Như Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh, Cơ quan điều tra (CQĐT) Bộ Công an vừa hoàn tất Kết luận điều tra (KLĐT), đề nghị truy tố 38 bị can về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Tham ô tài sản”, “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.
Thu lợi bất chính hơn 1.235 tỷ đồng
Theo KLĐT, trong tổng số 8.778.986 test xét nghiệm mà Cty Việt Á đã sản xuất trong các năm 2020 và 2021, Cty Việt Á đã tiêu thụ (bán, cho/tặng, ứng trước) cho các đơn vị, cơ sở y tế 8.361.087 test xét nghiệm, tổng trị giá gần 4.000 tỷ đồng (tính theo đơn giá 470.000 đồng/test). Trong đó, đã được thanh toán 5.918.266 test xét nghiệm, tổng giá trị hơn 2.257 tỷ đồng.
Liên quan đến việc Cty Việt Á bán test xét nghiệm cho các đơn vị, cơ sở y tế công lập, sử dụng ngân sách nhà nước để thanh toán, CQĐT đã tiến hành điều tra làm rõ.
Trong đó, CQĐT khởi tố điều tra về việc Phan Quốc Việt và đồng phạm vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng trong quá trình Cty Việt Á tiêu thụ 679.616 test xét nghiệm tại CDC các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Nghệ An, Bình Dương, gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 222 tỷ đồng. Ngoài ra, CQĐT Công an 15 tỉnh, thành đã khởi tố 15 vụ án về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” với tổng số 597.727 test xét nghiệm, gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 180 tỷ đồng.
Như vậy, Việt và đồng phạm vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng trong quá trình Cty Việt Á tiêu thụ 1.277.343 test xét nghiệm tại các đơn vị, cơ sở y tế công lập trên địa bàn cả nước gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 402 tỷ đồng.
Cũng theo KLĐT, lợi nhuận định mức mà Cty Việt Á được hưởng khi được giao quyền sản xuất, kinh thương mại hóa test xét nghiệm COVID-19 phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 là 5%, xác định giá thành sản xuất test xét nghiệm COVID-19 của Cty Việt Á được giao quyền sản xuất, kinh doanh, thương mại hóa test xét nghiệm COVID-19 phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 là 143.461 đồng. Vì vậy, Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định số tiền hưởng lợi trái phép của Cty Việt Á là hơn 1.235 tỷ đồng.
Trong vụ án này, Việt bị xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu. Lợi nhuận thu được từ việc nâng khống giá kit xét nghiệm, Việt đã dùng số tiền rất lớn để chi hối lộ, “cảm ơn” cho nhiều người là lãnh đạo, cán bộ của một số bộ, ngành.
Những lần nhận tiền của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế
Theo KLĐT, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã can thiệp, tác động và chỉ đạo giúp Cty Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành test xét nghiệm COVID-19; hiệp thương giá và kiểm tra hiệp thương sai quy định. Việt đã 4 lần hối lộ ông Long tổng số 2,25 triệu USD (tương đương 51,1 tỷ đồng).
Cụ thể, trước Tết Nguyên đán năm 2021, Nguyễn Huỳnh (thư ký của ông Long) gọi điện cho Việt qua ứng dụng WhatsApp trao đổi về việc ông Long đang cần huy động một số tiền lớn để xử lý công việc. Huỳnh đề nghị Việt bố trí một khoản tiền để chuyển cho Bộ trưởng. Việt hỏi số tiền cụ thể và cần vào thời gian nào? Huỳnh nói “tùy Việt bố trí”. Quá trình nói chuyện, Huỳnh chốt: “1 triệu USD được không, xử lý càng sớm càng tốt”.
Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. |
Sau khi chuẩn bị được tiền, Việt nhắn tin cho Huỳnh và được hẹn đến nhà riêng của Huỳnh ăn tối. Đến hẹn, Việt xách theo một túi vải to màu xanh, bên ngoài có in chữ “chúc mừng năm mới”, bên trong đựng 1 triệu USD (tương đương 22,8 tỷ) và 2 tỷ đồng. Đến nhà, Việt đưa chiếc túi này cho Huỳnh để chuyển 1 triệu USD cho ông Long và 2 tỷ đồng cho Huỳnh. Số tiền 1 triệu USD sau đó được Huỳnh chuyển cho ông Long, số tiền còn lại, Huỳnh sử dụng cá nhân.
