Anh Hoàng Minh Tâm ở Hà Nội cho biết đã dùng tài khoản thẻ ghi nợ của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) khoảng hơn 7 năm nay. Trước giờ anh thường xuyên sử dụng để giao dịch, thanh toán và đang có số dư hơn 94 triệu đồng trong tài khoản.
Vào khoảng khuya ngày 24/4, tin nhắn báo giao dịch rút tiền liên tục được gửi đến điện thoại anh. Tuy nhiên đến sáng 25/4, anh Tâm mới xem điện thoại và phát hiện có các tin nhắn báo đã bị rút tổng số tiền hơn 94 triệu đồng. Cứ một giao dịch thành công là trừ 10 triệu đồng. 9 giao dịch trừ hết 90 triệu đồng, giao dịch cuối cùng do số dư còn 4,9 triệu nên đối tượng xấu rút luôn số tiền này.
"Kiểm tra lại thì tôi vẫn thấy thẻ còn trong ví và trước giờ chưa bao giờ tiết lộ mật mã cá nhân cho ai", anh nói và cho biết ngay lập tức gọi điện lên tổng đài thẻ nhờ khoá tài khoản, sau đó đến chi nhánh ngân hàng tại Hà Nội làm đơn khiếu nại nhờ tra soát.
Tin nhắn báo giao dịch thành công và trừ tiền trong tài khoản của anh Tâm |
Trao đổi với VnExpress, đại diện Sacombank cho biết sau khi tiếp nhận thông tin, ngân hàng đã tiến hành kiểm tra ngay. Bước đầu nhà băng đã xác định được nguyên nhân khách hàng bị mất tiền là do bị kẻ gian đánh cắp thông tin để làm thẻ giả rút tiền. Sacombank sẽ hoàn tiền cho khách hàng trong ngày mai (26/4), đồng thời đang phối hợp với Công an công nghệ cao (C50) để điều tra.
Trước đó, một số trường hợp tương tự như anh Tâm gặp phải đã xảy ra. Kết quả điều tra của cơ quan công an cho thấy nguyên nhân bị mất tiền thường do chủ thẻ đã bị lộ thông tin thẻ khi cho người nhà, người khác sử dụng hoặc là bị đánh cắp thông tin tài khoản… Đại diện ngân hàng khuyến cáo, để hạn chế rủi ro khi sử dụng thẻ, khách hàng cần giữ gìn thẻ, bí mật số PIN, không cho người khác mượn, sử dụng thẻ, cũng như kịp thời liên hệ ngay với Trung tâm chăm sóc khách hàng để được hỗ trợ kịp thời.
Nhìn nhận về việc thời gian qua một số khách hàng bị mất tiền trong tài khoản thẻ do bị tội phạm mạng tấn công, các chuyên gia cho rằng đó là sự cố bình thường, có thể xảy ra trong bất kỳ nền tài chính nào trên thế giới. Sự việc khách hàng bị mất tiền gần đây cũng là các trường hợp xảy ra đơn lẻ, tội phạm đánh cắp hoặc lừa đảo khách hàng, lấy được thông tin đăng nhập vào dịch vụ ngân hàng điện tử hoặc số thẻ thanh toán thông qua các bên nằm ngoài hệ thống ngân hàng...
Mặt khác, khi các ngân hàng Việt Nam phát triển lớn mạnh, số lượng khách hàng ngày một nhiều thì sẽ đi cùng với việc bảo mật ngày một phức tạp và áp lực hơn. Nhất là khi tội phạm mạng luôn chạy trước, đón đầu về công nghệ thông tin.
Cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 30, bổ sung các quy định xử lý tra soát khiếu nại, hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán và quản lý vận hành đảm bảo an toàn của ATM.
Trong trường hợp tổn thất không do lỗi chủ thẻ hoặc không thuộc các trường hợp bất khả kháng thoả thuận tại hợp đồng, ngân hàng phải bồi hoàn tối đa trong 5 ngày làm việc kể từ khi có kết quả tra soát. Thời hạn tối đa các tổ chức phát hành thẻ phải thông báo kết quả tra soát là 45 ngày.
Nếu hết thời hạn xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại theo thỏa thuận tại hợp đồng mà vẫn chưa xác định được nguyên nhân hay lỗi thuộc bên nào thì trong vòng 15 ngày làm việc tiếp theo, tổ chức phát hành thẻ phải thỏa thuận với chủ thẻ về phương án xử lý hoặc tạm thời bồi hoàn tổn thất cho đến khi có kết luận cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền phân định rõ lỗi và trách nhiệm của các bên.
Với các trường hợp có dấu hiệu tội phạm, Ngân hàng Nhà nước quy định việc xử lý kết quả tra soát, khiếu nại thuộc trách nhiệm giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu xác định không có yếu tố tội phạm, tổ chức phát hành thẻ thỏa thuận với chủ thẻ về phương án xử lý kết quả tra soát, khiếu nại trong 15 ngày làm việc.