Kêu gọi tăng thuế tài sản với người giàu để giảm bất bình đẳng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLVN) - 26 người giàu nhất thế giới đang nắm giữ khối tài sản bằng số của cải mà một nửa số người thuộc nhóm nghèo nhất của nhân loại cộng lại, AFP dẫn báo cáo vừa được tổ chức từ thiện Oxfam cho biết.

Theo AFP, trong báo cáo được công bố ngay trước thềm Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Oxfam cho biết, trong năm 2018, mỗi ngày, tổng số tài sản của tất cả các tỉ phú thế giới đã tăng thêm 2,5 tỉ USD. Trong đó, trong năm ngoái, tổng tài sản của CEO Amazon Jeff Bezos - người giàu nhất thế giới – đã tăng lên thành 112 tỉ USD. Theo Oxfam, chỉ 1% tài sản của ông này đã tương đương toàn bộ ngân sách dành cho việc chăm sóc sức khỏe của người dân Ethiopia – một đất nước có 105 triệu dân. 

Vẫn theo báo cáo, trong năm ngoái, cứ 2 ngày, thế giới lại có thêm 1 tỉ phú mới. Trong khi đó, tổng tài sản của 3,8 tỉ người thuộc nhóm nghèo nhất thế giới lại giảm đến 11%. Oxfam cho rằng khoảng cách ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo đã làm suy yếu cuộc chiến chống đói nghèo, ảnh hưởng đến nền kinh tế của các nước và khiến sự bất bình của người dân gia tăng. “Mọi người trên thế giới đều tức giận và thất vọng”, Giám đốc điều hành Oxfam Winnie Byanyima cảnh báo trong một tuyên bố.

Oxfam cũng chỉ ra rằng trong những thập kỷ gần đây, các khoản thuế đánh vào người giàu và các doanh nghiệp đã liên tục giảm. Trong giai đoạn 1970 đến 2013, mức thuế cao nhất mà giới tài phiệt ở các nước phát triển phải nộp đã giảm từ 62% xuống còn 38%. Trong khi Chính phủ các nước không đánh thuế với người giàu thì họ lại thông qua các luật, đặt gánh nặng thuế lên những người nghèo thông qua các khoản thuế tiêu dùng như thuế giá trị gia tăng.

“Những người nghèo bị tước đi những dịch vụ cơ bản đến 2 lần và cũng phải chịu gánh nặng thuế cao hơn. Những khoản thuế không trực tiếp như thuế muối, thuế đường hay thuế xà phòng – vốn là những nhu yếu phẩm của người dân – khiến người nghèo phải trả nhiều tiền thuế hơn so với những người giàu”, Giám đốc điều hành Oxfam nói. 

Báo cáo của Oxfam cho biết, trong giai đoạn từ năm 1980 đến năm 2016, với mỗi USD tăng trưởng thu nhập trên toàn cầu, một nửa số người nghèo nhất trên thế giới chỉ được thụ hưởng 12 xu trong khi 1% những người giàu nhất được hưởng đến 27 xu. Trong bối cảnh như vậy, Oxfam thúc giục Chính phủ các nước tăng thuế với người giàu nhằm chống lại tình trạng bất bình đẳng đang gia tăng nhanh chóng thời gian qua. Ông Paul O’Bien - Phó Chủ tịch phụ trách công tác chính sách và vận động của Oxfam Mỹ - cho rằng, thay vì tập trung cho tăng trưởng bằng mọi giá, thế giới cần phải hướng tới “nền kinh tế vì con người”. 

Theo ông O’Bien, nền kinh tế như vậy sẽ chú trọng chăm sóc sức khỏe, giáo dục và bình đẳng giới cho người dân toàn cầu thay vì chỉ tập trung tăng trưởng kinh tế thuần túy. Theo tổ chức này, nếu những người giàu nhất trả thêm chỉ 0,5% thuế trên tổng số tài sản của họ thì sẽ có được số tiền đủ để 262 triệu trẻ em đang không được đến trường có điều kiện tiếp tục tiếp cận giáo dục, đồng thời cung cấp sự chăm sóc y tế có thể giúp cứu sống 3,3 triệu người. 

Đọc thêm

Tuyên bố đáng chú ý của Nga

Tuyên bố đáng chú ý của Nga
(PLVN) - Trong bối cảnh phương Tây thảo luận việc cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đưa ra tuyên bố: Nga có thể chuyển giao công nghệ hạt nhân cho "các quốc gia thù địch với Mỹ".

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua
(PLVN) - Thế giới vừa trải qua một cuối tuần nhiều biến động với loạt tai nạn thảm khốc xảy ra ở nhiều nơi: Xe khách lao xuống vực ở Brazil, máy bay Nga bốc cháy khi hạ cánh ở Thổ Nhĩ Kỳ, lũ quét kinh hoàng ở Indonesia và cháy lớn thiêu rụi khu ổ chuột ở Philippines...

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.