Số liệu công bố mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong khoảng hơn 30 năm qua, xu hướng hôn nhân ở nước ta thay đổi rất lớn. Tuổi kết hôn tăng mạnh, tỷ lệ kết hôn giảm. Từ 1989 - 2023, trung bình độ tuổi kết hôn lần đầu của nam từ 24,4 và nữ 23,2; đã tăng lên 29,3 với nam và 25,1 với nữ. Tỉ lệ người độc thân từ 6,23% năm 2004 lên 10,1% năm 2019.
Xu hướng không muốn, hoặc sinh 1 con đang lan rộng trong các đô thị, nhất là những TP lớn. Tại TP HCM, số liệu thống kê vào tháng 7/2024 cho thấy, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu là 30,4; mức “kỷ lục” tại Việt Nam.
Đứng ở mức độ quản lý nhà nước, quản lý nhân khẩu, quản lý lao động, an sinh xã hội; thì tình trạng kết hôn muộn và mức sinh thấp kéo dài sẽ dẫn tới một số hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Từ quan điểm cho rằng “đến tuổi thì kết hôn, dựng vợ, gả chồng”, dẫn tới còn tồn tại quan niệm kết hôn là “trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng”. Thực tế, nhiều người ở độ tuổi kết hôn bị áp lực từ quan niệm cha mẹ, xã hội rằng phải lấy vợ, lấy chồng.
Số liệu do TAND một tỉnh phía Bắc vừa công bố, khiến chúng ta xem xét suy ngẫm lại những quan niệm trên. Theo đó, từ 1/10/2023 - 30/6/2024, TAND hai cấp trong tỉnh này thụ lý 4.051 vụ án hôn nhân và gia đình, chiếm khoảng 61% tổng số vụ án trong tỉnh. Hầu hết trong đó là đề nghị ly hôn.
Tại một sự kiện do Liên đoàn Lao động tỉnh này tổ chức vào tháng 7/2024, đại diện TAND và Sở Tư pháp cho biết, năm 2023, tỉnh có 10.674 cặp đôi kết hôn và ly hôn 5.071 vụ. Tỉ lệ ly hôn so với tổng số cuộc kết hôn chiếm trên 47%. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, có 4.235 cặp đôi kết hôn và 2.696 vụ ly hôn, tỉ lệ ly hôn chiếm trên 63%. Trung bình cứ 2 cuộc kết hôn thì có hơn 1 cuộc ly hôn.
TAND tỉnh này cũng cho hay, nguyên nhân chủ yếu các vụ ly hôn là do vợ chồng bất đồng về quan điểm sống, không thống nhất với nhau trong kinh tế gia đình, hoặc do một bên đang ở nước ngoài (thường là đi xuất khẩu lao động) thiếu quan tâm đến nhau. Nguyên nhân ngàn đời tan vỡ như vậy vẫn như cũ: Thứ nhất là tình, thứ hai là tiền, nay có thêm yếu tố thứ ba là lấy nhau rồi vì mưu sinh mà không ở bên nhau.
Xã hội ngày nay có nhiều đặc điểm khác, có nhiều mục tiêu để bản thân mỗi cá nhân phải học hỏi, trau dồi, phấn đấu vươn lên, không thể cứ áp lực vì quan niệm xa xưa là đến tuổi phải kết hôn. Hôn nhân chỉ thực sự đơm hoa kết trái tốt tươi nếu có nền tảng là tình yêu, sự cảm thông, sẻ chia, thay đổi vì nhau cho phù hợp. Nếu kết hôn chỉ vì trách nhiệm, kết hôn với người mình không yêu, không phù hợp; nếu kết hôn rồi mà không vì nhau để hài hòa thay đổi nhường nhịn; rồi dẫn đến ly hôn, làm tổn thương nhau, gây hại đến những đứa con được sinh ra; thì đó mới là thiếu trách nhiệm với xã hội, là gây hệ lụy sâu sắc cho xã hội.