Bạo lực gia đình không còn là “việc riêng của từng nhà” mà đã là vấn đề xã hội nghiêm trọng khi “bạo lực đã được bình thường hóa, người phụ nữ đã phải chịu đựng và chấp nhận bạo lực và giữ im lặng về những điều họ đang phải hứng chịu”…
1. Bước chân về nhà chồng, chị Mai thực sự hạnh phúc và tự tin với những gì mình có. Không phải là “người đẹp chân dài” nhưng với trình độ thạc sỹ và đang ở vị trí “hái ra tiền” ở cơ quan, chị Mai vốn là mục tiêu của không ít người. Chị chọn Tuấn làm chồng vì sự hiền lành và chu đáo của anh mà không quan tâm đến gia cảnh không “môn đăng hộ đối” với gia đình chị.
Điều kiện kinh tế ổn định, anh chị đã có những giây phút êm đềm của gia đình ở mức trung lưu cho đến ngày chị phát hiện anh đang “quan tâm đặc biệt” đến một đồng nghiệp nữ. Anh từng giải thích với chị về những tin nhắn thăm hỏi đầy ân cần mà anh gửi cho cô ta là vì “cô ấy đang bị sốc do đổ vỡ trong chuyện tình cảm nên anh an ủi thôi”. Chị cũng tin và không quan tâm lắm đến chuyện đó nếu chị không vô tình nghe được một cuộc điện thoại của anh.
Sáng đó, đưa con đến trường như mọi khi thì chị phát hiện quên điện thoại ở nhà nên quay lại lấy. Vào nhà, nghe tiếng anh nói “Ừ, anh sẽ đến ngay. Anh nhớ em lắm”. Chị lao vào phòng ngủ làm anh hốt hoảng tắt điện thoại.
Suốt một tháng sau đó, cuộc sống gia đình nặng nề đến nỗi chị phải gửi hai đứa con sang nhà ông bà nội với lý do “bận quyết toán cuối năm”. Chị thực sự chán nản và thấy mất hết tự tin vào bản thân vì không hiểu sao chồng chị lại bị người phụ nữ khác cuốn hút khi đang có một gia đình hạnh phúc, sung túc như vậy.
Rồi mọi chuyện cũng dần nguôi. Mai đã tha thứ cho chồng và đang cố làm lại thì chị gặp Việt – người chị từng hợp tác trong một vài dự án của cơ quan và ngã lòng trước sự quan tâm của Việt.
Một lần, đến đón chị tại nhà để đi công tác, anh ta ôm ghì và hôn chị khiến chị như bừng tỉnh. Chị lao ra khỏi xe, còn Việt thì cố níu chị lại. Từ trên ban công, chồng chị nhìn thấy tất cả nên chị đã kể lại hết mọi chuyện với chồng và từ đó hoàn toàn cắt đứt liên lạc với Việt.
Song thảm cảnh một lần nữa lại xảy ra với Mai. Chồng chị trở nên xa cách. Dẫu vẫn về nhà đúng giờ, quan tâm đến vợ con, chuyện gia đình nhưng tuyệt nhiên Tuấn không “đụng chạm” gì đến vợ.
Thời gian đầu, Mai cố chịu đựng vì nghĩ mình có lỗi nhưng 1, 2 tháng rồi đến 6 tháng, khi chỉ có hai vợ chồng, Tuấn hoàn toàn lặng lẽ như một cái bóng bên vợ khiến chị thực sự bị trầm cảm.
Chị cũng đã nhiều lần nói chuyện với chồng, song Tuấn vẫn không hề tỏ ra thay đổi. Mai phải sống trong sự uất ức, kìm nén và không thể thổ lộ với ai việc chồng mình đang dùng sự lạnh lùng để “trả thù” vì chị đã quan tâm đến người đàn ông khác.
2. Chồng là lãnh đạo ở một công ty đang “ăn nên làm ra”, chị Thúy luôn hãnh diện với bạn bè về cuộc sống đầy đủ và một ông chồng biết chiều vợ hết lòng. Duy chỉ có điều, vợ chồng chị hiếm muộn. 5 năm kết hôn, chạy chữa khắp nơi nhưng chị vẫn không thể giữ được bào thai nào quá 2 tháng. Đã có lúc nản lòng, chị khuyên chồng “tìm con ở ngoài” nhưng anh cương quyết phản đối khiến chị rất xúc động và lại hết sức tìm cách để có mụn con cho chồng.
