thúc đợt khai quật, chậm nhất ba tháng, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế và Bảo tàng Lịch sử quốc gia phải có báo cáo sơ bộ và sau một năm phải có báo cáo khoa học gửi về Cục Di sản văn hóa.
TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết: Việc khai quật chính thức được tiến hành vào ngày 5/5, trước đó Trung tâm đã cho rà phá bom mìn để phục vụ cho công tác khai quật. Đợt khai quật lần này được thực hiện nhằm mục đích làm phát lộ các dấu vết của tường thành, bậc cấp, đồn phòng thủ của Hải Vân Quan. Hoạt động này nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu và xây dựng dự án quy hoạch trùng tu tổng thể công trình.
Hải Vân Quan được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào tháng 4/2017, là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật nằm trên địa bàn thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng./.