Kết thúc kỳ thi THPT Quốc gia 2024: Chưa ghi nhận gian lận có tổ chức

Bộ GD&ĐT họp báo kết thúc kỳ thi THPT 2024. (Ảnh: MT)
Bộ GD&ĐT họp báo kết thúc kỳ thi THPT 2024. (Ảnh: MT)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngay sau khi kết thúc môn Ngoại ngữ chiều 28/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã họp báo trả lời những câu hỏi “nóng” về kỳ thi. Theo đó, có 30 thí sinh vi phạm quy chế thi và bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi. Cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.

Không quá áp lực “cơ hội cuối”

Theo Bộ GD&ĐT, năm nay tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.071.393 (tăng hơn 45.000 thí sinh so với kỳ thi năm 2023). Trong đó, tổng số thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ là 66.927 thí sinh, chiếm 6,25% tổng số thí sinh (trong đó, Hà Nội có: 21.554 thí sinh; TP HCM có: 13.076 thí sinh). Như vậy, ngay khi kết thúc bài thi tổ hợp buổi sáng, đã có 66.927 thí sinh kết thúc sớm kỳ thi của mình.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 là năm cuối cùng thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2006, từ năm sau, các thí sinh sẽ thi theo chương trình mới. Tuy nhiên, phần lớn phụ huynh, học sinh đã không quá lo lắng trước sự thay đổi này...

Tại điểm thi THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), phụ huynh và học sinh đều có tâm thái lạc quan sau hai ngày thi cử vất vả. Chị Chu Thị Linh (54 tuổi, Nhật Tân, Hà Nội) chia sẻ, con chị học cấp III trường nghề, gia đình không tạo áp lực phải thi đỗ trường tốp, điểm cao cho con: “Kỳ thi vừa qua, cháu làm bài tương đối ổn. Gia đình chưa có định hướng cụ thể, đợi khi cháu đã có toàn bộ kết quả thi mới chọn trường, chọn nghề”. Chị rất hy vọng con sẽ đỗ các nguyện vọng như mơ ước vào năm nay. Tuy nhiên, nếu như không đỗ, gia đình chị Linh có rất nhiều phương án khác như cho con học nghề, học cao đẳng,...

Chị Trần Thị Hồng Sâm (44 tuổi, Nhật Tân, Hà Nội) con chị học Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), hiện tại con chị đã đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội bằng kỳ thi đánh giá tư duy. Chị cho biết: “Ngay từ đầu năm lớp 12, tôi biết năm nay là năm cuối cùng thi theo chương trình giáo dục phổ thông cũ, tuy nhiên, gia đình tôi và cháu không hề áp lực. Hiện tại, rất nhiều đại học, cao đẳng có mức điểm “dễ thở”, quan trọng là con tôi chọn được ngành học ưng ý. Kể cả cháu có dự định thi lại vào năm sau, theo tôi tìm hiểu và được biết học sinh chỉ cần thi 4 môn, thay vì 6 môn rất nhiều kiến thức. Vì vậy, dù cháu có nguyện vọng thi lại, gia đình cũng không quá lo lắng”.

Chị Tạ Bích Hạnh (Tây Hồ, Hà Nội), có con học THPT Phan Đình Phùng năm nay tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2024 cho biết, con chị đã đỗ khoảng 4 trường đại học theo diện xét tuyển sớm. Tuy nhiên, em muốn đạt điểm thật cao kỳ thi THPT quốc gia để lấy điểm xét tuyển vào Trường Đại học Ngoại giao (Hà Nội). Chị chia sẻ: “Nếu như năm nay cháu không đỗ vào Trường Đại học Ngoại giao, chúng tôi đã tư vấn rất nhiều phương án dự phòng cho cháu. Cháu sẽ học Đại học Luật Hà Nội, đến năm thứ 2 sẽ đăng ký học hệ văn bằng 2 của Trường Đại học Ngoại giao”.

Cũng giống như phụ huynh, sau kỳ thi, các thí sinh vẫn giữ được tinh thần lạc quan, không lo lắng hay bị áp lực tâm lý “cơ hội cuối”. Nguyễn Hữu An (20 tuổi) là một thí sinh tự do, sau khi hoàn thành nghĩa vụ công an, em đăng ký thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2024. Em chia sẻ: “Năm nay, em không có thời gian nhiều để ôn tập, nên chỉ cố gắng hoàn thành 100% sức lực. Đề thi môn Khoa học xã hội rất vừa sức, đề Văn không khó. Em dự định sẽ đăng ký vào các trường khối công an, quân đội. Mặc dù biết, năm sau thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhưng em không hề cảm thấy áp lực”.