Một lần về đến nhà, chị gặp một phụ nữ lạ cùng đứa trẻ mà cô ta giới thiệu là con mình ở cổng và hỏi gặp chồng chị. Thúy gọi chồng ra. Vừa thấy người phụ nữ, chồng chị sững lại.
Thúy định vào nhà để chồng tiếp khách thì nghe tiếng đứa trẻ gọi “bố ơi”. Không tin vào tai mình, chị quay lại và thấy đứa trẻ chạy nhào vào lòng chồng chị. Tất cả quay cuồng và chị ngất lịm.
Tỉnh dậy, chị thấy chồng đang ngồi bên cạnh. Anh thú nhận đã quen và có con với người phụ nữ kia trong thời gian anh được luân chuyển đi cơ sở. Do anh không muốn bỏ vợ để cưới cô ấy nên giờ cô ấy đến trả con để đi xuất khẩu lao động. Anh xin chị tha thứ và chấp nhận đứa trẻ trong nhà.
Thúy không biết phải làm gì khi lúc đó chị cũng đang mang thai đứa con của chồng. Chị còn giấu, chưa dám thông báo với chồng vì sợ “dớp”. Chị không trách anh có con với người khác, nhưng chị thấy căm thù vì anh đã lừa dối chị suốt 5 năm qua nên tuyên bố không thể nuôi đứa trẻ vì nó khiến chị nhớ đến sự lừa dối của chồng.
Nhưng hóa ra đây là quyết định sai lầm. Cú sốc về đứa con riêng của chồng đã khiến chị bị căng thẳng và xảy thai lần nữa. Đau đớn hơn là bác sỹ kết luận chị vĩnh viễn không còn khả năng làm mẹ. Biết chuyện, chồng chị không nói gì, lẳng lặng nhận một dự án ở tận Cao Bằng. 3 tháng sau, mọi chuyện dần lắng với những nỗi đau của riêng mỗi người thì chồng chị quay về.
Kể từ đó, ngày nào anh cũng mang chuyện chị không thể sinh con và việc anh không thể sống cùng con ra để dằn vặt chị. Thậm chí anh ta còn bắt chị xem những cảnh ân ái, vui vẻ của anh ta với người phụ nữ kia và kết luận, “đấy, phải như thế người ta mới sinh con được, chứ như cô thì như “hoa độc không trái” thôi”.
Chưa bao giờ Thúy lại nghĩ mình có thể rơi vào sự đau khổ như vậy. Chị không dám nói với ai vì sợ bị chê cười khi trong mắt bạn bè, chị là người phụ nữ hạnh phúc và may mắn nhờ có “ông chồng tuyệt vời”…
3. Kết quả nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ ở Việt Nam năm 2010 cho thấy, 54% phụ nữ đã kết hôn từng bị bạo lực tinh thần. Đối với phụ nữ, bạo lực tinh thần nặng nề hơn so với bạo lực thể xác hay tình dục nên “thà bị tát vài cái còn hơn bị chì chiết, sỉ nhục, lạnh lùng, bỏ bê…” như hai ví dụ trên.
Ngày càng nhiều hình thức bạo lực tinh thần diễn ra, đặc biệt ở các gia đình trí thức, ở đô thị chính bởi những người trong cuộc thường “cam chịu” để tránh thị phi của xã hội, để “giữ giá” cho bản thân và gia đình.
Hơn nữa, dù trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có nêu một số hành vi bạo lực tinh thần, nhưng việc xác định các hành vi này không hề dễ dàng trong thực tế.
Còn nhiều biểu hiện không được pháp luật về hình sự và phòng, chống bạo lực gia đình điều chỉnh đến. Vì thế, việc phòng, chống bạo lực tinh thần trong gia đình là rất khó nếu bản thân các nạn nhân không tìm cách phản kháng và tìm sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Huệ Chi