Doanh nghiệp lớn, nhỏ đều... kết nối
Với khoảng 10 triệu dân đang sinh sống, làm việc và học tập trên địa bàn, Sở Công Thương Hà Nội cho biết nhu cầu tiêu dùng nông sản trong 1 tháng của Thủ đô rất lớn. Ví dụ như gạo cần khoảng 83.400 tấn (Tết sẽ tăng thêm khoảng hơn 4.000 tấn); thịt lợn hơi cần 20.000 tấn (Tết cũng tăng khoảng 4.000 tấn); thịt bò cần khoảng hơn 5.000 tấn (Tết tăng thêm khoảng hơn 1.000 tấn)...
Theo báo cáo 10 tháng năm 2017, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội tổ chức nhiều chương trình kết nối hàng hóa giữa Hà Nội và các địa phương với hàng trăm biên bản ghi nhớ được ký kết trong việc tiêu thụ nông sản các tỉnh trên địa bàn Thủ đô, trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng.
Ngoài công tác kết nối cung cầu, Hà Nội cũng hỗ trợ tổ chức, cá nhân cung ứng cho thị trường Hà Nội những sản phẩm đảm bảo chất lượng, có xuất xứ rõ ràng. Thực hiện chọn lựa các cơ sở chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản và các mặt hàng để hỗ trợ xây dựng tem điện tử thông minh QR code cho 250 dòng sản phẩm trong đó có các sản phẩm có nguồn gốc từ các tỉnh chuyển về Hà Nội...
Ông Sỹ Danh Phúc- Giám đốc Fivimart Trúc Khê cho biết, ông tham gia vào hầu hết các chương trình kết nối để tìm kiếm nông sản, đặc sản các miền, bổ sung vào kệ siêu thị. Ông Phúc đánh giá, các tỉnh còn ít DN quy mô lớn làm đầu mối thu mua hàng hóa, điều này khiến DN Hà Nội gặp khó khăn trong quá trình thu mua lượng hàng lớn.
Một thương hiệu mạnh như Nutifood cũng xuất hiện ở các hội thảo kết nối hàng hóa khiến không ít người tham gia giật mình. Bởi hiện nay, hầu như các mặt hàng của Nutifood đã xuất hiện ở khắp các kênh phân phối như siêu thị, đại siêu thị, các cửa hàng, đại lý bán lẻ với hơn 200.000 cửa hàng, doanh thu gần 10.000 tỉ đồng.
Xu hướng bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng lên ngôi
Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc Xúc tiến thương mại Nutifood cho biết, việc tham gia kết nối hàng hóa giữa các vùng miền mang lại rất nhiều giá trị như cùng chung nhau lại kết nối tạo thành sức mạnh. Trong quá trình hội nhập cần có những cơ hội kết nối để tạo sức mạnh và tiếng nói riêng cho hàng Việt vì hàng Việt có nhiều điểm mạnh để chinh phục thị trường nhưng điểm yếu lớn nhất là không có ngân sách cho quảng cáo.
Ông Đức cũng cho biết, hiện Nutifood đang tập trung phát triển kênh phân phối hiện đại (từ nhà sản xuất đến thẳng tay người tiêu dùng) nhưng kết quả chưa đạt được bao nhiêu, trong khi các đại gia bán lẻ nước ngoài đang đầu tư rất lớn vào kênh phân phối hiện đại này. Do vậy, ông Đức mong muốn ngày càng có nhiều chương trình kết nối để tăng khả năng thâm nhập thị trường cho hàng Việt và giảm chi phí vào giá thành cho người tiêu dùng.
Ông Đoàn Văn Triều, Giám đốc Cty đặc sản Tây Bắc Việt Nam thì cho biết, đơn vị của ông đã tham gia kết nối 2 năm, mức đầu tư thường không tính toán được vì đi xa hay gần, mang nhiều hay ít trong số 15 dòng sản phẩm. Mỗi lần tham dự ông Triều đều mong có thể gặp gỡ kết nối với các đơn vị bán lẻ để tìm đầu ra cho sản phẩm. “Thường thì mỗi lần tham gia kết nối sẽ có nhiều biên bản ghi nhớ được ký kết và khoảng 80% số hợp đồng này sẽ được triển khai thực hiện. Đó là một kết quả khá cao” - ông Triều chia sẻ.
Ông Triều cũng cho biết, các dòng sản phẩm nông sản là đặc sản vùng Tây Bắc của công ty ông không thể tìm đến các kênh phân phối truyền thống vì giá cả không phù hợp với đa dạng khách hàng và sản phẩm Tây Bắc không thể cạnh tranh bằng giá cả vì chi phí làm ra một sản phẩm rất cao. Do đó, ông chủ yếu phát triển bán lẻ ở các chuỗi cửa hàng, ở các khu vui chơi giải trí như kết hợp với Sun Group bán ở các khu vui chơi của họ hoặc tìm kiếm các đối tác lớn để cùng thực hiện các hộp quà vào dịp Lễ, Tết, sinh nhật Cty....
Nguyễn Nho Lý, Tổng giám đốc Cty CP đầu tư xuất khẩu An Phong (Đăk Nông) mặc dù khá dè dặt với các chương trình hội nghị kết nối nhưng cũng đã tìm kiếm được vài đối tác cho việc tiêu thụ các sản phẩm của mình. Ông Lý cho biết, do nhận thức được việc các mặt hàng của Cty không có nhiều lợi thế khi cạnh tranh ở kênh siêu thị nên luôn tìm cách phát triển hệ thống bán hàng ở các kênh hiện đại.