Tấm gương xả thân vì nước
Bà Bích quê ở xã Quế Trung. Năm 15 tuổi, bà đã theo du kích lên núi tham gia kháng chiến. Sau ngày hòa bình lập lại, bà công tác trong ngành giao thông rồi về nghỉ hưu tại xã Quế Trung.
Nhiều năm trước, bà Bích có nghe cha kể những hồi ức về thời chiến tranh. Trong câu chuyện, ông có nhắc đến khu mộ của 21 chiến sĩ vô danh tại khu vực rừng núi Gò Trại, thuộc thôn Ninh Khánh 1, xã Quế Ninh (huyện Nông Sơn), hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Theo đó, cuối năm 1969, giặc Mỹ mở những đợt càn quét khốc liệt lên mảnh đất Quảng Đà. Nhiều chiến sỹ Mặt trận 44 Quảng Đà bị thương và được chuyển lên bệnh xá 78 Hòn Tàu (Nông Sơn) để chữa trị.
Hôm ấy, các thương binh đang được cáng qua đường hành lang thì bị sa vào bẫy phục kích của Mỹ. 20 thương binh thuộc Trung đội 31, Sư đoàn 2 (QK5) cùng 1 nữ y tá đã hy sinh tại nơi này. Đa số họ là bộ đội từ miền Bắc vào. Nghiệt ngã hơn, sau khi xả súng, bọn địch thu đốt hết mọi giấy tờ tùy thân của các anh chị rồi cử lính ở lại canh không cho dân lấy tử thi. Mãi đến khi thi thể các chiến sĩ bị thú rừng xâm hại, chúng mới chịu rút đi.
Sau khi bọn địch rời đi, nhân dân trong vùng lên chôn cất. Càng về sau, khu vực yên nghỉ của các liệt sĩ càng vắng người qua lại. Phần vì thời giân, phần vì nhân dân bị ám ảnh bởi cảnh tượng xót thương năm nào. Các liệt sĩ đã nằm xuống nhưng không ai biết tên tuổi, quê quán của họ. Cha mẹ, người thân cũng không hay biết các họ nằm lại nơi này.
Mãi đến năm 2009, ông Trương Thành Tá (SN 1940, nguyên là Trạm trưởng giao bưu trong thời kháng chiến, về nghỉ hưu tại địa phương) biết rõ câu chuyện đã đề xuất với chi bộ thôn vận động nhân dân góp công, góp của lập bia tưởng niệm 21 liệt sĩ chưa biết tên.
Bà Bích kính lễ tại nhà bia tưởng niệm |
Cuộc vận động đã quyên góp được 14 triệu đồng, đến năm 2012 đã dựng được tấm bia ghi công các liệt sĩ. Kể từ đó, nhân dân trong vùng thường đến thắp hương tưởng nhớ những người đã xả thân vì Tổ Quốc. Tuy vậy, đường đến nơi này còn hoang sơ, cách trở. Được vài năm, cây rừng phát triển rậm rạp che khuất tấm bia tưởng niệm.
Năm 2015, bà Bích cùng Thượng tá Trần Thanh Đàm, Chủ nhiệm Kho kỹ thuật CK55 (Quân khu V) - đơn vị đóng ở xã Quế Trung lên núi Hòn Than thắp hương. Nghe người dân nhắc về Trại Tiệp, nhớ lại lời kể của cha, bà Bích đã cùng thượng tá Đàm tìm đến nơi này.
Chứng kiến nơi thờ cúng, tưởng niệm các liệt sĩ còn quá đơn sơ, hoang vắng, ngay lập tức bà Bích đã nảy ra ý tưởng xây một nhà bia tưởng niệm sao cho xứng với sự hy sinh của các liệt sĩ cho đất nước.
Được sự khích lệ của người thân và thượng tá Đàm, về nhà, bà Bích bắt tay ngay vào việc vận động tài chính để thực hiện tâm nguyện của mình. Để có nguồn kinh phí ban đầu, bà đã bạo gan cầm sổ đỏ ngôi nhà đang ở để vay ngân hàng. Sau đó, bà tất bật ra Bắc vào Nam, tìm bạn bè, đồng nghiệp, người quen vận động quyên góp.