Lê Minh Đức (20 tuổi), là một thí sinh tự do vừa xong nghĩa vụ công an (đội cảnh vệ) chia sẻ, đề thi năm nay tương đối dài và khó với các thí sinh tự do không có nhiều thời gian ôn luyện. Nhưng Minh Đức đã cố gắng hoàn thiện bài trong khả năng của mình. Em cho biết: “Thi lại vào niên học 2025 - 2026 sẽ khó khăn hơn, nhưng em không cảm thấy áp lực, vì hiện tại, em đã có được kiến thức nền tảng, dù phải thi theo chương trình mới em luôn luôn sẵn sàng”.

Doãn Gia Bảo (THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội) cho biết, năm nay đề Toán khá khó, đề môn Khoa học tự nhiên vừa sức, em đã hoàn thành tốt bài thi. Gia Bảo dự đoán mình đạt khoảng 26 điểm cho khối thi em chọn xét tuyển vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Em chia sẻ: “Với lực học của mình, em tự tin vào kết quả thi. Dù năm nay là năm cuối thi theo chương trình cũ, nhưng chỉ cần thí sinh học chắc, ôn luyện kĩ không có gì phải sợ, kể cả thi lại năm sau em cũng đã có “vốn” kiến thức rất tốt rồi”. Gia Bảo tâm sự, ngoài mục tiêu vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, em đã đỗ vào rất nhiều trường theo diện xét tuyển sớm.

Kỳ thi THPT có thật sự cần thiết để xét tuyển đại học?

Báo cáo về kỳ thi, GS.TS Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là: 1.071.393. Tổng số điểm thi: 2.323; tổng số phòng thi: 45.149. Các điểm thi đặt tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp thí sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở, tạo tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn khi làm bài, đồng thời không gây áp lực về giao thông tại các thành phố lớn.

Số liệu thống kê theo báo cáo của các địa phương và các đoàn thanh tra, kiểm tra cho thấy trong cả kỳ thi có 30 thí sinh vi phạm quy chế thi và bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi; trong đó có 3 thí sinh bị khiển trách, 1 cảnh cáo và 26 thí sinh bị đình chỉ thi. Không cán bộ nào vi phạm quy chế thi. Cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức. Các hành vi vi phạm quy chế của thí sinh đã được kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định của quy chế thi, bảo đảm tính nghiêm minh của kỳ thi.

Mặc dù niên học 2023 - 2024 là năm cuối thi theo chương trình cũ, nhưng phụ huynh, học sinh vẫn tương đối thoải mái. (Ảnh: PV)

Mặc dù niên học 2023 - 2024 là năm cuối thi theo chương trình cũ, nhưng phụ huynh, học sinh vẫn tương đối thoải mái. (Ảnh: PV)

Thiếu tướng Trần Đình Chung, Cục An ninh chính trị nội bộ (A03), Bộ Công an cho biết thêm, sự phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ GD&ĐT hết sức khách quan, kịp thời. Về công tác chỉ đạo của Bộ Công an và Bộ GD&ĐT được triển khai trên 100% công an các tỉnh, thành. Công tác phòng, chống gian lận công nghệ cao đã được quan tâm chỉ đạo và quán triệt đến các Hội đồng thi và các điểm thi, đến từng cán bộ tham gia công tác thi. Trong đó có sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tích cực của các đơn vị chức năng của Bộ Công an. Các Hội đồng thi đã thực hiện nghiêm theo hướng dẫn thi năm nay trong việc bố trí địa điểm bảo quản vật dụng cá nhân của thí sinh bảo đảm an toàn, cách phòng thi ít nhất 25m. Dù vậy, trong số 26 trường hợp bị đình chỉ thi đều do mang điện thoại vào phòng thi và đều được phát hiện kịp thời. Bộ Công an đều đã khuyến cáo và rà soát các thiết bị công nghệ cao.

Thiếu tướng Trần Đình Chung cho biết, về thông tin thất thiệt lộ đề thi Văn, Bộ Công an đã làm việc với đối tượng để cam kết. Tới đây, trong chấm thi, nếu có vấn đề nghi vấn, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp nhằm bảo đảm công bằng cho kỳ thi.

