Phát biểu khai mạc tại Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu đề nghị, mỗi đại biểu nêu cao tinh thần, trách nhiệm, đoàn kết, nhất trí; giữ vững nguyên tắc tập trung, dân chủ; chấp hành nghiêm nội quy, quy chế, thực hiện tốt nội dung, chương trình của đại hội, làm cho Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 thật sự là đại hội "Đoàn kết - dân chủ - kỷ cương - sáng tạo - phát triển”.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 có chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống đoàn kết, các giá trị lịch sử, văn hóa vùng Đất Tổ; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc” không chỉ kế thừa trí tuệ của các nhiệm kỳ trước mà còn đưa thêm nhiều yếu tố mới thể hiện tư duy, tầm nhìn đổi mới, sáng tạo và phát triển của Đảng bộ.
Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII trình Đại hội đã khẳng định, mặc dù tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, đặc biệt đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ đã quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Đảng bộ tỉnh đã lựa chọn 51 nội dung lớn, bao quát toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị để đưa vào chương trình làm việc toàn khóa; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo 5 nhiệm vụ trọng tâm, 4 khâu đột phá và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Trong đó đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 19/20 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra.
Báo cáo cũng đã bổ sung, đánh giá rõ kết quả thực hiện Nghị quyết trong nhiệm kỳ qua, đặc biệt là các khâu đột phá, xây dựng nông thôn mới, dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu, công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển các thành phần kinh tế; công tác xây dựng Đảng… cũng như nguyên nhân kết quả đạt được, làm rõ thêm khuyết điểm, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm có sức thuyết phục và phản ánh đúng thực tiễn của địa phương.
Phú Thọ đang đứng trước nhiều vận hội, thời cơ mới đan xen với những thách thức lớn, những vấn đề mới và khó đặt ra từ thực tiễn mà gần đây nhất là thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch Covid-19.
Xác định rõ những khó khăn, thách thức đó, trong phương hướng, mục tiêu của nhiệm kỳ 2020 - 2025, Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhấn mạnh vào khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, giá trị lịch sử, văn hóa vùng Đất Tổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, liên kết vùng; chú trọng phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường; tập trung thực hiện tốt khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh; xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Trong đó, các chỉ tiêu chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng bình quân 7,5%/năm trở lên; tổng sản phẩm bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 65 triệu đồng; cơ cấu kinh tế năm 2025, công nghiệp-xây dựng 40,5%; dịch vụ 41,5%; nông-lâm nghiệp- thủy sản 18%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 160 nghìn tỷ đồng; tổng thu NSNN năm 2025 đạt trên 10 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ lao động nông nghiệp đến năm 2015 dưới 45%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm giảm 0,4%; đến năm 2025 số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, hoàn thành NTM đạt 45% trở lên; 65% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó kiểu mẫu nâng cao đạt 20% trở lên…
Bên cạnh đó, Báo cáo chính trị đã đề ra 17 chỉ tiêu chủ yếu, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 8 giải pháp vừa có tính kế thừa, vừa có tính phấn đấu, phù hợp với sự vận động, phát triển của nền kinh tế trong nước, khu vực và thế giới cũng như thích ứng với những biến đổi không ngừng khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn.
Trong nhiệm kỳ mới, Đảng bộ tỉnh xác định phải tạo chuyển biến rõ nét trong đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh. Trong đó, tập trung phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; đa dạng các loại hình dịch vụ chất lượng cao; phát triển công nghiệp hiện đại; phát triển du lịch theo chiều sâu, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng cơ chế huy động nguồn lực, đa dạng hóa hình thức đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng du lịch trọng điểm, giao thông… Tập trung phát triển các thành phần kinh tế, trọng tâm là phát triển doanh nghiệp tư nhân.
Cùng với phát triển kinh tế, tập trung phát triển, nâng cao chất lượng các hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo; bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa vùng Đất Tổ, nhất là hai di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" và "Hát Xoan Phú Thọ".
Để hiện thực hóa những mục tiêu đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhận định: Sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân, sự ổn định về chính trị tiếp tục là tiền đề, là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của tỉnh những năm tiếp theo.
Trên tinh thần đó phải tiếp tục xây dựng chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng. Nâng cao chất lượng, hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung hiện đại hóa nền hành chính gắn với hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Có thể thấy, Báo cáo chính trị trình tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã thể hiện rất rõ ý chí, khát vọng và quan điểm phát triển của tỉnh là: Phát triển nhanh, nhưng bền vững, lâu dài; không đánh đổi phát triển bằng những dự án tác động tiêu cực đến môi trường. Quyết tâm xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.