Thấu hiểu tâm nguyện cao cả của bà Bích, những mạnh thường quân đã đóng góp, cùng với số tiền cá nhân bà Bích bỏ ra được khoảng 300 triệu đồng. Con đường độc đạo từ trung tâm xã đến khu tưởng niệm chỉ dài hơn 1 cây số nhưng vô cùng gập ghềnh, cách trở. Do xe tải không vào được nên vật liệu xây dựng phải thuê nhân công cõng hoặc khiêng từng ít một vào, rất vất vả.
Mặc dù vậy với lòng quyết tâm, chỉ sau thời gian ngắn, một nhà bia tưởng niệm đã được xây dựng trên khuôn viên rộng hơn 300m2 giữa rừng thiêng nước độc. Do không biết chính xác ngày hy sinh của các liệt sĩ nên bà Bích cùng thống nhất với địa phương ghi lên bia ngày 27/7/1969, lấy ngày này làm ngày giỗ hằng năm.
Sức lan tỏa của tấm lòng cao quý
Nhà bia tưởng niệm cơ bản hoàn tất nhưng bà Bích chưa thể nào an lòng. Con đường dẫn vào còn quá cách trở. Hơn nữa, đây là tuyến đường độc đạo của hơn 100 hộ dân thôn Ninh Khánh 1 và các thôn lân cận. Vì thế, trong ngày địa phương tổ chức khánh thành nhà bia tưởng niệm, bà Bích đã mạnh dạn nêu nguyện vọng muốn vận động để nâng cấp con đường này.
Xuất phát từ lời kêu gọi trên của bà Bích, Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt đã tài trợ hàng tỷ đồng xây dựng đường bê tông vào khu tưởng niệm. Con đường rộng 4m, dài hơn 1 cây số, gồm cả một cây cầu bắc qua khe Sổ đã hình thành, giúp cho việc đi lại của nhân dân thôn Ninh Khánh 1 và việc thờ cúng các liệt sĩ được thuận lợi hơn.
Tái hiện Bếp Hoàng Cầm trong không gian Khu tưởng niệm |
Trong thời gian các đơn vị xây dựng đường, bà Bích lại tiếp tục vận động đóng góp nâng cấp khu mộ thành một khu tưởng niệm khang trang. Ngoài nâng cấp nhà bia đã xây dựng từ năm 2016, một số công trình gồm 1 gian nhà, có bàn ghế, có chỗ mắc võng, có bàn cờ tướng, bếp Hoàng Cầm... được hình thành, tái tạo không gian sinh hoạt của các chiến sĩ giải phóng quân năm xưa.
Hưởng ứng lời kêu gọi của bà Bích, nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên khắp cả nước đã hỗ trợ bằng tiền hoặc vật liệu để xây khu tưởng niệm. Hiện còn một vài hạng mục như giếng nước, nhà vệ sinh... bà Bích đang tiếp tục vận động xây dựng để hoàn thiện.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành nhà bia khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đường hành lang Trại Tiệp vào ngày 9/10 vừa qua, bà Bích chia sẻ: “Là một người từng tham gia kháng chiến, chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh nên thâm tâm tôi luôn nghĩ về các liệt sĩ đã ngã xuống. Những câu chuyện này mãi ghi trong tâm trí nên tôi quyết định vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương để xây dựng Khu tưởng niệm”.
Theo ông Lê Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Ninh, Khu tưởng niệm sẽ là nơi để chính quyền địa phương nhắc nhớ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ con em địa phương sau này.
Trao đổi với PV, bà Bích cho biết, bà còn đau đáu một nguyện vọng nữa, đó là làm sao để “trả lại tên” cho các liệt sĩ để thân nhân các anh, chị biết và viếng thăm, góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát của các gia đình từ cuộc chiến.
“Trước đây, nơi này là chiến khu và có một trạm y tế, bộ đội hy sinh tại đây rất nhiều. Thời gian tới, tôi muốn tiếp tục vận động mở rộng thêm khu tưởng niệm, nắm bắt thêm thông tin về các liệt sĩ ngã xuống tại nơi này để tỏ lòng tri ân” - bà Bích nói.