QTV - Chiều 28/5, tại trụ sở Ban quản lý các Di tích trọng điểm Quảng Ninh đã diễn ra Hội nghị Báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò khai quật khảo cổ học di tích Lăng Tư Phúc, thuộc khu di tích nhà Trần tại xã An Sinh, huyện Đông Triều.
Viện khảo cổ học, thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Ban quản lý các Di tích trọng điểm Quảng Ninh đã phối hợp nghiên cứu, khai quật, thăm dò khảo cổ học Di tích Lăng Tư Phúc, thuộc khu di tích nhà Trần tại xã An Sinh, huyện Đông Triều. Đến thời điểm này, việc chỉnh lý hiện vật cơ bản đã hoàn tất.
Kết quả bước đầu đã xác định được cơ bản phạm vi phân bố của di tích lăng Tư Phúc nằm trong quả đồi thứ hai thuộc khu núi Tập Bắn. Trong quá trình khai quật đã làm xuất lộ một phần con đường chính dẫn từ khu vực chân đồi lên đỉnh đồi, với quy mô và cấu trúc kiên cố nằm trên trục Bắc Nam và một hệ thống các thành tố kiến trúc bao gồm bó nền, chân tảng còn nằm nguyên vị trí hoặc là các dấu vết gia cố móng trụ.
Bên cạnh đó, cũng đã phát hiện được các loại hình di vật qua các thời kỳ khác nhau từ thời Bắc thuộc, thời Trần, thời Lê Sơ, thời Lê Trung Hưng rất đa dạng bao gồm: đồ gốm sứ, đồ sành, gạch, ngói, các họa tiết trang trí với đường nét và hoa văn tinh tế… Các liệu địa tầng và di vật trên cho thấy kiến trúc này có thể được xây dựng từ thời Lê được tồn tại và kéo dài cho đến tận thời Nguyễn. Việc khai thác trên cũng đã phần nào làm rõ được nghi vấn trong việc ghi chép của sách Trần triều thánh tổ các xứ đồ về việc tồn tại di tích lăng Tư Phúc.
Việc kết nối đền An Sinh với lăng Tư Phúc sẽ tạo một cụm di tích có quy mô rộng lớn, cảnh quan đa dạng, và mang ý nghĩa tâm linh. Theo quan điểm của Viện khảo cổ học, cụm di tích này cần có một kế hoạch tổng thể cho việc nghiên cứu toàn diện nhằm cung cấp các cứ tư liệu khoa học tin cậy cho việc quy hoạch, trùng tu và phát huy các giá trị của di tích lăng Tư Phúc.
Hồng Phương