Khoảng 10 tháng sau, ông Long nhắn tin cho Huỳnh qua ứng dụng Telegram, nói Huỳnh đề nghị Việt chi kinh phí để xử lý công việc. Huỳnh báo cho Việt và được đồng ý.
Một ngày đầu tháng 11, Huỳnh hẹn Việt đến căn hộ tại phố Núi Trúc (phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội) vào buổi tối. Do bận đưa ông Long đi có việc, Huỳnh đã cung cấp mật khẩu cửa căn hộ cho Việt.
Khoảng 19h, Huỳnh về đến căn hộ thì thấy Việt đã ngồi chờ sẵn trong phòng khách. Tại đây, Việt đưa cho Huỳnh một túi vải màu xanh để chuyển cho ông Long. Đến khoảng 20h, Việt ra về. Lúc này, Huỳnh xách theo túi tiền xuống hầm tòa nhà cất vào cốp xe ô tô và đi đón ông Long.
Khi đưa ông Long về đến nhà, Huỳnh xuống mở cốp xe xách túi vải màu xanh do Việt đưa, xách đi vào hầm và để sát thang máy. Ông Long xách chiếc túi này lên phòng làm việc, kiểm tra trong túi có 1 triệu USD.
Ngoài 2 lần đưa tiền trên, ngày 29/6/2021, tại phòng khách quốc tế trụ sở Bộ Y tế, Việt gặp ông Long để bàn về việc sản xuất vaccine phòng COVID-19. Trước khi ra về, Việt đưa cho ông Long một túi vải màu xanh, bên trong đựng 50.000 USD…
Quá trình điều tra, Bộ Công an đánh giá ông Long thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với CQĐT để làm rõ bản chất vụ án. Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế cũng được ghi nhận có thành tích xuất sắc trong công tác và nộp khắc phục phần lớn số tiền nhận từ Việt.
Theo KLĐT, hành vi của ông Nguyễn Trường Sơn (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế) có dấu hiệu của tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tuy nhiên, ông Sơn ký Quyết định cấp số đăng ký lưu hành không phải là nhiệm vụ thường xuyên (thuộc chức năng, nhiệm vụ của ông Trương Quốc Cường (cựu Thứ trưởng Bộ Y tế) nhưng ông Cường đề xuất phân công người khác nên Bộ Y tế phân công ông Sơn ký). Ông Sơn cũng không thông đồng, thỏa thuận để làm lợi cho Cty Việt Á, không được hưởng lợi, không có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
Ông Sơn đã bị kỷ luật Cảnh cáo về Đảng theo Quyết định ngày 25/5/2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, kỷ luật Cảnh cáo về chính quyền theo Quyết định ngày 24/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, vận dụng các quy định của pháp luật, CQĐT không khởi tố điều tra, đề nghị truy tố với ông Sơn.
Với ông Trương Quốc Cường, theo CQĐT, ông Cường không có sai phạm, trách nhiệm trong việc cấp số đăng ký lưu hành test xét nghiệm cho Cty Việt Á trái quy định pháp luật. Ông Cường có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) trong kiểm tra, chỉ đạo kết luận kiểm tra giá hiệp thương. Tuy nhiên, ông Cường không thông đồng, thỏa thuận để làm lợi cho Phan Quốc Việt và Cty Việt Á, không được hưởng lợi, không có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
Sai phạm trong việc kiểm tra giám sát, trách nhiệm chính thuộc về Nguyễn Thanh Long với vai trò Bộ trưởng Bộ Y tế, trực tiếp phụ trách Vụ Kế hoạch & Tài chính do Nguyễn Nam Liên làm Vụ trưởng. Việc không có kết quả kiểm tra giá hiệp thương là chủ đích của Nguyễn Nam Liên và Nguyễn Thanh Long nên không xem xét trách nhiệm hình sự của ông Cường.