Khai mạc khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên ở nước ngoài

Khai mạc khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên ở nước ngoài
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng 9/10, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ khai mạc Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên VNONN.

Phát biểu khai mạc Khóa tập huấn, Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN, cho biết, năm 2020 và 2021, do đại dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, Ủy ban Nhà nước về NVNONN không tổ chức được các khóa tập huấn tại Việt Nam với sự tham dự trực tiếp của các giáo viên kiều bào như thường lệ.

Tuy nhiên, với sự quyết tâm nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng NVNONN, Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên NVNONN năm 2021 theo hình thức trực tuyến.

Khóa tập huấn lần này có sự tham gia đông nhất từ trước đến nay của các giáo viên NVNONN, cho thấy phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng ngày càng phát triển và ngày càng nhiều giáo viên có nhu cầu được đào tạo, nâng cao phương pháp giảng dạy.

Theo Đại sứ Lương Thanh Nghị, bản sắc văn hóa và truyền thống của dân tộc, đặc biệt là tiếng mẹ đẻ, là sức mạnh, là tài sản “vô hình” của mỗi quốc gia.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quí trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao việc giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc.

Mới đây, tại Kết luận số 12/KL-TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới và Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 10/9/2021 của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đã một lần nữa nhấn mạnh việc phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN.

Thời gian qua, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng vẫn ngày càng lan tỏa và đạt được nhiều thành tự đáng khích lệ.

Các thầy cô, những giáo viên kiều bào vẫn luôn tận tình, sáng tạo trong việc giảng dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ tại nhiều địa bàn.

Đại sứ Lương Thanh Nghị khẳng định Ủy ban Nhà nước về NVNONN luôn ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và cống hiến không mệt mỏi của các thầy cô trong sự nghiệp “gieo chữ, trồng người” rất cao cả này.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Hoàng Đức Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, nhấn mạnh, tổ chức khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên VNONN là hoạt động thường niên được tiến hành từ năm 2013, với mục đích nâng cao trình độ và kỹ năng sư phạm, cập nhật kiến thức cho các giáo viên chuyên và không chuyên đang giảng dạy tiếng Việt tại các cơ sở tiếng Việt của cộng đồng.

Cho đến nay, hơn 200 lượt giáo viên kiều bào đã về nước tham gia các khóa tập huấn với sự hỗ trợ của các giảng viên là những chuyên gia ngôn ngữ hàng đầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp lên lớp, giảng dạy.

Khóa tập huấn lần này được tổ chức theo hình thức trực tuyến, bao gồm 2 lớp, lớp học thứ nhất dành cho địa bàn châu Á - Australia; lớp học thứ hai dành cho địa bàn châu Âu - Bắc Mỹ.

Trong đó, lớp học thứ nhất sẽ diễn ra từ ngày 9/10 đến 7/11/2021 với 258 học viên đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc địa bàn châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia và Đài Loan) và Australia.

Khóa tập huấn được kỳ vọng sẽ mang lại những kiến thức chuyên môn bổ ích, là dịp để các giáo viên VNONN cùng chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về giảng dạy tiếng Việt, từ đó tiếp tục đóng góp cho phong trào dạy và học tiếng Việt ở nước sở tại.

Ngay sau Lễ khai mạc, các đại biểu đã tham gia Tọa đàm “Thực trạng dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng NVNONN và biện pháp thúc đẩy”. Tại tọa đàm, các đại biểu khẳng định nhu cầu học tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN luôn rất lớn nhưng các giáo viên kiều bào trực tiếp tham gia giảng dạy tiếng Việt còn gặp nhiều khó khăn như thiếu giáo trình, tài liệu tham khảo phù hợp với địa bàn; đa dạng về cấp học và kỹ năng sư phạm của các giáo viên kiều bào còn hạn chế…

Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về NVNONN và Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận những ý kiến xác đáng của các giáo viên kiều bào, trao đổi các biện pháp, phương hướng tháo gỡ khó khăn, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả của công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN.

Thực hiện Quyết định số 14/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt cho Người Việt Nam ở nước ngoài”, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Ủy ban nhà nước về NVNONN tổ chức bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, tình nguyện viên dạy tiếng Việt cho NVNONN vào tháng 8 hàng năm tại Việt Nam hoặc tại nước sở tại nếu có nhu cầu.

Từ năm 2013 đến năm 2019, mỗi năm có khoảng 65-70 giáo viên từ nhiều quốc gia về tham dự và được cấp chứng nhận hoàn thành lớp bồi dưỡng, trở thành nòng cốt trong phong trào dạy và học tiếng Việt của cộng đồng NVNONN.

Đọc thêm

Các trường 'điểm' tuyển sinh ra sao khi bỏ thi tuyển vào lớp 6?

Ảnh minh họa
(PLVN) - Theo Bộ GD&ĐT, từ 2025, tuyển sinh THCS sẽ được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Đối với các trường chất lượng cao, trường tư có tỷ lệ chọi lớn, địa phương có trách nhiệm hướng dẫn các trường thực hiện dựa vào tình hình thực tế trên cơ sở phù hợp nhất.

Giáo dục thích ứng trong kỷ nguyên số

Phụ huynh, học sinh, người lao động cần tìm hướng đi đúng đắn. (Ảnh minh họa - Nguồn: Hocmai)
(PLVN) - Sự bùng nổ của công nghệ, đặc biệt là AI đang định hình lại môi trường làm việc một cách nhanh chóng và nhu cầu về những kỹ năng mới cũng ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030: Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực

Ảnh minh họa
Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia có hệ thống giáo dục tiên tiến trong khu vực châu Á. Với trọng tâm phát triển toàn diện con người, nâng cao chất lượng giáo dục ở mọi cấp và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chiến lược này đặt nền móng vững chắc cho một xã hội hiện đại, công bằng và văn minh.

Nhìn lại những quyết sách phát triển giáo dục năm 2024

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi về dự thảo Luật Nhà giáo tại Quốc hội. (Ảnh: MOET )
(PLVN) - Xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, thúc đẩy chuyển đổi số đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành chu trình đầu của chương trình giáo dục phổ thông (CT GDPT) 2018, kết thúc kỳ thi cuối cùng của CT GDPT 2006... là những dấu ấn nổi bật của ngành Giáo dục năm 2024 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố.

Đi học… hạnh phúc

Cô giáo xuất hiện trong bức ảnh đẹp nhất mùa khai giảng. (Ảnh: NVCC)
(PLVN) - “Người thấy được hạnh phúc của việc học sẽ làm được nhiều việc lớn lao” - là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo “Hạnh phúc trong giáo dục 2024” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức.

Những vật dụng cấm mang vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2025

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có quy định rõ về trách nhiệm của thí sinh và những vật dụng không được phép mang vào phòng thi.

Đối tượng nào được miễn thi tốt nghiệp THPT 2025?

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: PV)
(PLVN) - Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT ngày 24/12/2024 về quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định rõ những đối tượng được miễn thi tất cả các môn, miễn thi Ngoại ngữ, miễn thi Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT...