Đúng 19 giời 45 phút, Lễ hội dân gian đường phố Việt Trì năm 2017 bắt đầu diễu hành, biểu diễn với sự tham gia của hơn 1.800 diễn viên, nghệ nhân văn hóa dân gian đến từ các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Mở đầu buổi diễu hành là đội rồng, lân, cùng đội cờ hồng, cờ hội của 100 nam thanh niên tượng trưng cho 100 con lạc cháu hồng tạo nên không khí tưng bừng.
Đặc biệt đoàn xe tham gia diễu hành với các mô hình biểu trưng về thời đại Hùng Vương và xây dựng, phát triển của thành phố được Việt Trì tạo thêm cho Lễ hội dân gian đường phố Việt Trì thêm lộng lẫy, lung linh sắc màu.
Nhiều tiết mục biểu diễn của các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tái diễn, minh họa trong các tích, các trò dân gian truyền thống vùng Đất Tổ và sự phát triển của thành phố Việt Trì như Vua Hùng dạy dân cấy lúa; đâm đuống, rước Rải, hóa Rải; cướp bông ném chài; bơi chải…tạo thêm sức hấp dẫn của lễ hội. Với tiếng chuông, tiếng nhạc rộn ràng, cùng với sắc mầu rực rỡ của trang phục, cờ hoa, lễ hội đường phố đã tạo nên không khí sôi động thu hút đông đảo người dân đứng hai bên đường cổ vũ khi đoàn diễu hành đi qua.
Lễ hội dân gian đường phố Việt Trì. Ảnh: Xuân Hồng. |
Ngay sau lễ hội dân gian đường phố Việt Trì, 8 giờ 30 phút cũng tại sân khấu quảng trường công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì đã diễn ra chương trình nghệ thuật hoành tráng với Chủ đề “ Linh thiêng nguồn cội- Đất Tổ Hùng Vương”.
Chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, phong phú với 3 phần: Phần I mang tựa đề Linh thiêng Đất tổ Hùng Vương; phần II, Di sản các miền quê; phần III: Rạng ngời quê hương đất nước. Đặc biệt là các tiết mục đặc sắc mang đậm nét văn hóa đặc trưng của 6 tỉnh, thành phố gồm Phú Thọ, Hà Nội, Thái Bình, Bến Tre, Bình Phước, Vĩnh Phúc cũng được các nghệ sĩ thể hiện sâu sắc…
Chương trình nghệ thuận được tổ chức nhằm tôn vinh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; đồng thời giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa, cảnh sắc, thiên nhiên con người quê hương Đất Tổ, chào đón du khách về với cội nguồn các dân tộc Việt Nam, khẳng định trách nhiệm của dân tộc trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của nhân loại; Giáo dục truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc trong lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập và phát triển.
Theo kế hoạch, Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm 2017 diễn ra trong 6 ngày, từ mùng 1-6/4 năm 2017 (tức ngày 5 - 10/3 năm Đinh Dậu) với sự tham gia góp giỗ của thành phố Hà Nội cùng 3 tỉnh: Thái Bình, Bình Phước, Bến Tre.
Lễ hội năm nay sẽ có nhiều điểm mới, các hoạt động phần Lễ đều được điều chỉnh về thời gian cho phù hợp hơn, đảm bảo kết hợp hài hòa với các hoạt động phần Hội.
Các địa phương có đền thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương dâng hương theo nghi lễ truyền thống cùng thời gian tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ dâng hương tại Đền Thượng lúc 6h30 phút ngày 10/3 âm lịch.
Không gian Hội trong Lễ hội Đền Hùng năm nay tiếp tục được trải rộng từ Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đến thành phố Việt Trì, trong đó điểm nhấn là các hoạt động như: Hội thi bơi Chải Việt Trì mở rộng trên hồ Công viên Văn Lang ngày 1/4/2017 (tức 5/3 âm lịch); Chương trình “Hát Xoan làng cổ” gắn với các điểm du lịch di sản văn hóa tại Miếu Lãi Lèn (xã Kim Đức), Đình Hùng Lô (xã Hùng Lô), Đình An Thái (xã Phượng Lâu); Trưng bày tư liệu ảnh, hiện vật về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xưa và nay”… Đặc biệt, Hội sách Đất Tổ năm 2017 diễn ra từ ngày 2/4/2017 đến ngày 6/4/2017 (tức từ ngày 6/3 đến ngày 10/3 âm lịch) là một trong những điểm nhấn của Lễ hội năm nay.
Làn điệu Hát Xoan Phú Thọ do các nghệ nhân kế cận thuộc các làng Xoan gốc biểu diễn. Ảnh: Xuân Hồng |
Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại Lễ hội dân gian đường phố Việt Trì 2017.