Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia Vũ Thanh Xuân, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Trương Thế Côn cùng 30 học viên đang giữ ngạch Chấp hành viên trung cấp và Thẩm tra viên chính đến từ 18 Cục THADS địa phương và Tổng cục THADS.
Khẳng định vai trò hết sức quan trọng của thi hành án, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ nói chung, Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự nói riêng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức các cơ quan thi hành án dân sự. Đồng thời đánh giá cao Học viện Tư pháp trong việc tổ chức thành công nhiều lớp bồi dưỡng góp phần quan trọng vào việc hoàn chỉnh tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho công chức cơ quan thi hành án dân sự.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng đề nghị Học viện Tư pháp phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn, tốt hơn nữa với Tổng cục Thi hành án dân sự, các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ và đặc biệt với Học viện Hành chính Quốc gia trong quá trình tổ chức lớp học, nhất là về việc mời giảng viên tham gia giảng dạy, tổ chức, quản lý lớp học. Ngoài ra, bà Oanh cũng đề nghị các học viên nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, thu xếp thời gian công việc để tham gia lớp học được đầy đủ, đúng giờ, thực hiện đúng nội quy, quy chế lớp học của Học viện Tư pháp, tích cực tham gia vào học tập, chủ động tham gia trao đổi, thảo luận để tiếp thu hết và đầy đủ các kiến thức, kinh nghiệm do các giảng viên truyền đạt.
Qua đó, bà Oanh bày tỏ mong muốn sau khi tham gia lớp bồi dưỡng, các học viên sẽ nâng cao hơn nữa năng lực trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, các kiến thức, kỹ năng, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn công tác chỉ đạo, điều hành và thi hành án dân sự ở các địa phương để từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thi hành án dân sự, phục vụ cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế, quốc tế.
Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Trương Thế Côn khẳng định, Học viện Tư pháp luôn dành những điều kiện tốt đẹp nhất cho học viên về học các lớp đào tạo và bồi dưỡng tại Học viện Tư pháp. Đồng chí cũng cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tư pháp để công tác tổ chức lớp học được thuận lợi. Đồng chí chúc các học viên khi tham gia sẽ gặt hái được nhiều kiến thức bổ ích để sau khi hoàn thành khóa bồi dưỡng sẽ thực hiện tốt công việc của mình.
Được biết, chương trình bồi dưỡng ngạch Chấp hành viên cao cấp và Thẩm tra viên cao cấp được xây dựng dựa trên cơ sở Chương trình bồi dưỡng ngạch chuyên viên cao cấp do Bộ Nội vụ ban hành. Bên cạnh việc kế thừa nội dung các kiến thức nâng cao, các kỹ năng của ngạch chuyên viên cao cấp, Thẩm tra viên cao cấp, Chương trình bồi dưỡng này đã khắc phục sự trùng lặp về nội dung, bổ sung các kiến thức của ngành tư pháp, ngành thi hành án dân sự và đặc biệt là các kỹ năng đặc thù của ngạch công chức Chấp hành viên cao cấp, Thẩm tra viên cao cấp như: Kỹ năng xây dựng, quản lý dự án, đề án và kế hoạch trong thi hành án dân sự; Kỹ năng quản lý xung đột trong thi hành án dân sự; Kỹ năng xây dựng, hoàn thiện và theo dõi thi hành pháp luật trong thi hành án dân sự; Kỹ năng phối hợp và huy động sự ủng hộ trong thi hành án dân sự; Kỹ năng thực hiện thẩm tra, kiểm tra và tham mưu đề xuất hướng giải quyết những vụ việc đặc biệt phức tạp trong thi hành án dân sự; Kỹ năng hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ trong thẩm tra, kiểm tra thi hành án dân sự…
Chương trình bồi dưỡng ngạch Chấp hành viên cao cấp, Thẩm tra viên cao cấp bao gồm các chuyên đề kiến thức chung, kiến thức nâng cao tương ứng với ngạch chuyên viên cao cấp và các chuyên đề kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ đặc thù của ngạch Chấp hành viên cao cấp, Thẩm tra viên cao cấp. Chương trình có tổng thời gian bồi dưỡng là 6 tuần (30 ngày làm việc), với tổng thời lượng là 240 tiết, gồm 17 chuyên đề giảng dạy và 04 chuyên đề báo cáo, đi thực tế và viết đề án.