Kết thúc họp báo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, đề thi có chuyển hóa hơn để từng bước tiếp cận để thí sinh năm sau không có bất ngờ với đề thi theo chương trình mới. Về môn Văn, ngay khi nghe thông tin phản ánh về tin đồn thất thiệt, Bộ GD&ĐT đã trao đổi với Thiếu tướng Trần Đình Chung. “Chúng tôi khẳng định không lộ đề thi và không trùng đề thi môn Văn. Tới đây, qua chấm thi chúng tôi sẽ đối sánh để bảo đảm nghiêm túc an toàn, khách quan”.

Về chấm đề mở, những môn xã hội như môn Văn đều có điểm cao cho những sáng tạo đột phá đặc biệt. Ngữ liệu năm 2025 sẽ có những ngữ liệu không có trong SGK để hạn chế văn mẫu.

Trước câu hỏi, đến kỳ thi năm nay, vai trò của kỳ thi, áp lực không còn như trước nữa. Nhiều thầy cô chia sẻ rằng kỳ thi này chỉ mang tính hình thức, vì thực tế các em đã đỗ phương thức xét tuyển từ trước. Ngay cả các em học lực không tốt thì các em cũng đã đỗ vào các trường phù hợp. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, mục tiêu ý nghĩa kỳ thi tốt nghiệp thực hiện tốt, nghiêm túc. Năm 2025, giảm áp lực nhưng vẫn bảo đảm độ tin cậy để xét tuyển ĐH. Hiện nay có 60% các trường ĐH vẫn lấy điểm xét tuyển từ kỳ thi này. Cùng với đó, sắp tới kết luận Nghị quyết 29 sau 10 năm sẽ nói rõ hơn vấn đề này.

Đề thi tiệm cận chương trình mới 2025

Về đề thi với các môn KHTN và KHXH, cũng như đề thi Ngoại ngữ được thí sinh, thầy cô đánh giá vừa sức. Riêng môn Lịch sử ở phần thi KHXH được thầy cô nhận xét đã tiếp cận chương trình mới theo lối ra đề năm 2025. Theo Bộ GD&ĐT, công tác đề thi được thực hiện nghiêm túc, an toàn, bảo mật từ Trung ương đến địa phương. Đề thi cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức thi. Theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi các bài thi/môn thi nằm trong chương trình THPT, có sự phân hóa phù hợp bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.

Theo GS Nguyễn Ngọc Hà, Ban Đề thi kỳ thi THPT 2024, đề thi năm nay được đổi mới, sát thực tế. Mặc dù cấu trúc định dạng đề thi không thay đổi. Tuy nhiên, cách thức gắn với thực tiễn mang tính phát triển tiệm cận với đề năm 2025 để các em khỏi bỡ ngỡ.

Đọc thêm

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi): Đưa Thủ đô thành trung tâm lớn về giáo dục, đào tạo chất lượng cao

Ảnh minh họa: Một tiết học của Trường chất lượng cao THPT Phan Huy Chú. Ảnh: VGP
(PLVN) - Theo dự kiến chương trình, trong tuần này, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Qua thảo luận, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành với các quy định nhằm việc phát triển giáo dục tại Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục chất lượng cao.

Lưu ý 'vàng' giữ vững tâm lý cho sĩ tử thi tốt nghiệp THPT trước giờ G

Ảnh minh họa: Internet

(PLVN) - Chỉ còn 1 ngày nữa là chính thức diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2024 (từ 26/6 đến 29/6), đây là khoảng thời gian thí sinh 'tăng tốc' để 'về đích'. Bên cạnh việc củng cố kiến thức, các sĩ tử cũng cần chú ý tới cả sức khỏe cơ thể và tinh thần của bản thân, để khi ngày thi tới có thể làm bài với tâm thế tốt nhất.

Trước thềm Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2024: Quán triệt tinh thần không lơ là, chủ quan

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng (thứ ba từ trái sang) kiểm tra chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT tại tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: MT)
(PLVN) - Chỉ còn hai ngày nữa, hơn một triệu thí sinh trong cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) 2024. Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo thi quốc gia cho biết, tất cả đã sẵn sàng cho kỳ thi an toàn, nghiêm túc.