Thay đổi căn bản quan điểm xây dựng pháp luật
Việc xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước bền vững đã được Đảng ta đề ra từ Đại hội XI. Tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, vấn đề này tiếp tục được xác định là khâu đột phá trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và cho cả giai đoạn 10 năm 2021 - 2030.
Theo đó, Nghị quyết Đại hội XIII nhấn mạnh: tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính.
Quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 14/10/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 19-KL/TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Theo đánh giá của các chuyên gia, quan điểm xây dựng pháp luật theo Kết luận 19 đã có sự thay đổi căn bản, xác định trọng tâm là bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp thay vì phục vụ cho công tác quản lý nhà nước; đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đề ra giải pháp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo đảm đất nước phát triển bền vững.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của Quốc hội có một Kết luận do Bộ Chính trị ban hành để định hướng các nhiệm vụ lập pháp trong cả nhiệm kỳ. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Kết luận 19-KL/TW là định hướng hết sức quan trọng để Quốc hội xem xét, quyết định chương trình xây dựng pháp luật hàng năm. Trên cơ sở định hướng dài hạn 5 năm, Quốc hội chủ động hơn, vào cuộc từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan để bảo đảm tiến độ, chất lượng của công tác xây dựng pháp luật, tránh tình trạng “bắc nước sôi chờ gạo”, cái đang cần lại không có để xem xét, thông qua; cái mà các cơ quan trình lại chưa thực sự cấp thiết, hoặc cấp thiết nhưng chuẩn bị chưa kỹ lưỡng.
Đến nay, nước ta đã có hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ, đồng bộ, thống nhất. Tuy nhiên, so với thực tiễn phát triển của đất nước, hệ thống pháp luật vẫn còn hạn chế. Tính ổn định và khả năng dự báo trong một số lĩnh vực chưa cao; một số quy định chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thậm chí còn có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn. Công tác tổ chức thi hành pháp luật vẫn là khâu yếu, chưa gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật.
Để đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới, ngay tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh phải đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; Ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội.
Xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn
Phát biểu quán triệt và chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận 19-KL/TW diễn ra vào đầu tháng 11/2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu rõ, trong quá trình xây dựng pháp luật, cần nhận thức, quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - một nhà nước thực sự kiến tạo khung khổ thể chế, pháp luật cho sự phát triển của đất nước, của dân tộc. Do đó, hệ thống pháp luật phải đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, bảo đảm cho bộ máy nhà nước vận hành trôi chảy…
Thường trực Ban Bí thư cho rằng, quá trình xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, chuẩn bị sớm, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia - dân tộc làm trọng tâm; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước.
Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh yêu cầu không được để xảy ra tình trạng luật mới được ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung, xa rời thực tiễn, luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư. Thực tiễn luôn phong phú, sinh động; nhiều vấn đề luật pháp chưa thể theo kịp thực tiễn, quy định pháp luật xa rời cuộc sống... Bởi vậy, trong quá trình xây dựng pháp luật, phải bám sát và đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn, giải quyết những vấn đề mới nảy sinh. Tuy nhiên, phải bình tĩnh, nghiên cứu, dự báo thấu đáo, khoa học những vấn đề của thực tiễn đặt ra, không nóng vội, chủ quan, chạy theo dư luận xã hội.
Cũng tại Hội nghị này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng yêu cầu cả về hình thức, nội dung và chất lượng hệ thống pháp luật phải bảo đảm. “Chất lượng các đạo luật cuối cùng là phải phản ánh được thực tế cuộc sống, phải đáp ứng được yêu cầu kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bảo đảm yêu cầu hội nhập quốc tế, các yêu cầu về quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, trật tự an toàn của đất nước. Cuộc sống mà không được thể hiện trong các văn bản pháp luật thì pháp luật cũng khó lòng đi vào cuộc sống được”- Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ yêu cầu xây dựng pháp luật phải phản ánh được thực tiễn cuộc sống, kiến tạo phát triển kinh tế - xã hội. |
Nhấn mạnh đến tinh thần “dĩ công vi thượng” trong quá trình nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới luật, pháp lệnh, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần quan tâm chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không để xảy ra việc lồng ghép “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản luật; quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Kiên quyết không trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án, dự thảo không bảo đảm chất lượng và tiến độ. Bên cạnh đó, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương lập pháp gắn với trách nhiệm của tập thể, tổ chức và cá nhân, nhất là của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, người đứng đầu trong việc không hoàn thành nhiệm vụ.
Thực hiện tốt những yêu cầu đặt ra trong Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị sẽ góp phần hiện thực hóa những đột phá chiến lược về hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra. Đây cũng là hành động thiết thực để thực hiện lời hứa của Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trước cử tri và nhân dân, đó là nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp của Quốc hội, đưa công tác lập pháp không ngừng đổi mới; điều chỉnh và chú trọng việc “đưa cuộc sống vào luật”; đặt lợi ích quốc gia, lợi ích của nhân dân lên trên hết và trước hết.
Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022, diễn ra vào cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ, ngành Tư pháp cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Trong đó cần thấm nhuần phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể trong xây dựng và thực thi pháp luật. Phải bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo và căn cứ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật. “Vừa làm, vừa hoàn thiện, không cầu toàn, không nóng vội; trước mắt là tháo gỡ những nút thắt về thể chế”, Thủ tướng lưu ý.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ, ngành Tư pháp đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế, coi đây là đầu tư cho phát triển. Trong đó đầu tư cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư cơ sở vật chất; đầu tư tài chính; chế độ, chính sách cho người làm pháp luật ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ và cân đối với các ngành, nghề khác.