Đây là chủ đề rất thời sự và đặc biệt quan trọng trong thực tiễn xây dựng chính sách, pháp luật của nước ta hiện nay, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang tích cực xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 và các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, CMCN 4.0 đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhà nước ta đã có nhiều chính sách quan trọng, đồng thời dành nhiều ưu tiên, nguồn lực cho phát triển khoa học – công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu phát biểu khai mạc Hội thảo |
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thúc đẩy phát triển khoa học – công nghệ, tạo bứt phá về cơ sở hạ tầng ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin, truyền thông, phát triển hạ tầng kỹ thuật số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo lập môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thu các công nghệ sản xuất mới, khẩn trương xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, xây dựng nền quản trị thông minh, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Để khai thác những thành tựu của CMCN 4.0 mang lại, Thứ trưởng cho rằng, chúng ta đang đứng trước nhiều thách thức và một trong số đó là hệ thống pháp luật hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là trong những lĩnh vực liên quan đến quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư mạo hiểm, Fintech, tài sản mã hóa, quản lý thuế, bảo hộ dữ liệu cá nhân, chữ ký số và giải quyết tranh chấp trực tuyến.
Đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học...tham dự Hội thảo sáng nay |
Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tú chủ trì phiên thảo luận thứ nhất |
Theo bà Thạch Lê Anh, Giám đốc Vietnam Sillicon Valley rủi ro trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cộng đồng Start up sẽ gặp nhiều rủi ro trong việc đăng ký giấy tờ, rủi ro khi đi gọi vốn đồng thời cũng đem lại không ít rủi ro cho nhà đầu tư. Một trong những nguyên nhân là do hiện chưa có hướng dẫn cụ thể thu hút vốn tư nhân, nếu làm tốt việc này không chỉ tốt cho start up giai đoạn đầu mà còn tạo cầu nối giữa nhà đầu tư trong nước, tạo điều kiện và sự yên tâm cho các quỹ đầu tư nước ngoài hoặc cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Vì vậy cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để hạn chế các rủi ro.
Ông Lê Huy Hòa, Chuyên gia chính sách công nghệ thông tin nhận định cuộc CMCN lần thứ tư làm thay đổi nội hàm khái niệm cốt lõi trong pháp luật dân sự kinh tế đó là “tài sản". Khi giao dịch trên mạng, sẽ có nhiều vấn đề đặt ra như: giới hạn trách nhiệm của người mua bán đến đâu nếu liên quan đến rửa tiền, việc nộp thuế như thế nào? Làm thế nào để tận dụng các phương thức khởi nghiệp? Muốn bán sản phẩm trước khi sản xuất thì áp dụng cách thức nào? Cơ chế nào để trở thành nhà đầu tư hiệu quả mà không phụ thuộc vào quy mô vốn, tài sản? Làm thế nào để thoái vốn hợp pháp mà không vi phạm? Ngoài ra, cũng đặt ra nhiều vấn đề đối với cơ quan quản lý đó là vấn đề an ninh mạng, quản lý dòng tiền, thu thuế, chống gian lận, lừa đảo…
Còn ông Hà Đình Bốn, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động thương binh và xã hội nhấn mạnh tới vai trò cực kỳ quan trọng của nguồn lực lao động. Bên cạnh thuận lợi mà thời kỳ công nghệ số đem lại như tạo ra thị trường lao động, tạo việc làm, năng suất, tiền lương, bảo hiểm… đồng thời cũng đặt ra nhiều khó khăn thách thức đó là thiếu hụt nguồn lao động có chất lượng cao, dư thừa nguồn lao động thủ công, có tay nghề chưa qua đào tạo. Mặt khác, việc đào tạo và nâng cao năng lực nguồn lao động hiện chưa kịp thời; các quy định hiện hành về việc làm, lao động, cơ chế quản trị nguồn nhân lực chưa có sự chuyển dịch phù hợp đáp ứng yêu cầu 4.0 nên cũng đặt ra nhiều bài toán cần giải quyết. Do vậy, cần hoàn thiện khung pháp lý nói chung và pháp luật lao động nói riêng để có chính sách lao động và chính sách an sinh phù hợp, hạn chế sự phân hóa giàu nghèo mạnh mẽ.
Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học công nghệ, việc sáng chế là do con người tạo ra tuy nhiên hiện nay trên mạng có rất nhiều hàng giả trà trộn mà thiếu quy định xử lý nên khó nắm bắt được thông tin các chủ thể sai phạm. Mặt khác, việc bồi thường thiệt hại liên quan đến sở hữu trí tuej cần có hiện vật, bằng chứng cụ thể… để tính toán giá cả nhưng trên mạng khó nắm được và khó xác thực giá cả để bồi thường.
Bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Ngân hàng Nhà nước cho rằng trong thời đại công nghệ số, xuất hiện nhiều tội phạm công nghệ cao nên đòi hỏi các ngành, trong đó có ngành ngân hàng cần sự chuyển mình mạnh mẽ để bảo vệ kho dữ liệu khổng lồ và đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu về mã số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ông Lê Minh Khiêm, Phó trưởng phòng, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính đánh giá phương thức quản lý thuế hiện nay chưa theo kịp cuộc CMCN lần thứ 4, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ nên dễ tạo rủi ro cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân. Hiện nay, Bộ Tài chính đã và đang nghiên cứu trình Chính phủ, trình Quốc hội cách chính sách thuế phù hợp với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, trong đó tập trung doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chính sách thuế với lĩnh vực công nghệ cao… Cùng với đó, Bộ, ngành tài chính đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kê khai thu nộp thuế và tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan trong thu thuế.