169 em nhỏ từ khắp các tỉnh, thành, các làng trẻ em SOS, Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, Hội đồng trẻ em của 4 tỉnh, thành phố Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh, Bình Định… đại diện cho 26 triệu trẻ em trên cả nước tham dự diễn đàn sẽ nói lên tiếng nói của mình về các nội dung phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, an toàn trên môi trường mạng.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, vấn đề trẻ em và sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề của chính mình được quy định trong Công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em, Hiến pháp năm 2013, đặc biệt trong Luật Trẻ em năm 2016.
Trong quá trình thực hiện quy định này, Bộ LĐ -TB&XH đồng hành với nhiều bộ, ban, ngành địa phương để trẻ em có điều kiện tốt hơn tham gia vào các nội dung trên.
Ngày 17/8 tới đây, trong khuôn khổ diễn đàn, trẻ em sẽ gặp gỡ, đối thoại và trao đổi các thông điệp, kiến nghị của Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 6 đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các bộ, ban ngành.
Sau diễn đàn này, các thông điệp, khuyến nghị của trẻ em sẽ được gửi tới các cơ quan, các tổ chức xã hội, các nhà hoạch định chính sách, những người làm việc vì trẻ em. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện cam kết của Chính phủ, các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương đối với các yêu cầu, nguyện vọng của trẻ em.
Trung ương Đoàn là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.